Nhóm đối tượng buôn lậu 6.150kg vàng từ Campuchia về Việt Nam

VKSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 24 bị can buôn lậu 6.150kg vàng 9999 từ Campuchia về Việt Nam.

0
Cửa khẩu Chàng Riệc, nơi các đối tượng vận chuyển vàng lậu từ Campuchia qua Việt Nam. (Ảnh: Sơn Văn)

Cửa khẩu Chàng Riệc, nơi các đối tượng vận chuyển vàng lậu từ Campuchia qua Việt Nam.

(Ảnh: Sơn Văn)

Hai đường dây buôn lậu vàng này do Nguyễn Thị Minh Phụng (SN 1981, quê Bình Định, kinh doanh tự do tại TP HCM) và Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1985, ngụ Tây Ninh) cầm đầu. Trong vụ án, còn có đối tượng quan trọng là Nguyễn Thị Thúy Hằng, chủ cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng, tại TP Tây Ninh.

Các bị can này không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (thỏi) từ Campuchia về Việt Nam để bán. Quá trình kinh doanh, các bị can thấy giá vàng trên thị trường Việt Nam cao hơn giá vàng bên Campuchia nên thỏa thuận, thống nhất, nhận đặt bán vàng lậu cho các chủ cửa hàng vàng trong nước; sau đó liên hệ các đối tượng người Campuchia và Nguyễn Thị Ngọc Giàu (chị gái của Phượng, sống tại cửa khẩu Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh) đặt mua vàng lậu mang về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc để bán lại kiếm lời.

Các bị can đã thiết lập thành 2 đường dây buôn vàng. Một đường dây do Phụng cầm đầu, móc nối với Giàu và lôi kéo 20 người tham gia vào đường dây buôn lậu 4.830kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.644 tỷ đồng, từ tháng 8 – 9/2022, hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng.

Một đường dây khác do Phượng cầm đầu, móc nối với Giàu cầm đầu và lôi kéo 5 người khác tham gia buôn lậu 1.320kg vàng thỏi, trị giá 1.817 tỷ đồng, từ tháng 7 – 9/2022, hưởng lợi hơn 6,8 tỷ đồng.

Ngày 28/9/2022, CQĐT Bộ Công an đã theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình các đối tượng vận chuyển, nhập lậu vàng, đem đi tiêu thụ và ra lệnh khám xét khẩn cấp 2 phương tiện của 2 nhóm đối tượng ngay khi thực hiện việc giao nhận vàng tại đường Hồng Lạc (quận Tân Bình, TP HCM). CQĐT bắt giữ một số đối tượng và mở rộng điều tra vụ án, tiếp tục khởi tố hơn 20 người khác tham gia 2 đường dây buôn lậu vàng nói trên.

Kết quả điều tra xác định, Các đối tượng đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về quản lý người và phương tiện là cư dân biên giới thường xuyên qua lại cửa khẩu để buôn lậu vàng.

Đơn cử, từ 16h30 – 16h55 các ngày 20, 23, 24 và 27/9/2022, có đối tượng nam giới đi xe ba gác từ Campuchia qua barie số 1 cửa khẩu Chàng Riệc vào Việt Nam, xe không gắn biển kiểm soát (dạng xe tự chế), cất giấu vàng lậu vận chuyển vào Việt Nam (về nhà Giàu).

Kết quả làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát xác định, trong khoảng thời gian trên thuộc lịch trực của hai công chức hải quan. Tuy nhiên, phương tiện trên không thuộc đối tượng kiểm tra hải quan.

Lời khai các bị can, cá nhân liên quan trong vụ án và tài liệu thu thập không chứng minh được các công chức hải quan có liên quan đến việc buôn lậu vàng nên không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm với hai cán bộ hải quan.

Cáo trạng cho rằng, cần có kiến nghị Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh xem xét kiểm tra lại quy định về kiểm soát người và phương tiện, hàng hóa qua biên giới, tránh việc các đối tượng lợi dụng để phạm tội và xem xét trách nhiệm cán bộ có liên quan.

Cũng theo cáo trạng, trong khung giờ hành chính, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc có bố trí cán bộ phối hợp lực lượng Hải quan, Kiểm dịch trực kiểm soát tại khu vực cửa khẩu. Ngoài giờ hành chính (từ 17h đến 7h hôm sau), lực lượng biên phòng chịu trách nhiệm gác trực bảo đảm an ninh quốc gia, phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại.

Trong khung giờ này, người, phương tiện, hàng hóa không được qua lại cửa khẩu, trừ trường hợp bất khả kháng theo luật định.

Kết quả điều tra xác định, từ 3/8 – 28/9/2022, trong khoảng thời gian 4h30 -5h và 17 – 18h, bị can Trần Thanh Thắng thường xuyên có hoạt động giao nhận xe máy có thùng hàng chở đá lạnh với đối tượng người Campuchia tại khu vực barie số 1 cửa khẩu Chàng Riệc, thuộc trách nhiệm trực kiểm soát của một số cán bộ biên phòng. Hành vi của các cán bộ nêu trên có dấu hiệu Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 360 BLHS. Xét thấy sai phạm này thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT trong QĐND, vì vậy, CSĐT Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến CQĐT Hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Theo cáo trạng, trong số các bị can, Đặng Nam Trung thường xuyên đi lại giữa Hà Nội – TP HCM giao tiền, nhận vàng theo phân công của Hằng.

Khi làm thủ tục lên máy bay, Trung đi qua cửa VIP kiểm soát an ninh sân bay Tân Sơn Nhất và quen biết với một số nhân viên an ninh sân bay.

Lúc mang vàng ra Hà Nội, Trung đều nhờ làm thủ tục lên máy bay trước. Trường hợp Trung không trực tiếp mang vàng ra mà giao cho người có tên Trịnh Việt Châu hoặc gửi tiếp viên hàng không thì Trung đều nhờ trước nhân viên an ninh trực để các cá nhân này mang vàng qua cửa an ninh.

Cáo trạng cho rằng, Trung và người có tên Trịnh Việt Châu cùng một số tiếp viên hàng không đã mang vàng nguyên khối (vàng thỏi) qua cửa an ninh để lên máy bay từ TP HCM ra Hà Nội.

Rà soát kết quả soi chiếu an ninh sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ xác định được chuyến bay VN204 ngày 28/9/2022, Trung bay từ TP HCM ra Hà Nội có mang theo vàng nguyên khối.

Liên quan việc mang vàng lậu này, có chỉ huy Đội an ninh soi chiếu quốc nội, Ca trưởng Đội An ninh soi chiếu quốc nội và các nhân viên kiểm tra hành khách, nhân viên kiểm tra giấy tờ tùy thân, nhân viên giám sát màn hình máy soi chiếu hành lý xách tay, nhân viên kiểm tra trực quan tại máy soi chiếu hành lý xách tay.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ soi chiếu, nhân viên sân bay có quan sát màn hình, nhận thấy bên trong không có vật phẩm nguy hiểm, chỉ có một số vật phẩm kim loại dạng hình khối, không thuộc hàng cấm mang lên máy bay, nên không thực hiện việc kiểm tra trực quan hành lý; giải quyết cho hành khách Trung hoàn tất kiểm tra an ninh lúc 4h15, không báo cáo cán bộ trực khi trong 3 kiện hàng của Trung có rất nhiều vật phẩm kim loại.

Theo cáo trạng, đây không phải vật phẩm nguy hiểm bị cấm mang lên máy bay nên không có căn cứ xử lý các cá nhân liên quan.

Tác giả: Sơn Văn

Nguồn: baophapluat.vn