Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm có hại

“Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới doanh nghiệp sản xuất, chỉ làm tăng giá sản phẩm, nhằm định hướng tiêu dùng...”.

0

Đó là chia sẻ của Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) xung quanh Đề xuất sửa đổi, bổ sung thêm một số đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính đang được dư luận quan tâm. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đề xuất này hoàn toàn hợp lý và đáng lẽ phải thực hiện từ lâu rồi. Đây là giải pháp trực tiếp làm giảm lượng tiêu thụ những loại hàng hóa không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung thêm một số đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính đang được dư luận quan tâm. Ảnh: Lương Bằng

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh viện dẫn thêm, hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại bia, rượu, thuốc lá của Việt Nam còn quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể, thuế TTĐB với thuốc lá ở Việt Nam hiện đang áp dụng là thuế tỷ lệ ở mức 75% tính trên giá xuất xưởng (giá bán ra của nhà sản xuất hay nhập khẩu). Tỷ lệ này tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%.

Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc  biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước trong khu vực như Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%… Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Còn đối với rượu, bia, mức áp thuế tiêu thụ đặc biệt cũng ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm 40-50%. “Yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung Thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia đã qua 4 lần điều chỉnh trong 7 năm qua, tuy nhiên các thay đổi trước đây đều theo cách tính thuế tương đối, tức là tăng phần trăm thuế suất theo lộ trình. Điểm hạn chế của cách tính này là không theo chất lượng, độ cồn sản phẩm.

Theo ông Ngô Trí Long, việc phân loại mức thuế khác nhau theo nồng độ cồn phản ánh đúng vai trò khác nhau của từng chủng loại sản phẩm về kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm.

“Cơ chế tính thuế theo nồng độ cồn là cơ chế công bằng, minh bạch hơn và giúp ngân sách tăng bền vững hơn so với cách tính theo giá trị. Tính thuế theo nồng độ cồn vừa tăng khả năng cạnh tranh kinh tế, vừa điều chỉnh hành vi lạm dụng rượu, bia”, ông Long nói.

Đây là giải pháp trực tiếp làm giảm lượng tiêu thụ những loại hàng hóa không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, bản chất của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để Nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách một cách công bằng, hợp lý từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước đồng thời thực hiện chức năng hướng dẫn, điều chỉnh việc sản xuất kinh doanh đối với các hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, chưa thật cần thiết cho nhu cầu xã hội.

“Rượu, bia, thuốc là là các mặt hàng có lượng tiêu thụ cao trong xã hội, tuy nhiên lại là các mặt hàng có hại cho sức khỏe, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sức khỏe con người, an ninh trật tự xã hội. Trong thời gian vừa qua có rất nhiều các vụ việc xảy ra liên quan đến việc sử dụng rượu, bia. Vì thế Nhà nước cần tăng cường quản lý, kiểm soát một cách tập trung, chặt chẽ đối với loại hàng hóa này”, luật sư Hùng chia sẻ.

Theo Nguyễn Giang

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-thuoc-la-nham-han-che-su-dung-san-pham-co-hai-239927.html