Tặng quà Tết – Nét đẹp văn hóa không nên biến tướng

Quà Tết - vấn đề thời sự luôn được nói đến nhiều trong những ngày cuối năm với nhiều khía cạnh khác nhau.

0
Ảnh minh họa.

Thực tiễn, biếu quà Tết vốn vẫn là một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến, quà tặng thường chứa đựng những giá trị về tình cảm, sự quý mến, biết ơn của người tặng quà đối với người nhận quà. Nhưng bên cạnh những món quà Tết tình cảm đơn thuần ấy, vẫn có không ít những món quà Tết bị biến tướng, trở thành công cụ để gửi gắm những mục tiêu khác…

Tết đến, Xuân về là dịp để mỗi người thể hiện sự biết ơn và trân trọng đến những người xung quanh mình, tình cảm đó thường được thể hiện bằng những món quà biếu Tết khác nhau, có thể là hộp bánh, cành hoa, hay một vật dụng ý nghĩa nào đó, có khi là một chút tiền nhỏ trong bao lì xì… và hiện nay còn có cả những món quà mang ý nghĩa tinh thần lớn như những gói hạt giống, những mầm xanh…

Tặng quà Tết mang ý nghĩa như một phép ứng xử của đạo lý làm người, sự trân trọng trong các mối quan hệ gia đình, xã hội. Đây cũng là cách gửi gắm tình cảm vô cùng tế nhị tạo nên một nét đẹp văn hóa trong đời sống. Bởi thế, vốn dĩ những món quà không đặt nặng về giá trị bao nhiêu, to đẹp thế nào, mà chủ yếu thể hiện được tình cảm của người tặng với người nhận.

Không chỉ trong một phạm vi hẹp, nhìn rộng ra xã hội, nét văn hóa tặng quà Tết còn mang thêm nhiều ý nghĩa hơn nữa khi những ngày cuối năm, những món quà Tết đã được các cấp, các ngành chuyển tới các gia đình chính sách thể hiện sự tri ân với công lao của người đi trước. Hay các tổ chức, ban ngành, đoàn thể… cũng đang mang đến với người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động… những món quà Tết thiết thực. Các món quà Tết này tuy có thể không lớn về giá trị vật chất nhưng gửi gắm chút niềm vui, ấm áp và sẻ chia.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, bên cạnh những món quà Tết đơn thuần về tình cảm, đã và đang có những món quà Tết bị biến tướng thành những món quà sang trọng, đắt tiền, nặng về vật chất, thậm chí trở thành công cụ thực hiện những tính toán cá nhân.

Bởi thế, năm nào cũng vậy, cứ đến những tháng cuối năm, Ban Bí thư, Chính phủ… đều nhấn mạnh đến quy định “cấm” chặt chẽ liên quan đến việc tặng quà lãnh đạo các cấp với động cơ không trong sáng. Pháp luật cũng đã có quy định quà tặng ở mức bao nhiêu thì cán bộ không được nhận, nhưng thực tế, việc thực thi vẫn khó khăn

. Những biến tướng tiêu cực trở thành hành vi hối lộ, tham nhũng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, lắt léo vẫn xảy ra, những khoản “quà Tết” vẫn dễ dàng vào nhà quan chức, bởi cách biếu quà ngày càng đa dạng.

Quà Tết vẫn là chất gây men, là bước đệm không thể thiếu cho những giao dịch cụ thể khác thường ngày; những cân đong đo đếm về mức nặng nhẹ của quà Tết để quyết định cách ứng xử vẫn còn xảy ra. Do đó, những lời nhắc nhở nghiêm khắc năm nào cũng được phát đi, các cơ chế để giám sát chặt chẽ bằng các biện pháp cụ thể, thích đáng và thúc đẩy được tính tự giác của mỗi người vẫn được nói đến

. Nhưng để thay đổi một thói quen vốn xuất phát điểm là tính văn hóa tốt, chỉ có điều đã bị biến tướng và lạm dụng không hề đơn giản, bởi thế, việc “quà biếu Tết với động cơ không trong sáng” vẫn là chuyện “nói mãi”.

Dù cuộc sống có phát triển ra sao, với mỗi người Việt, những món quà Tết vẫn mãi là nét đẹp truyền thống đầy tính nhân văn, thể hiện đạo lý sống. Nét đẹp văn hóa ấy không nên để bị biến tướng, mang tính thực dụng, để người tặng và người được tặng lợi dụng để trục lợi. Có lẽ vẫn cần nhiều hơn các giải pháp để tăng quà Tết chỉ mang tính văn hóa, tinh thần nhiều hơn.

Nguyễn Vũ/KTĐT

Link gốc: https://www.langngheviet.com.vn/van-hoa-xa-hoi/tang-qua-tet-net-dep-van-hoa-khong-nen-bien-tuong.html36933