Quốc khánh mùng 2/9: Nhớ về Người lập quốc!

Quốc khánh tới, là lúc nhớ về năm 1890! Thời điểm một vĩ nhân tương lai chào đời, sau này trở thành Người lập quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh!

0
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 – Ảnh tư liệu.

Tháng 3 năm 1890, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh thành lập tỉnh Thái Bình, gồm phủ Thái Bình cũ, phủ Kiến Xương (tách từ Nam Định) và huyện Thần Khê (tách từ Hưng Yên). Cùng năm (tháng 5), người Pháp cho đặt đoạn đường sắt đầu tiên ở Bắc Kỳ, đoạn Phủ Lạng Thương (Bắc Giang nay) – Lạng Sơn. 6 năm sau, Toàn quyền Đông Dương ra lệnh lập “Trường Quốc Học Huế” và 9 năm sau, người Pháp làm cầu Đuy-me (Long Biên) và thành lập “Trường Viễn Đông Bác cổ”… Trước đó (1889), Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh thành lập thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam. Đà Nẵng được xếp là thành phố cấp II, ngang với Chợ Lớn và Phnôm Pênh.

Năm 1888, người Pháp khánh thành đường dây điện báo Sài Gòn – Hà Nội (qua Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh) và thành lập “Công ty Mỏ than Bắc Kỳ”, có trụ sở đặt ở Paris. Tổng thống Pháp ra lệnh thành lập thành phố Hà Nội (thành phố cấp I, ngang với Sài Gòn), đồng thời cũng nâng Hải Phòng lên thành thành phố cấp I. Vua Đồng Khánh ra đạo dụ, nhượng hẳn “quyền sở hữu hoàn toàn” Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp!

Trước đó nữa (1887), Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh thành lập “Liên bang Đông Dương” thuộc Pháp, lúc đầu chỉ gồm Cao Miên và Việt Nam (chia làm 3 miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và đến năm 1899, sáp nhập thêm cả Lào.

Nói rộng ra một chút để thấy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đời, người Pháp đã là “ông chủ”, đã “tự làm mọi việc” trên toàn xứ Đông Dương nói chung và trên đất nước ta nói riêng, từ hành chính, giao thông, bưu chính,… đến khai mỏ, mở trường, lập viện,…, dân Việt hoàn toàn mất nước. Triều đình Huế bất lực và chỉ còn là bù nhìn! Nhưng về hành chính, có một việc ta nên “ghi công” cho người Pháp, đó là việc người Pháp đã “vượt qua” Minh Mệnh, “cho” Tỉnh Hà Nội thành Thành phố Hà Nội – Thành phố cấp I thuộc Pháp!…

21 tuổi (1911) Người ra đi tìm đường cứu nước, 40 tuổi (1930) Người thành lập chính Đảng của mình, 55 tuổi (1945) Người cùng Đảng của mình và toàn dân giành chính quyền, phục quốc và Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp nối hào quang bao đời Thăng Long Đại Việt.

Ngày 2/9 năm ấy (1945), Người công bố “Tuyên ngôn độc lập”, bằng văn bản chính thức, trước quốc dân đồng bào và thế giới, sau hai bản “Tuyên ngôn độc lập” huyền thoại của Lý Thường Kiệt và Nguyễn Trãi, mở ra kỷ nguyên vàng son thứ tư cho Thăng Long – Hà Nội. Thật đúng là: “Ý dân bao nhiêu năm/Thành ý trời vằng vặc/Ý trời thốt ra lời/Thành “Tuyên ngôn độc lập”/Bác đọc trên đài cao/Ngàn lời thiêng bay khắp/Lời nhuần gội lòng người/Như mưa đền dạ đất/Giữa nắng thu gió thu/Cờ Cộng hòa phần phật/Muôn dân ngước lên nhìn/Hả hê trong nước mắt/Tám mươi năm vong nô/ Giờ thành dân độc lập/Lòng ai không mở cờ/Tái sinh cùng trời đất…”.

Hà Nội cũng là nơi đón nhận bản Hiến pháp đầu tiên của nền Cộng hòa (1946). Năm ấy, Hà Nội là nơi phát đi lời hiệu triệu “Toàn quốc kháng chiến”, để lại “Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng” và 9 năm sau, Hà Nội đón bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản – “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về; Năm cửa ô xòe năm móng rồng/Đoàn quân về nhấp nhô như sóng…”.

Năm 1954, Người cùng Đảng của mình và cả dân tộc làm nên Điện Biên Phủ, ngòi nổ cho chuỗi nổ dây chuyền phá tan “Chủ nghĩa Thực dân kiểu cũ”, xây dựng Miền Bắc thành “Hậu phương lớn” Yếu tố thường xuyên quyết định thắng lợi ở tiền tuyến trong cuộc “Kháng chiến thần thánh” lần thứ 2 – Chống Mỹ cứu nước; biến cả Trường Sơn thành một chiến trường với “Đường mòn Hồ Chí Minh” huyền thoại.

