Ông Macron bổ nhiệm đồng minh thân cận 34 tuổi làm tân Thủ tướng Pháp
Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal là ngôi sao đang lên của chính trường Pháp, có kỹ năng giao tiếp vượt trội cũng như khả năng “tùy cơ ứng biến” khi phát biểu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 9/1 đã bổ nhiệm một đồng minh 34 tuổi làm tân Thủ tướng Pháp thay thế bà Elisabeth Borne, trong nỗ lực mang lại động lực mới cho chính quyền của ông chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Ông Gabriel Attal, người gần đây nhất giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục Pháp, đã trở thành người đồng tính nam đầu tiên điều hành chính phủ Pháp và là người trẻ nhất giữ chức vụ này trong lịch sử hiện đại của đất nước.
Là một ngôi sao đang lên của chính trường Pháp, ông đảm nhận vai trò này sau một năm đầy khó khăn của ông Macron, chứng kiến cách những cuộc tranh cãi gây chia rẽ về vấn đề hưu trí và nhập cư thử thách khả năng thúc đẩy cải cách của Tổng thống Pháp.
Mặc dù ông Macron còn hơn 3 năm nữa trong nhiệm kỳ của mình, nhưng ông đã bắt đầu tính đến “di sản để lại” của mình và lo ngại liệu nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen có chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2027 sau 2 lần bị ông đánh bại vào năm 2017 và 2022.
Các cuộc bầu cử ở châu Âu sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới sẽ là một ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sự trỗi dậy của phe cực hữu. Cho đến nay, triển vọng đối với ông Macron vẫn rất ảm đạm, khi Đảng Tập hợp Quốc gia (NR) của bà Le Pen dễ dàng vượt qua đảng theo đường lối trung dung của ông Macron trong các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu.
“Ông Macron rất cần một khởi đầu mới”, bà Melody Mock-Gruet, một chuyên gia về các vấn đề quốc hội có trụ sở tại Paris, cho biết.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm một Thủ tướng mới sẽ không nhất thiết dẫn đến bất kỳ sự thay đổi chính trị lớn nào, nhưng báo hiệu mong muốn của ông Macron là cố gắng vượt qua các cải cách về hưu trí và nhập cư không được lòng dân vào năm ngoái.
Tổng thống Pháp cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X/Twitter rằng ông đang trông cậy vào “năng lượng và cam kết của ông Attal trong việc thực hiện kế hoạch tái thiết và đổi mới mà tôi đã công bố”.
Sự nổi tiếng của ông Attal với người Pháp đã tăng lên kể từ khi ông tiếp quản ngành giáo dục vào tháng 7 năm ngoái. Từng là thành viên của Đảng Xã hội, ông tham gia phong trào En Marche (Tiến bước) của ông Macron trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017, và 2 bên kể từ đó vẫn giữ mối quan hệ thân thiết.
Được đào tạo tại trường Đại học Sciences Po danh tiếng của Paris, ông Attal là một trong số ít Bộ trưởng còn ở lại Nội các sau khi ông Macron tái đắc cử vào năm 2022. Khi còn là Bộ trưởng Ngân sách, ông Attal giám sát các dự luật tài chính giúp chi tiêu thêm cho các hộ gia đình trong cuộc khủng hoảng năng lượng và kế hoạch cắt giảm giảm bớt gian lận thuế. Ông cũng từng là người phát ngôn của chính phủ Pháp.
Ông Attal nổi bật với sự sẵn sàng lên tiếng trước công chúng về bất kỳ vấn đề nào xảy ra với bản thân và tài năng tìm ra điều thú vị và phù hợp. Kỹ năng giao tiếp vượt trội cũng như khả năng “tùy cơ ứng biến”, trả lời các câu hỏi trước Quốc hội và trước công chúng, đã khiến ông có biệt danh là “Kẻ bắn tỉa bằng ngôn ngữ”.
Được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp khi mới chỉ 34 tuổi, ông Gabriel Attal gia nhập hàng ngũ các lãnh đạo trẻ tuổi nhất ở châu Âu.
Cựu lãnh đạo Áo Sebastian Kurz trở thành Thủ tướng của quốc gia vùng núi Alps vào năm 2017, khi mới 31 tuổi. Cựu Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin điều hành chính phủ của quốc gia Bắc Âu vào năm 2019, khi ở tuổi 34.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban lần đầu giành được chức vụ này vào năm 1998 khi ông mới 35 tuổi. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cũng như cựu Thủ tướng Estonia Jüri Ratas đều 38 tuổi khi lần đầu tiên trở thành lãnh đạo đất nước của họ.
Và không nói đâu xa, chính ông Macron cũng mới 39 tuổi khi trở thành Tổng thống Pháp vào năm 2017.