Thâm nhập đường dây buôn tiền: Gom USD trong ngân hàng, bán ra chợ đen trục lợi

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phải bán ngoại tệ để giảm sức ép tỉ giá thì có những đối tượng trục lợi kiếm bạc tỉ nhờ chiêu gom đôla Mỹ (USD) trong ngân hàng thương mại, bán ra thị trường chợ đen ăn chênh lệch tỉ giá. Hệ luỵ nguy hiểm của hành động này đe doạ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, thậm chí tác động tiêu cực việc điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước, tiếp tay cho các lực lượng kinh tế ngầm...

0
Những mẩu tuyển dụng ngắn với nội dung mô tả việc nhẹ lương cao, kiếm tiền bạc triệu/ngày. Ảnh: PV

Phóng viên Báo Lao Động đã theo chân các đối tượng đến tận chi nhánh của nhiều ngân hàng như ABBANK, HDBank, Sacombank, MSB… để thực hiện bài phóng sự điều tra về việc các đối tượng mua gom USD, làm giả nhu cầu xuất cảnh…

Một phần dự trữ ngoại hối bán ra có thể đã đáp ứng nhu cầu ngoại tệ ảo

Sau một thời gian dài theo dõi, phóng viên Lao Động phát hiện đường dây của những đối tượng chuyên thuê người xếp hàng mua gom USD trong các ngân hàng thương mại rồi đem bán tại thị trường chợ đen để ăn chênh lệch. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, một số đối tượng đã trục lợi số tiền lớn.

Hơn 1 tháng trở lại đây, những dòng tin tuyển dụng “Việc nhẹ nhàng, lương 1 triệu/buổi, bao ăn trưa. Yêu cầu chỉ cần có hộ chiếu, biết đứng xếp hàng…” xuất hiện dày đặc tại nhiều nhóm kín trên mạng xã hội.

Trong vai người muốn đi xin việc, phóng viên đã liên hệ tới người đăng tuyển có tên H. (trú tại Quốc Oai, Hà Nội) và được hẹn đến địa chỉ phòng giao dịch của một ngân hàng tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vào ngay sáng ngày hôm sau để bắt đầu công việc. Công việc được H. mô tả một cách ngắn gọn, đơn giản chỉ là xếp hàng chờ tới lượt để mua ngoại tệ. Khi phóng viên có mặt tại địa điểm phòng giao dịch ngân hàng T. đúng hẹn thì H. và cả đoàn đã rời khỏi khu vực này.

Bảo vệ ngân hàng T. cho biết, gần đây thường xuyên xuất hiện những nhóm người cùng nhau đứng xếp hàng để mua USD. Thậm chí hoạt động này đã diễn ra nhiều lần ở cùng một nhóm người và hoạt động theo các quy luật nhất định.

Tiếp đó, H. hướng dẫn chúng tôi đến thẳng phòng giao dịch ABBANK tại địa chỉ số 97 phố Trần Bình, (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tại đây, phóng viên trực tiếp nói chuyện với nhân vật H cùng đoàn 8 người đi xin việc. Qua tìm hiểu, H làm nghề môi giới xuất khẩu lao động. Do nắm được các mánh khoé trong nghề, thời gian qua, H thường xuyên tổ chức cho người đến mua gom USD tại các ngân hàng rồi bán ra chợ đen ăn chênh lệch.

“Không ảnh hưởng gì cả, nó chỉ là chi tiêu cá nhân thôi, tôi làm việc với Ngân hàng Nhà nước rồi, còn sợ cái gì nữa?” là những lời mà đối tượng H nói với phóng viên.

Dường như là khách quen, ngay khi thấy H dẫn nhóm “khách” vào ngân hàng, nhân viên của ABBANK ngay lập tức đón, hướng dẫn “khách” làm các thủ tục như tải app ngân hàng, đăng ký tài khoản… để bắt đầu quá trình mua USD. Mỗi khách được mua tối đa 5.000USD.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân viên ngân hàng ABBANK, mọi thủ tục mua USD diễn ra nhanh gọn chỉ trong ít phút. Nhân viên ngân hàng hẹn H buổi chiều cùng ngày đưa cả nhóm quay lại chi nhánh để hoàn tất giao dịch.

