Sẽ tiếp tục tăng giá điện?

Ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được lỗ lũy kế của EVN. Trong khi đó, miền Bắc vẫn có thể thiếu từ 1.200 - 1.500MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7 năm nay.

0
Nhân viên điện lực Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thi công kéo cáp hạ thế cấp điện cho khu dân cư đường Hoàng Hoa Thám – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại buổi tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vào ngày 2-1, ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho rằng nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được lỗ lũy kế của EVN.

Thực hiện theo cơ chế tăng giá điện dưới 5%, 3 tháng/lần

Để giải quyết tình trạng lỗ của EVN, ông Hoàng Anh cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo cơ chế cho phép tăng giá điện dưới 5% trong khoảng thời gian ba tháng/lần nên sẽ thực hiện. “Nếu không tăng giá điện thì không giải quyết được lỗ lũy kế, không giải quyết được lỗ lũy kế thì không làm được gì hết”, ông Hoàng Anh nói.

Cũng theo ông Hoàng Anh, dù tổng công suất nguồn điện là 80.000MW, nhu cầu chỉ 50.000MW nhưng nếu tính toán không kỹ vẫn thiếu điện. Và tình trạng thiếu điện đã nhìn nhận nhiều năm trước, nhưng chưa có giải pháp căn cơ.

“Đây là trách nhiệm của cá nhân tôi và lãnh đạo EVN – ông Hoàng Anh nói và cho rằng ngoài việc tập trung tích nước, mua than, khí… cần thông tin để người dân hiểu và chia sẻ với ngành điện”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024. Trong đó có các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá để đảm bảo EVN hoạt động thuận lợi hơn.

“EVN cần chuẩn bị kịch bản, nhất là kế hoạch cung ứng điện mùa khô, đảm bảo tuyệt đối không thiếu điện như năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Tân đề nghị.

“Bài học đau đớn và nỗi xấu hổ của ngành điện”

Cũng tại hội nghị, ông Đặng Hoàng An, chủ tịch HĐTV EVN, cho rằng để xảy ra những vụ việc xử lý gần đây là bài học đau đớn và nỗi xấu hổ của ngành điện.

Đây cũng là “bài học đắt giá” cho EVN khi đã có những cán bộ bị xem xét trách nhiệm và bị xử lý đặt ra yêu cầu đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, nhất là khi ngành điện không hoàn thành cung ứng điện, vẫn để xảy ra thiếu điện trong năm 2023.

Tuy nhiên, việc đảm bảo cân bằng tài chính như là nhiệm vụ cam go. Vì vậy, theo ông An, giải pháp sẽ được áp dụng là điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, nỗ lực tiết kiệm ở tất cả các khâu, cắt giảm mạnh các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ công trình nguồn và lưới điện, chống tiêu cực, tham nhũng và tăng cường minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, tổng giám đốc EVN, cho rằng có những điều bất bình thường trong việc cân đối tài chính của EVN. Đó là tỉ trọng nguồn thủy điện chỉ còn chiếm 28% và năng lượng tái tạo chiếm gần 27%. Đây là những nguồn có giá thành ổn định.

Các nguồn khác gồm điện than, điện khí, điện chạy dầu đều có giá thành không ổn định, phụ thuộc vào giá nhiên liệu thế giới.

Do vậy, 80% giá thành sản xuất của EVN đến từ nguồn phát, còn lại 20% được phân bổ cho hoạt động truyền tải, phân phối, điều độ, vận hành hệ thống… Đây là điều khác biệt so với nhiều nước trên thế giới, khi cơ cấu nguồn phát điện thường chiếm từ 45 – 50% giá thành.

Hậu quả là việc đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, theo ông Tuấn, là “nhiệm vụ bất khả thi” khi giá cả nhiên liệu đầu vào biến động mạnh.

Dù EVN không công bố cụ thể số lỗ, nhưng ông Tuấn cho biết chi phí sản xuất, giá thành điện năm 2023 đã lên tới 2.092,78 đồng/kWh.

Riêng giá thành từ nguồn phát mà EVN đã phải mua từ các nhà máy điện là gần 1.620 đồng/kWh. Tức là tỉ trọng mua điện chiếm 80% chi phí giá thành, trong khi giá bán lẻ điện bình quân là 1.950 đồng/kWh, gây rất nhiều khó khăn cho tập đoàn.

Miền Bắc có thể thiếu từ 1.200 – 1.700MW

Ông Nguyễn Đức Thiện, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), cho biết nhiều tỉnh miền Bắc dự kiến sẽ phát triển nóng trong giai đoạn 2024 – 2025 khi có rất nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, khách hàng lớn đăng ký sử dụng công suất với quy mô lớn. Điện thương phẩm năm 2024 sẽ đạt trong khoảng từ 94,94 tỉ kWh.

Trong khi đó, năm 2024, miền Bắc sẽ không có nguồn điện lớn nào được bổ sung, các nguồn điện nhỏ bị chậm tiến độ và chủ yếu đóng điện cuối năm. Do vậy, nếu nhu cầu điện tăng cao, miền Bắc có thể thiếu từ 1.200 – 1.500MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7. Cuối năm có nguy cơ thiếu nguồn điện là gần 200 – 400MW.

Vì vậy, ông Thiện cho biết ngành điện sẽ áp dụng các giải pháp như điều chỉnh phụ tải, tiết kiệm điện và dịch chuyển giờ sản xuất các phụ tải lớn…

Tác giả: Ngọc An

Nguồn: tuoitre.vn