Ôm di ảnh chồng con tới tòa, người phụ nữ nức nở “sao lại giết chú?”

"Sao con lại giết chú ấy, sao vậy con?", bà Đảm nghẹn ngào hỏi kẻ thủ ác rồi gục mặt bên hai chiếc di ảnh của chồng và con trai.

0

Bà Nguyễn Thị Đảm (xã Mã Thành, Yên Thành, Nghệ An) tới dự phiên tòa với 2 di ảnh ôm trong tay. Một là của chồng bà, ông Lê Văn Thụ – nạn nhân trong vụ án này, một là di ảnh của cậu con trai đã mất từ năm 2005, khi mới 19 tuổi sau một vụ xô xát với đám thanh niên địa phương. Cậu thanh niên kia nhận mức án hơn 2 năm tù, còn bà mất đi đứa con trai đầu khi vừa mới lớn.

Bà Đảm đến phiên tòa với 2 tấm di ảnh của chồng và con.

Tuổi cũng đã khá lớn nhưng vợ chồng bà Đảm vẫn bám rừng mưu sinh để hỗ trợ gia đình người con trai thứ. “Nó bị bệnh cột sống, vợ thì đẻ liền tù tì 5 đứa con, ốm yếu có làm được gì đâu. Một mình tôi chăm cháu, ông ấy thì lên rừng trồng keo. Mà ông ấy hiền lành lắm, cả đời chưa từng to tiếng với ai, kể cả với vợ con”, bà thổn thức.

Thửa rừng trồng keo của ông Thụ sát cạnh rừng của Trần Đình Thắng (SN 1987, trú xã Tiến Thành, Yên Thành). Bình thường, vào mùa trồng keo hay phát cỏ, tỉa cành, vợ chồng ông Thụ thường xách gạo muối vào, có khi 3-7 ngày mới về một lần. Dạo này, cô con dâu mới sinh nên ông Thụ vào rừng một mình, bà Đảm ở nhà chăm con, chăm cháu.

Ngày 8/12/2021, sau mấy ngày gọi điện cho ông Thụ không được, người nhà tỏa đi tìm. Cả nhà bàng hoàng khi phát hiện ông Thụ đã tử vong trong khu vực đất rừng của mình, trên ngực có một vết thương. Thời điểm được phát hiện cho thấy nạn nhân đã tử vong vài ngày trước đó.

Tối cùng ngày, Trần Đình Thắng đến công an đầu thú, khai nhận là người gây ra cái chết của ông Thụ.

Bị cáo Trần Đình Thắng cho rằng trong lúc hoang mang lỡ tay đâm chết người chứ không cố ý

Theo lời khai của Thắng, chiều 5/12/2021, người này vào rừng để thăm tổ ong và phát hiện một số cây keo trên phần đất của mình bị chặt và một số cây keo con đã được trồng thế vào. Nghe phía bên phần đất rừng của ông Thụ có tiếng máy cắt cỏ nên Thắng nghĩ ông Thụ lấn đất, liền sang tìm nói chuyện. Hai bên cự cãi, Thắng bỏ đi thì nghe tiếng máy cắt cỏ vang lên phía sau lưng nên quay người lại rút con dao mang theo, đâm một nhát vào ngực nạn nhân.

Thấy ông Thụ ngã xuống, Thắng liền rời khỏi hiện trường và đi về nhà. Con dao được phi tang dưới đập nước gần nhà.

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Trần Đình Thắng cho rằng nguyên nhân sâu xa là có sự tranh chấp đất rừng giữa hai gia đình. Bởi vậy, khi nghe tiếng cưa máy vang lên sau lưng, Thắng nghĩ ông Thụ tấn công mình nên mới dùng dao đâm.

“Ông ấy hiền lành, cả ngày chỉ lo làm lụng chả mở miệng trò chuyện chứ nói gì đến chửi bới, dọa nạt ai. Thắng nói nhà tôi lấn đất rừng nên hay tỏ thái độ, ông ấy bảo “thôi bà ạ, cứ cho chú ấy”. Ông ấy có tranh giành gì mấy thước đất ấy đâu. Vậy mà sao con lại giết chú ấy, sao vậy con?”, giọng bà Đảm nghẹn lại. Bà ngồi thụp xuống ôm lấy hai di ảnh của chồng và con trai khóc lặng.

Ở phía trên kia bục khai báo, bị cáo Trần Đình Thắng lí nhí: “Khi ông Thụ chạy lại phía tôi, trong lúc hoang mang thì tôi có đâm ông ấy một cái. Tôi lỡ tay chứ không cố ý đâm chết ông ấy”.

Trần Đình Thắng bị tuyên mức án tù chung thân cho tội danh “Giết người”.

Tuy nhiên, những người dự khán phiên tòa cho rằng, nếu thời điểm đó Thắng cứu giúp ông Thụ hoặc ít nhất báo với người khác để cứu nạn nhân thì biết đâu hậu quả chết người đã không xảy ra, ông Thụ vẫn có thể vui vầy cùng các con cháu những ngày cuối đời, chứ không phải chịu cảnh chết đơn độc lẻ loi trong rừng như thế.

Trần Đình Thắng cho biết, khi hay tin ông Thụ chết, bị cáo đã rất ân hận, day dứt. Bị cáo gửi xin lỗi gia đình bà Đảm vì những đau thương, mất mát đã gây ra cho gia đình. Tuy nhiên, từng ấy không thể bù đắp được nỗi đau trong lòng người vợ ông Thụ, khi nghĩ về đứa con trai ốm đau và đàn cháu thơ dại. Bà đề nghị Hội đồng xét xử dành cho bị cáo mức án thật nghiêm khắc.

Xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt Trần Đình Thắng chung thân về tội “Giết người”, “vượt khung” mức án từ 17-18 năm tù mà vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị trước đó. Ngoài ra tòa còn buộc bị cáo Thắng phải đền bù tổng số tiền gần 210 triệu đồng tổn thất tinh thần và mai táng phí cho gia đình nạn nhân, cấp dưỡng cho bố mẹ ông Thụ mỗi người 500 nghìn đồng/tháng.

Trần Đình Thắng được dẫn giải rời phòng xét xử, bà Đảm vẫn ôm hai di ảnh, miệng không ngừng lẩm bẩm “sao lại giết ông ấy?”.

Theo Hoàng Lam/Báo Dân trí

Link gốc: https://dantri.com.vn/phap-luat/om-di-anh-chong-con-toi-toa-nguoi-phu-nu-nuc-no-sao-lai-giet-chu-20220611161720512.htm