Ngay sau đó, phóng viên cùng đoàn người được sắp xếp lên xe ôtô để đi đến hành trình tiếp theo. H dẫn đoàn 8 người lên ôtô di chuyển đến ngân hàng HDBank nằm trong toà nhà ICON4, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Vừa tới HDBank, H nhanh chóng dẫn đoàn vào làm thủ tục để mua ngoại tệ. Tại đây, tất cả “nhân viên” mà H mới tuyển dụng đều phải trình hộ chiếu cá nhân và ký vào giấy cam kết mua 5.000USD theo diện đi du lịch.

Sau ABBANK, HDBank thì điểm đến thứ 3 của đoàn do H cầm đầu là chi nhánh Sacombank tại 35 phố Lương Đình Của, quận Đống Đa, Hà Nội.

Sau khi rời Sacombank thì tất cả lại lên xe ôtô để đến thẳng trụ sở chính của ngân hàng MSB (tại địa chỉ số 54A Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội), tại đây, một lần nữa các quy trình hợp thức hóa hồ sơ để gom mua USD diễn ra trót lọt. Số tiền mua USD từ MSB được đưa lại ngay cho H…

Toàn bộ số USD mua gom được của cả nhóm sau đó được H chuyển cho một người đàn ông đem tới một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Siêu lợi nhuận việc gom USD từ ngân hàng bán ra chợ đen ăn chênh lệch

Đồ họa: TKTS

Với mỗi người được thuê giả nhu cầu mua ngoại tệ đi nước ngoài có thể mua tối đa 5.000USD. Trong một buổi chiều, H đi qua 4 ngân hàng, mỗi người mua gom ít nhất 20.000USD. Tại mỗi ngân hàng, mỗi người sẽ kiếm về cho H tiền chênh lệch vài triệu đồng.

Nếu gom đủ USD tại 4 ngân hàng thì những đối tượng trục lợi có thể đút túi lợi nhuận từ 10-20 triệu đồng tuỳ vào biến động tỉ giá từng ngày. Trong khi đó chi phí thuê người đi xếp hàng mua USD hộ chỉ là 1 triệu đồng/ngày. Chưa kể nhiều trường hợp trong một ngày có thể đi tới 5, 6 ngân hàng.

Bí mật cả một làng chuyên gom USD

Lần theo đường dây tổ chức gom người đi mua USD hộ, phóng viên Lao Động phát hiện cả một làng có nhiều người cùng rủ nhau đi “hành nghề tay trái” là xếp hàng mua USD hộ để kiếm thêm thu nhập. Người ứng tuyển chỉ cần có hộ chiếu và biết đứng xếp hàng là đạt tiêu chuẩn, mỗi ngày có thể đút túi 1 triệu đồng. Cách kiếm tiền này công khai đến mức, mỗi sáng đều có những chiếc xe ôtô đến chở dân làng vào trung tâm Hà Nội đứng xếp hàng gom USD.

Phóng viên đã có mặt tại làng So, huyện Quốc Oai, Hà Nội, nơi mà nhân vật H trong loạt bài điều tra đã tập hợp nhiều người làm thuê, ký giả các giấy tờ cam kết đi du lịch nước ngoài để mua USD tại các tổ chức tín dụng.

Một người dân sinh sống ở làng So thừa nhận rằng, nghề xếp hàng mua ngoại tệ là một trong những cách kiếm tiền phổ biến của người trong làng. Cách kiếm tiền này công khai đến mức, mỗi sáng đều có những chiếc xe ôtô đến chở dân làng vào trung tâm Hà Nội đứng xếp hàng gom USD. Đồng nghĩa với đó, rất có thể những “ông trùm” như H tại làng còn nhiều.

