Nhiều sai phạm tại một số bệnh viện ở Hà Tĩnh

Cấu kết trục lợi bảo hiểm, vi phạm quy định thanh toán phí khám, chữa bệnh BHYT, sai phạm trong quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng... là những tồn tại xảy ra trong ngành y tế tại tỉnh Hà Tĩnh trong những năm gần đây nhưng không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

0

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến một số tồn tại, hạn chế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Theo đó, qua công tác thanh tra việc đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gồm: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh; BVĐK thị xã Kỳ Anh; Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh và BVĐK Hồng Hà, Thanh tra BHXH Việt Nam phát hiện các cơ sở y tế này đều có việc thanh toán sai nguyên tắc, sai với các quy định mà BHXH cho phép.

Bác sĩ Lê Khắc Hùng và điều dưỡng Lê Thị Diệu Trinh (BVĐK huyện Hương Khê) bị khởi tố, bắt tạm giam vì gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Cụ thể, quá trình thanh tra, BHXH phát hiện hầu hết cơ sở khám, chữa bệnh đều có tình trạng thống kê tổng hợp thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với các trường hợp áp mã chẩn đoán, thực hiện quy trình kỹ thuật, quy trình chuyên môn không đúng các quy định của Bộ Y tế. Các bệnh viện nêu trên thanh toán chi phí thuốc và dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT do người thực hiện không đúng với phạm vi hoạt động chuyên môn trên chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ đào tạo; thống kê thanh toán chi phí trùng với công khám, chữa bệnh, dịch vụ kỹ thuật. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh còn có tình trạng thanh toán chi phí ngoài phạm vi quyền lợi hưởng của người tham gia BHYT.

Kết luận thanh tra chỉ rõ dữ liệu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở này không đảm bảo chính xác. Một số nội dung thanh toán, áp mã chẩn đoán bệnh, người chỉ định, người thực hiện dịch vụ kỹ thuật không thống nhất giữa hồ sơ bệnh án, phần mềm quản lý của cơ sở khám chữa bệnh và dữ liệu trên hệ thống thông tin giám định BHYT. Đoàn thanh tra xác định, các cơ sở khám, chữa bệnh nêu trên có chi phí khám, chữa bệnh BHYT không đúng quy định với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Chi phí có dấu hiệu thanh toán trùng, chưa đủ cơ sở thanh toán với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 1/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã triệt phá đường dây lập khống hồ sơ bệnh án để trục lợi bảo hiểm nhân thọ xảy ra tại BVĐK huyện Hương Khê. Lê Khắc Hùng (SN 1977) là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng Lê Thị Diệu Trinh (SN 1993) đang công tác tại Bệnh viện đã móc nối với Phan Thị Phượng (SN 1992), trú tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, là nhân viên đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam lập khống hồ sơ bệnh án của các khách hàng để trục lợi tiền bảo hiểm chi trả. Bác sĩ Hùng và điều dưỡng Trinh có nhiệm vụ tìm kiếm bệnh nhân bị gãy xương, vỡ hộp sọ thực tế tại bệnh viện, sau đó chỉnh sửa phim chụp X-quang, ký khống tài liệu liên quan để lập khống hồ sơ bệnh án theo thông tin cá nhân của một số bệnh nhân do mình quản lý rồi tuồn cho Phan Thị Phượng.

Từ các bộ hồ sơ bệnh án khống trên, Phượng đã mạo danh các khách hàng để yêu cầu Công ty TNHH Manulife Việt Nam chi trả quyền lợi bảo hiểm. Bước đầu, cơ quan Công an xác định nhóm tội phạm đã lập khống 8 bộ hồ sơ bệnh án, đồng thời thực hiện 17 yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm đối với Công ty TNHH Manulife Việt Nam, trục lợi tổng số tiền chi trả 726.940.000 đồng. Vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng.

Cũng liên quan đến BVĐK huyện Hương Khê, tính đến cuối năm 2023, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà cơ sở khám, chữa bệnh này đang trở thành con nợ đầm đìa đối với các doanh nghiệp cung cấp vật tư y tế cũng như cán bộ, nhân viên trong cơ quan, với tổng số tiền nợ lên đến hơn 25,5 tỷ đồng.

Xác nhận với phóng viên, ông Nguyễn Duy Bình – Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viện còn tồn đọng các khoản nợ chính là nợ tiền thuốc, vật tư y tế của các công ty dược và nợ tiền trực, tiền thủ thuật, phẫu thuật của cán bộ nhân viên. Trong đó, tiền thuốc và vật tư y tế khoảng 16 tỷ đồng; tiền trực của cán bộ nhân viên khoảng 2 tỷ đồng và nợ tiền công khám, chữa bệnh của đội ngũ bác sỹ ở tuyến xã khoảng 1,6 tỷ đồng. Tương tự, tại BVĐK TP Hà Tĩnh tại thời điểm nói trên còn gánh khoản nợ lên đến 27 tỷ đồng, BVĐK huyện Đức Thọ nợ 19,7 tỷ đồng…

Trước đó, vào tháng 5/2022, do vi phạm trong quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 5 giám đốc bệnh viện tuyến huyện tại Hà Tĩnh đã phải lĩnh án tù. Các bị cáo này cùng lĩnh mức án 3 năm tù, bao gồm: ông Lê Thế Nhiên – nguyên Giám đốc BVĐK huyện Can Lộc, Lê Văn Bình – nguyên Giám đốc BVĐK huyện Thạch Hà, Nguyễn Quang Hòe – nguyên Giám đốc BVĐK huyện Hương Sơn, Hà Thanh Sơn – nguyên Giám đốc BVĐK huyện Nghi Xuân và Trần Văn Nhân – nguyên Phó Giám đốc BVĐK huyện Đức Thọ. Cùng với đó, 5 người nguyên là kế toán trưởng của các bệnh viện cũng bị tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời điểm này, các bệnh viện đã ký hợp đồng mua bộ máy giặt, máy sấy với Công ty CP đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh, với giá từ 2,5 – 3,5 tỷ đồng/bộ, trong khi trên thực tế các thiết bị này chỉ dao động từ 520 – 560 triệu đồng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 9,4 tỷ đồng.

Tháng 1/2022, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm, sử dụng các thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm và vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với 11/29 đơn vị và tiến hành kiểm tra trực tiếp 48 gói thầu với giá trị hơn 32,3 tỷ đồng. Kết quả thanh tra 48 gói thầu đã phát hiện có khuyết điểm, hạn chế về trình tự, thủ tục đấu thầu, mua sắm; tỉ lệ số gói thầu có vi phạm là 100%. Tổng giá trị sai phạm về kinh tế hơn 2,2 tỷ đồng.

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn: cand.com.vn