Thổ Nhĩ Kỳ đưa S-400 Nga vào trực chiến

Thổ Nhĩ Kỳ thông báo họ đã đưa hệ thống tên lửa phòng không S-400 mua của Nga vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, bất chấp sự phản đối của đồng minh NATO.

0

Hãng tin Anadolu hôm nay (23/11) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar xác nhận, các hệ thống S-400 mà nước này mua của Nga “đã được triển khai và sẵn sàng hoạt động”. “Nếu có bất cứ mối đe dọa nào, chúng ta sẽ quyết định dùng chúng ở đâu, ra sao”, ông nói.

Các xe phóng S-400 do Nga sản xuất. Ảnh: Reuters

Theo lời ông Akar, Thổ Nhĩ Kỳ không gặp bất cứ vấn đề nào liên quan đến S-400. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nêu rõ, việc mua sắm S-400 diễn ra trong bối cảnh Ankara chưa thể sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ kí hợp đồng mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga Nga vào tháng 12/2017 với trị giá khoảng 2,5 tỷ USD, bất chấp phản đối của Mỹ. Ankara đã nhận được những chuyến hàng đầu tiên vào tháng 7/2019, sau đó huấn luyện binh sĩ vận hành chúng.

S-400 hiện được đánh giá là một trong những mẫu vũ khí phòng thủ tiên tiến nhất thế giới mà Nga xuất khẩu, có thể đánh chặn toàn bộ mục tiêu bay ở khoảng cách 30-400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo.

Mỹ nhiều lần cảnh báo việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng S-400 với sự trợ giúp từ Nga, có thể có thể gây hại cho liên minh NATO. Mỹ cho rằng các hệ thống S-400 và chuyên gia Nga có thể thu thập thông tin về máy bay F-35 và xóa bỏ ưu thế của mẫu tiêm kích này.

Năm 2019, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35. Đến cuối năm 2020, Washington ban bố một loạt lệnh trừng phạt chống lại Ankara vì hợp đồng S-400 thông qua đạo luật CAATSA, đánh dấu lần đầu tiên đạo luật này được sử dụng chống lại một thành viên trong liên minh NATO.

Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cương quyết bác bỏ các yêu cầu của Mỹ. Ankara khẳng định sự hiện diện của S-400 không gây ra mối đe dọa nào với NATO.

Hồi tháng 5/2022, Bloomberg dẫn lời một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ Ankara dường như đã đã đề nghị Mỹ dỡ bỏ trừng phạt xung quanh hợp đồng S-400 như một điều kiện để nước này cho phép Phần Lan và Thụy Điển sớm gia nhập NATO.

Theo Thái Hà

Link gốc: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tho-nhi-ky-dua-s-400-nga-vao-truc-chien-i675303/