Liệu có kẽ hở trong Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước?

Vậy cá nhân được phép mua ngoại tệ tối đa bao nhiêu trong ngày? Trao đổi với phóng viên Lao Động, một chuyên gia ngân hàng cho biết, hiện các quy định vẫn có điểm hở để một số ngân hàng lách trong hạn mức bán USD cho cá nhân.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 18/VBHN-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép nêu rõ “Cá nhân là công dân Việt Nam được quyền mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này (mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài – PV) với mức 100USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày.

Mặc dù quy định mỗi người đổi mức 100USD/người/ngày trong 10 ngày nhưng tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư 18 lại để “cánh cửa mở” cho các tổ chức tín dụng được bán vượt mức trên căn cứ khả năng tự cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của cá nhân có mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.

Và theo quy định, số ngoại tệ tiền mặt tối đa cá nhân được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan là 5.000USD. Vì vậy, với việc làm giả hồ sơ đi du lịch, các đối tượng trong đường dây của H dễ dàng đổi được 5.000USD/người tại mỗi ngân hàng.

Nhân viên ABBANK biết người đến đổi USD giả xuất cảnh nhưng cố tình nhắm mắt cho qua?

Trong vai người có nhu cầu thu đổi ngoại tệ với số lượng lớn, phóng viên được hẹn gặp tại chi nhánh ngân hàng ABBANK (thuộc chung cư An Bình City, đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội). Tại đây, nữ nhân viên ABBANK cho biết, việc tạo hồ sơ “xuất cảnh giả” để lấy quyền đổi USD thực chất là hoạt động không được phép. Nếu làm đúng, ngân hàng sẽ không đổi ngoại tệ cho những trường hợp này. Và tất nhiên là việc áp dụng quy định này chỉ diễn ra trên lý thuyết.

“Em không biết là chị sẽ đi nước ngoài với mục đích gì nhé, em chỉ cần biết là vé máy bay này chị có xuất cảnh đi nước ngoài thật hay không thôi. Bọn em sẽ đổi USD cho chị còn vấn đề mà mình mua thì bên em sẽ không quan tâm chị ạ” – nhân viên cho biết.

Nữ nhân viên ABBANK thừa nhận, thực chất các ngân hàng đều nắm được mánh khoé của nhóm người “giả xuất cảnh” theo dạng này. Tuy nhiên, không chỉ “nhắm mắt cho qua”, các ngân hàng còn tạo điều kiện cho những trường hợp như H, uỷ quyền công chứng với nhóm từ 18 – 20 người để tránh mất thời gian và dồn quá nhiều người cùng một thời điểm đến ngân hàng sẽ gây chú ý.

“Bên em và tất cả các bên mà biết mua chỉ để ăn chênh lệch thế sẽ không đổi đâu, nhưng thật ra là nhắm mắt cho qua ấy, nên mọi người đúng hồ sơ cho em. Có đoàn nào thì chị cứ mang qua bên em” – nhân viên ABBANK nhiệt tình trao đổi.

Hành vi trục lợi, lũng đoạn

Trao đổi với Phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Xuân Hoè – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng – cho rằng “đây là hành vi trục lợi hết sức nguy hiểm. Đầu tiên nó có thể tạo ra nhu cầu ngoại tệ ảo, thu lời bất chính và làm cho thị trường ngoại tệ của Việt Nam có những biến động khó lường. Điều này nguy hiểm cho công tác kiểm soát thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, nếu số tiền trục lợi là rất lớn và tích tụ lại sẽ đe doạ quỹ dự trữ ngoại hối và có thể tác động thẳng đến câu chuyện điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã phải bơm ra thị trường khoảng trên 10 tỉ USD để bình ổn tỉ giá. 