Đến trước khi Người mất (2/9/1969), thì phiên họp đầu tiên, chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ đã diễn ra ở Paris (13/5/1968), làm tiền đề cho “Hội nghị 4 bên về Việt Nam” lịch sử. Cũng ở Paris, sau khi “Chiến tranh Cục bộ” của Mỹ ở Miền Nam thất bại (Ngày 25/1/1969, phiên họp toàn thể chính thức đầu tiên của Hội nghị ấy, khai mạc tại Phòng họp Trung tâm của Hội nghị Quốc tế), Mỹ đã phải chấp nhận đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam – Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam.

Mỹ cũng đã phải nghĩ đến “Việt Nam hóa chiến tranh”. Sau khi Người mất, các đồng chí và đồng bào của Người còn làm thêm được một Điện Biên Phủ nữa – “Điện Biên Phủ trên không” (1972). Và rồi, như chúng ta đã biết, chiến lược lớn cuối cùng của Mỹ ở Miền Nam Việt Nam – “Việt Nam hóa chiến tranh”, hay là “Thay đổi mầu da các xác chết”, hay là “Hỏa lực Mỹ, lính Việt Nam Cộng hòa”- sụp đổ vào cuối mùa xuân 1975.

Từ đó, Việt Nam hoàn toàn thống nhất, cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo cùng với Đảng của mình, đã hoàn toàn thắng lợi. Thế là, cả cuộc đời Người, như Người từng nói, Người chỉ mong mỏi và dốc sức làm “có một việc”, đó là làm cho “Nước ta được độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và, Người đã làm như thế!

Nhìn lại bối cảnh lịch sử khi Người được sinh ra và nhìn “cơ đồ” Người để lại, không cần phải sâu sắc lắm, cũng thấy ngay rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị anh hùng dân tộc, một vĩ nhân trong các vĩ nhân. Người đã thuộc về “Thế giới người hiền”, không chỉ của dân ta mà còn là của nhân loại. Người cùng Đảng của mình dẫn cả dân tộc làm cách mạng, vừa giành lại được nước, dựng nên một chính thể – chế độ mới, vừa thống nhất giang sơn và biến nhân dân của mình, từ phận “vong quốc nô”, thành chủ nhân của đất nước.

Thống nhất giang sơn là một sự nghiệp vĩ đại. Trịnh – Nguyễn phân tranh cả trăm năm! Nguyễn Tây Sơn không làm nổi! Nguyễn Gia Long không giữ nổi để phải “nhượng địa” cho Pháp! Cần Vương không làm nổi! Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… không làm nổi! Sau tất cả, chỉ Hồ Chí Minh làm được! Hãy thử nhìn lịch sử dân tộc và tự hỏi: “Có bao nhiêu vĩ nhân lập quốc trong đó?”, ta sẽ thấy, các vị ấy “hiếm hoi” làm sao! Cho nên, “Vĩ nhân lập quốc” phải được coi là “Thánh nhân”! Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người như thế! Dù mỗi cá nhân có bức bối thế nào, thì “nói xấu Thánh nhân” luôn là một việc tội lỗi – tội lỗi vì vô ơn!

Chưa nói, sự nghiệp của Người còn có ảnh hưởng sâu sắc đến sự tiến bộ của thế giới hiện đại. Có Người, nước Việt nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng, lại có một kỷ nguyên vàng son nữa. Ai sau đó có giữ được vẻ vàng son ấy hay không, lại là chuyện khác! Riêng với dân ta, những danh xưng cả nước dùng: “Cụ Hồ”, “Bác Hồ”, “Cha già dân tộc”, “Người lính già”, “Thầy giáo Thành”, “Nhà Văn hóa”, “Nhà thơ”, “Nhà đạo đức”… càng khiến Người trở nên vô cùng kính yêu, trìu mến.

Tên Người đã trở thành một huyền thoại, Người đã trở thành một “Thánh nhân”… có thực trên đời. Đến bây giờ, chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, không thủ đô nào có nhiều thi ca về mình như Thăng Long – Hà Nội. Không một vĩ nhân nào có nhiều thi ca viết về mình như Bác của chúng ta!

Nhìn sơ lược lịch sử ta, dễ thấy rằng, khi nào chúng ta có “Vua sáng, tôi hiền”; khi nào chúng ta giữ được đạo đức và phẩm cách; cân bằng, thông minh và mạnh mẽ cả trong chính trị – kinh tế – văn hóa và võ bị; thì ta có “Đại đoàn kết toàn dân”, thì ta không bị ngoại bang “bắt nạt” và những kỷ nguyên vàng son ắt về trên núi sông. Chúng ta ngày nay cũng nhất định phải thế! Nếu không, không thể nói là chúng ta trung thành với lý tưởng của Người.

Tác giả: Đỗ Trung Lai

Nguồn: doanhnghiepkinhtexanh.vn