Thanh Hóa: Tổ chức 126 lượt thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường

Theo thông tin từ văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, năm 2023 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 126 lượt thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường.

0
Theo đó, năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tổng chi ngân sách từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho các hoạt động bảo vệ môi trường của địa phương trong năm là gần 691 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết kịp thời các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Thanh Hóa: Tổ chức 126 lượt thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường - Ảnh 1
Năm 2023, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã bị cơ quan chức năng thanh kiểm tra và xử phạt  vi phạm về môi trường. (Ảnh minh hoạ)

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú. Các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí đăng tải nhiều tin, bài phổ biến pháp luật, nhân rộng các mô hình, giải pháp xử lý môi trường hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Advertisements

 

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo triển khai, nhân rộng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” trên địa bàn của 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn duy trì hiệu quả 218 mô hình câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm “Thanh niên với bảo vệ môi trường”; xây dựng mới 32 câu lạc bộ “Thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”, 40 mô hình “Ngôi nhà thu gom rác thải”, 03 mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”… Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát huy hiệu quả 734 mô hình “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; 3.000 mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu”.

Hội Nông dân tỉnh xây dựng 179 tổ tự quản về bảo vệ môi trường nông thôn. Hội Cựu chiến binh tỉnh triển khai 11.200 bể, thùng đựng rác thải ngoài đồng ruộng; thành lập 220 câu lạc bộ cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường cấp xã…

Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Trong năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với 26 đơn vị; thực hiện 27 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh và phản ánh của báo chí về hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường. Các đơn vị khai thác khoáng sản đã thực hiện việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng, tạo nguồn kinh phí để khôi phục môi trường sau khi kết thúc hoạt động khai thác.

Sở TN&MT tiếp tục quản lý, vận hành hiệu quả 03 trạm quan trắc môi trường tự động (01 trạm tại Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, 01 trạm tại UBND phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn và 01 trạm tại phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn); các cơ sở sản xuất, kinh doanh duy trì hoạt động 108 trạm quan trắc khí thải, nước thải tự động trong quá trình sản xuất theo quy định, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kịp thời cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Việc quản lý, xử lý chất thải đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt 91,8% (chỉ tiêu 90% trở lên); tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp đạt 93%; tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại đạt khoảng 83%. Ngành Y tế duy trì tốt hoạt động các hệ thống xử lý chất thải rắn tại các bệnh viện. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại đạt 100%. Công tác bảo vệ môi trường khu vực đô thị được quan tâm. Toàn tỉnh có 03 đô thị (TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn) đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.

Công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn dần đi vào nền nếp, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%. Tỷ lệ hộ chăn nuôi ở nông thôn có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 71,47%. Đến nay, đã có 77/82 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (23 bệnh viện, 45 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, 07 khu chứa và chôn lấp rác thải, 01 hồ, 01 khu vực ô nhiễm xăng dầu và 05 làng nghề) đã được xử lý triệt để ô nhiễm hoặc đánh giá, đưa ra khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 05 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật còn lại đã đưa vào nhiệm vụ điều tra, đánh giá chi tiết và lập phương án xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đất.

Trong năm 2023, việc thẩm định hồ sơ môi trường cũng được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả hơn. Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt 204 báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp 84 giấy phép môi trường; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp thẩm định, phê duyệt 10 báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp 27 giấy phép môi trường; UBND cấp huyện thẩm định, cấp 127 giấy phép môi trường cho các cơ sở, dự án trên địa bàn.

Cùng với đó các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, gắn với giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường. Đã tổ chức 126 lượt thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường đối với 34 doanh nghiệp và 03 hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền xử phạt gần 2,2 tỷ đồng; yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các đơn vị vi phạm, thực hiện đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc dừng các công đoạn sản xuất các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Theo Đình Đông/ Kinh tế Môi trường