PGS của nữ doanh nhân kín tiếng xứ Nghệ làm ăn ra sao?
Giai đoạn 2020-2022, PGS (công ty mẹ) gây bất ngờ khi không ghi nhận doanh thu thuần và lỗ ròng liên tục.
Khởi nguồn từ năm 1999, tiền thân là cửa hàng bán xe máy chính hãng đầu tiên tại TP. Vinh (Nghệ An) vào thập kỷ 90 mang tên Xuân Bình. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, CTCP Tổng công ty PGS (PGS) đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành Tổng công ty kinh doanh dịch vụ đa ngành có chất lượng và uy tín hàng đầu tại các tỉnh Bắc miền Trung cũng như các tỉnh lân cận.
PGS hiện nay có 18 công ty, trong đó 14 công ty thành viên và 4 công ty liên kết. Trước đây, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 300 tỷ đồng, trong đó bà Phạm Thị Lam Giang (SN 1980) nắm giữ 76% cổ phần; ông Nguyễn Mạnh Tiến (2%); ông Hồ Văn Thuận (2%) và bà Phan Thị Xuân (20%).
Đến tháng 3/2018, doanh nghiệp này giảm vốn điều lệ về 120 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông vẫn giữ nguyên. Bà Phạm Thị Lam Giang đảm trách vai trò Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc, còn Chủ tịch HĐQT là bà Phan Thị Xuân.
PGS sở hữu loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe máy, ô tô tại các tỉnh Bắc miền Trung như Công ty TNHH Ô tô Trung Đô (đại lý ô tô Ford tại Vinh), Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Gia Phạm (sở hữu đại lý Honda Ô tô tại Ninh Bình), Công ty TNHH Thương mại Ô tô Quảng Bình (sở hữu đại lý Honda Ô tô tại Quảng Bình), CTCP Xuất nhập khẩu Hoàng Long (sở hữu đại lý Ô tô Ford tại Quảng Bình), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và Tổng hợp An Phát (hệ thống HEAD Honda Hưng Phát 6 – 8 tại Quỳnh Lưu), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Dịch vụ Tiến Phát (quản lý đại lý HEAD Honda Hưng Phát 7 tại Thanh Hóa), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại PGS Quảng Trị (đại lý ô tô Toyota tại Quảng Trị)…
Ngoài ra, không thể không kể đến Công ty TNHH Vinamotor Nghệ An, một trong những doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực bán buôn ô tô tại tỉnh Nghệ An, đồng thời là nhà phân phối ủy quyền đầu tiên của Mercedes-Benz tại khu vực Bắc Miền Trung kể từ tháng 9/2017.
Được biết, sau khi trở thành nhà phân phối, Vinamotor Nghệ An đã đầu tư hơn 7 triệu USD để mở trung tâm bán hàng và dịch vụ Mercedes-Benz tại ngã tư sân bay Vinh. Đây là trung tâm có tổng diện tích hơn 11.000m2 đạt tiêu chuẩn quốc tế Autohaus 300 về cả chức năng bán hàng và hậu mãi của Mercedes-Benz.
Vinamotor Nghệ An ra đời vào đầu năm 2017 bởi hai cổ đông sáng lập là bà Phạm Thị Lam Giang nắm giữ 30% cổ phần và ông Dương Kiên Cường (70%). Đến năm 2018, cổ đông và số cổ phần của doanh nghiệp này có sự thay đổi khi CTCP Tập đoàn Vinamotor nắm giữ 55%, ông Dương Kiên Cường còn lại 15% và bà Phạm Thị Lam Giang (30%). Bà Giang sau đó thoái vốn khỏi Vinamotor Nghệ An vào tháng 9/2020.
Tính đến tháng 6/2023, cơ cấu cổ đông Vinamotor Nghệ An gồm: Ông Dương Kiên Cường (90%); Dương Cường Hà Anh (5%) và Đinh Thu Hà (5%). Hiện, ông Dương Kiên Cường (SN 1972) là Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc công ty này.
Trở lại với PGS, dưới sự điều hành trực tiếp của bà Phạm Thị Lam Giang, PGS cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực nhà hàng và bất động sản.
Theo đó, Công ty TNHH Cổng Vàng Vinh – thành viên PGS, được thành lập từ năm 2014. Công ty này hiện đang sở hữu 8 cửa hàng được nhượng quyền từ Golden Gate Group – Tập đoàn hàng đầu về chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Các thương hiệu của Cổng Vàng Vinh bao gồm: GoGi Hous, Vuvuzela, Shogun, Hutong.
Trên trang chủ, Cổng Vàng Vinh giới thiệu là đơn vị “tiên phong trong việc đưa các chuỗi nhà hàng sang trọng, đẳng cấp đến với TP. Vinh và Thanh Hóa”, đồng thời góp phần làm “thay đổi hoàn toàn cục diện ngành F&B và thói quen thưởng thức ẩm thực của người dân địa phương. Hàng năm, công ty phục vụ và tiếp đón hơn 2 triệu lượt khách”.
Đến năm 2015, PGS tiếp tục thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Gia Phạm – đơn vị vận hành Trung tâm giải trí City HUB, động thái này đánh dấu bước đi hoàn toàn mới của tổng công ty trong lĩnh vực bất động sản cho thuê. City HUB tọa lạc tại số 1 Đường Lê Hồng Phong, TP. Vinh, Nghệ An, là một tổ hợp đa chức năng bao gồm trung tâm thương mại, nhà hàng, khu vui chơi, văn phòng cho thuê, hồ bơi, trung tâm thể dục thể thao, khu vực cảnh quan xanh, khu vui chơi dành cho trẻ em và bãi đậu xe ngầm….
PGS đang kinh doanh thế nào?
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, PGS trong giai đoạn 2020-2022 đều không ghi nhận doanh thu. Thậm chí, công ty này còn báo lỗ ròng 3 năm liên tục. Cụ thể, PGS lỗ 796 triệu đồng năm 2020, lỗ 454 triệu đồng năm 2021 và lỗ 432 triệu đồng năm 2022.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản PGS tại ngày 31/12/2022 đạt 205,6 tỷ đồng, tăng gần 13,6% so với số đầu năm. Vốn chủ sở hữu 205,3 tỷ đồng chiếm đến gần 99,8% cơ cấu tài sản.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn: nhadautu.vn