Hệ luỵ thứ 3, hành vi trên có thể tiếp tay cho các dạng kinh tế ngầm như buôn lậu vàng hoặc nhập lậu xăng. Ví dụ: Giá vàng trong nước cao thì dùng ngoại tệ để nhập vàng. Trong một đề tài nghiên cứu, lực lượng kinh tế ngầm của Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP. Như vậy, đây là một hành động tiếp tay cho lực lượng kinh tế ngầm rất nguy hiểm mà chúng ta không kiểm soát được. Cơ quan chức năng không thu được thuế mà còn bị thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Chưa kể hệ quả nữa là có thể xảy ra khả năng chuyển tiền lậu và rửa tiền qua biên giới dưới dạng ngoại tệ.”

Luật sư Nguyễn Xuân Sang – Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Quang Công Lý – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội 

Trước hết có thể nói nếu có ngân hàng bán USD mà không kiểm tra mục đích thực của người mua để tuồn USD ra chợ đen hưởng chênh lệch tỉ giá thì ngân hàng đó đã vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát ngoại hối đã được quy định tại Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2013 và các Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.

Thứ hai, hậu quả của việc này dẫn đến hiện tượng nhiễu loạn về tỉ giá ngoại tệ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát và điều hành tỉ giá ngoại tệ không chỉ với USD mà còn ảnh hưởng tỉ giá cả các loại ngoại tệ khác.

Thứ ba, việc này trục lợi cho một nhóm người nhỏ nhưng hậu quả ảnh hưởng rộng đến thị trường tiền tệ nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng, gây thiệt hại cho kinh tế đất nước.

Nếu có hiện tượng móc nối giữa nhân viên ngân hàng và các đối tượng mua ngoại tệ thì nhân viên ngân hàng là đối tượng vi phạm trước.

Sau đó là các đối tượng mua ngoại tệ không đúng mục đích thực bao gồm cả đối tượng chủ mưu tổ chức thực hiện và đối tượng làm thuê tiếp tay và giúp sức cho đối tượng cầm đầu.

Về vi phạm quy định thì có 2 mức độ vi phạm:

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng: Điều 23 Nghị định số: 88/2019/NĐ-CP ngày 14.11.2019 của Chính phủ “Vi phạm quy định về ngoại hối”.

Vi phạm pháp luật hình sự trong hoạt động của các tổ chức tín dụng: Điểm i, Khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017: “Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép”.

Mức xử phạt đối với hành vi tiếp tay đối tượng trục lợi ăn chênh lệch tỉ giá là gì, thưa ông?

Về mức độ xử phạt cũng sẽ chia làm 2 đối tượng. Thứ nhất là về phía ngân hàng vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b khoản 7, điều 23 Nghị định 88 năm 2019 của Chính phủ. Cụ thể là phạt tiền từ 150 – 200 triệu đồng. Đây là đối với hành vi giao dịch, mua bán ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với khách hàng không đúng với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các đối tượng cá nhân kinh doanh ngoại hối trái phép thì sẽ tùy thuộc vào mức độ vi phạm của đối tượng và phạm vi, địa bàn xảy ra vụ việc. Hành vi này có thể xử phạt hành chính từ mức 10 triệu đồng, tương đương với số lượng ngoại tệ vi phạm là khoảng 1.000USD hoặc các ngoại tệ khác tương đương cho đến 100 triệu đồng, tương đương với mức độ vi phạm là 100.000USD hoặc các ngoại tệ khác tương đương.

Ngoài ra, sẽ có hình phạt bổ sung là có thể tịch thu cả ngoại tệ và cả tiền đem đi giao dịch.

Còn về mức độ vi phạm pháp luật hình sự, thì theo điểm I, khoản 1 điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, người nào thực hiện các hành vi kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại tệ trái phép có thể sẽ bị phạt từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo Nhóm Phóng Viên

Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/tham-nhap-duong-day-buon-tien-gom-usd-trong-ngan-hang-ban-ra-cho-den-truc-loi-1097332.ldo