Phía sau vụ cảnh sát giao thông “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật…
Đó là một trong những nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông (CSGT) đã được cụ thể hoá bằng các văn bản quy phạm pháp luật, mọi người dân khi tham gia giao thông bắt buộc phải thượng tôn, chấp hành nghiêm.
Lực lượng CSGT cũng được Nhà nước phân công, giao trách nhiệm thực hiện công tác, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.
Và, đã có không ít tấm gương anh dũng hy sinh của CSGT trong thời gian qua phải vĩnh viễn nằm xuống để giành lại sự bình yên, an toàn cho cuộc sống. Xin không nhắc lại nỗi đau của nhiều gia đình đã mất đi người thân là cán bộ, chiến sỹ CSGT hy sinh trong thời gian qua nhưng tấm gương của các Anh đời đời luôn khắc ghi.
Cũng có không ít CSGT đã phải gánh về mình những thương tật trên cơ thể trong hoàn cảnh đương đầu đấu tranh, phòng chống với các loại tội phạm có hành vi chống đối, cản trở trên những cung đường, giao lộ…
Và, đâu đó vẫn xuất hiện những hình ảnh người chiến sỹ CSGT sẵn sàng xả thân giúp đỡ người dân trong hoàn cảnh “thập tử nhất sinh”, giúp họ đoàn tụ với gia đình, người thân… Xã hội luôn tôn vinh, ghi nhớ những tấm gương dũng cảm hy sinh vì cuộc sống yên bình cho hôm nay và mai sau.
Vậy nhưng, đâu đó vẫn có không ít vụ việc, trường hợp CSGT làm xấu đi hình ảnh của lực lượng, trở thành “con sâu làm rầu nồi canh” khiến dư luận bức xúc. Mới đây trong khi lực lượng CSGT cả nước đang phải gồng mình để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho người dân, doanh nghiệp di chuyển, đi lại an toàn dịp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 thì ở Hải Dương lại xảy ra vụ việc chính 6 đối tượng nguyên là CSGT Công an TP Chí Linh lại không thượng tôn pháp luật.
Cụ thể, vào ngày 08/02/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 06 đối tượng nguyên là cán bộ thuộc Đội CSGT – Trật tự Công an TP Chí Linh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2, Điều 356, Bộ luật hình sự năm 2015. Thông tin này đã được đăng phát trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an vào ngày 09/2/2023.
Và, theo điều khoản nói trên, các đối tượng cũng sẽ phải đối diện với mức án phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Qua tìm hiểu, được biết 6 đối tượng nguyên là cán bộ thuộc Đội CSGT-Trật tự gồm: gồm: Bùi Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Văn Tuấn, Mạc Quốc Phương, Nguyễn Thành Trung, Trương Mạnh Đăng đã có hành vi sai phạm khi kiểm tra nồng độ cồn lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đang tiếp tục điều tra vụ án để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng, của pháp luật và của ngành Công an với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, vào những ngày gần đây mạng xã hội cũng xôn xao về một số clip được cho là liên quan đến tổ CSGT -Trật tự thuộc Công an huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Theo clip ghi nhận, việc tổ CSGT – Trật tự đã tiến hành dừng xe kiểm tra có những lời nói phản cảm đối với tài xế như “trơ trẽn”, “không đi được đường này thì các anh đi đường QL1A…”, “các ông trơ trẽn quá, nếu các ông trơ trẽn quá là nhà mình đối đầu với các ông đó nạ”…. Khi trao đổi sự việc này, Thượng tá Nguyễn Văn Hải – Trưởng Công an huyện Đức Thọ cũng cho biết là sẽ chỉ đạo kiểm tra, làm rõ.
Chưa bàn tới việc đúng hay sai nhưng nếu như sự việc cán bộ, chiến sỹ CSGT – Trật tự của Công an huyện Đức Thọ trong lúc tuần tra, kiểm soát mà có những lời lẽ như vậy với người dân thì khó có thể chấp nhận được. Bởi khi tiếp xúc, việc quát mắng lái xe là “trơ trẽn”, và “không đi được đường này thì các anh đi đường khác…”, liệu có phải cán bộ CSGT ở địa phương này lại được trao cả quyền thích cho xe nào qua thì mới được qua địa phận?
Dư luận cũng bức xúc hơn khi CSGT lại tuyên bố đối đầu với người dân (lái xe) nếu “các ông trơ trẽn quá…”? Trong khi đó, theo Điều 3 Thông tư 65/2020/TT-BCA thì khi thực hiện nhiệm vụ xử phạt hành chính về giao thông đường bộ, CSGT cần đáp ứng yêu cầu như sau: Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.
Theo Ngọc Thái
Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/phia-sau-vu-canh-sat-giao-thong-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-trong-khi-thi-hanh-cong-vu-238933.html