Tăng lương hưu từ 1/7/2024: Để người về hưu bớt thiệt thòi

Bộ Tài chính cho rằng, Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng lương hưu và các loại trợ cấp vượt quá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước năm 2024. Theo chuyên gia an sinh xã hội, hai Bộ cần tính toán cụ thể phần tăng đối với từng đối tượng để có cách giải quyết.

0
Cán bộ phường Giang Biên, quận Long Biên hướng dẫn người dân làm thẻ lĩnh lương hưu. Ảnh: Duy Khánh
Cán bộ phường Giang Biên, quận Long Biên hướng dẫn người dân làm thẻ lĩnh lương hưu. Ảnh: Duy Khánh

Bộ Tài chính đề nghị tính toán lại mức phù hợp

Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội đã quyết nghị, từ ngày 1/7/2024 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Thực hiện chính sách tiền lương, Bộ LĐTB&XH đề xuất từ ngày 1/7/2024 thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp BHXH 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%, từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng; tăng trợ cấp xã hội 38,9%, từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng.

Tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: đối với chính sách người có công sẽ thực hiện đúng phương châm thể hiện trong Pháp lệnh người có công là “người có công được hưởng trợ cấp cao hơn bình thường”.

Theo tinh thần đó, mức trợ cấp của người có công sẽ cao hơn một bậc so với mức cải cách tiền lương. Đối với nhóm đối tượng hưởng bảo trợ xã hội có mức tăng tương đồng với mức tăng lương bình quân của công chức, có lộ trình gồm hai thời điểm là 1/7/2024 và 1/7/2025.

Về tăng lương hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ phân chia thành 3 nhóm đối tượng. Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024.

Với nhóm người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Và, ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương hưu theo ngân sách khi về hưu được bảo đảm đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường. Nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ LĐTB&XH đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa.

Tham gia ý kiến về tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính cho biết: ước tính sơ bộ, nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng thêm so với dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện phương án đề xuất của Bộ LĐTB&XH là 17.276 tỷ đồng, vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định tối đa là 7.430 tỷ đồng.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể, bảo đảm các nguyên tắc và cơ sở pháp lý để trình cấp có thẩm quyền quyết định các mức điều chỉnh trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Tăng lương hưu 15% là hợp lý

Hiện nay, điều kiện cân đối ngân sách T.Ư khó khăn, nguồn bố trí điều chỉnh lương hưu và một số chính sách trợ cấp, an sinh xã hội rất hạn chế, trong khi một số địa phương vẫn tiếp tục dư nguồn cải cách tiền lương lớn.

Để chủ động nguồn điều chỉnh những chính sách và giảm áp lực bố trí ngân sách T.Ư hỗ trợ các địa phương, Bộ Tài chính đề xuất: Bộ LĐTB&XH báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách T.Ư và nguồn cải cách tiền lương của các địa phương còn dư sau khi bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương được sử dụng để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do T.Ư ban hành.

Về vấn đề tăng lương hưu, các chuyên gia an sinh xã hội cho rằng, đầu tiên việc điều chỉnh lương hưu phải thực hiện theo nguyên tắc đóng – hưởng để bảo đảm công lao trong quá khứ của công chức, viên chức nghỉ hưu đã đóng góp.

Thứ nữa, theo thông lệ lịch sử, việc tăng lương là quan hệ ngang giữa lương tại chức và lương hưu, tức là tỷ lệ tăng lương hai bên bằng nhau.

Và thứ ba, việc điều chỉnh tăng lương hưu phụ thuộc vào ngân sách, có hai nguồn: những người về hưu trước năm 1995 hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước và đối tượng nghỉ hưu từ 1995 trở lại đây hưởng lương hưu từ quỹ BHXH chi trả. Việc tăng lương hưu phải tuân thủ theo nguyên tắc chung đó, nếu vi phạm sẽ làm mất công bằng với người nghỉ hưu.

Trao đổi về việc Bộ Tài chính nêu ý kiến Bộ LĐTB&XH đề xuất mức tăng lương hưu và các loại trợ cấp từ ngày 1/7/2024 vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: tăng lương hưu tỷ lệ thấp quá thì không có ý nghĩa, mà tăng như Bộ LĐTB&XH đề xuất thì không có nguồn.

Cho nên, bây giờ Bộ Tài chính và Bộ LĐTB&XH ngồi với nhau để bàn lại các phương án và tính toán cụ thể từng phần tăng lương hưu; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công, tăng trợ cấp xã hội như Bộ LĐTB&XH đề xuất là bao nhiêu tiền.

Bộ LĐTB&XH muốn tăng lương hưu 15% nhưng sau khi cân đối vẫn thiếu nguồn thì có thể hạ xuống 12%. Về trợ cấp người có công với cách mạng mà không nâng được như mức đề xuất 28,9% thì giảm xuống một chút.

Nhiều năm nghiên cứu chính sách an sinh xã hội, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH nhận định đề xuất của Bộ LĐTB&XH về cơ bản vẫn chấp nhận được nhưng vẫn có cái không phù hợp.

Bởi vì theo nguyên tắc tăng lương công chức, viên chức và người về hưu có tỷ lệ ngang nhau, Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng lương hưu 15% chỉ bằng một nửa của tăng lương công chức, viên chức (30%).

Thế nhưng đây là tình huống đặc biệt, liên quan đến cải cách, lịch sử tiền lương của công chức, viên chức quá thấp từ trước đến nay nên mức tăng 30% để giải quyết vấn đề lâu dài. Vì, hiện tại, đội ngũ công chức, viên chức có mức tiền lương không đủ chi trả cho cuộc sống dẫn đến năng suất, hiệu suất làm việc không tốt.

“Mức đề xuất tăng lương hưu 15% chưa phải là tối ưu nhưng đành chấp nhận bởi phụ thuộc vào ngân sách” – ông Nguyễn Hữu Dũng cho hay. Đồng thời cho rằng, bây giờ Bộ LĐTB&XH phải tính được ngân sách Nhà nước có bấy nhiêu tiền thì giải quyết tăng lương hưu được bao nhiêu người.

Còn lại hai nguồn là BHXH và nguồn kết dư từ các địa phương, để không vượt quá khả năng cân đối của dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định tối đa 7.430 tỷ đồng.

Trường hợp nếu vượt quá, Bộ LĐTB&XH trình Quốc hội xem xét lại, điều chỉnh, bổ sung ngân sách để việc tăng lương hưu, các loại trợ cấp thực sự có ý nghĩa và các đối tượng thụ hưởng được cải thiện cuộc sống.

“Nếu tăng lương hưu tỷ lệ thấp thì tất cả 3 nhóm đối tượng đều sẽ bị chênh lệch, chứ không chỉ những người về hưu trước năm 1995. Bây giờ giải quyết tăng lương hưu tỷ lệ cao hơn cho những người về hưu trước năm 1995.

Vậy đối tượng nghỉ hưu từ năm 1995, nhiều người có lương hưu thấp, thậm chí dưới mức lương tối thiểu, chỉ hai triệu đồng/tháng thì có được tăng cao?

Còn nhóm về hưu trước 1/7/2024, nếu xử lý cho họ tăng thấp, sau này cũng sẽ chênh lệch, mâu thuẫn với nhau, người ta sẽ đặt câu hỏi: tại sao mình đóng BHXH nhiều lại được tăng lương thấp? Cho nên về vấn đề này, Bộ LĐTB&XH phải tính toán con số cụ thể để có cách xử lý phù hợp”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân

 

Tác giả: Trần Oanh

Nguồn: kinhtedothi.vn