Nhiều công trình cấp nước sạch tốn tiền tỷ để… “đắp chiếu”

Dù được đầu tư tiền tỉ, nhưng hàng loạt dự án cấp nước sinh hoạt tại Đắk Lắk lại đắp chiếu triền miên, không phát huy được tác dụng, gây lãng phí ngân sách, một số khác thì chờ khai tử vì hư hỏng, khó khắc phục.

0

Dù đã được đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng đến nay một số công trình nước sạch nông thôn một số tỉnh, thành vẫn chưa đi vào hoạt động. Nhiều công trình bị bỏ hoang, gây lãng phí. Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân ở các vùng nông thôn hàng ngày vẫn phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Công trình cấp nước “bỏ hoang”

Trong khi người dân tại các vùng nông thôn đang mòn mỏi chờ đợi được sử dụng nước sạch từng ngày thì lại có không ít các công trình cấp nước tập trung nằm trong tình trạng xây dựng dở dang hoặc đã hoàn thiện nhưng không hoạt động nhiều năm nay.

Tại Bình Phước, huyện Bù Đăng, hiện có 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân. Trong đó, 10 công trình được UBND tỉnh đầu tư và 9 công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và Chương trình 134 của Chính phủ. Nhưng điều đáng nói, các công trình này chỉ sử dụng được 1-2 năm đã hư hỏng và bị bỏ hoang. Ngoài ra, còn một số công trình khác sử dụng thời gian ngắn thì người dân không còn nhu cầu sử dụng hoặc đang hoạt động nhưng kém hiệu quả.

Công trình cấp nước sạch duy nhất trên địa bàn xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng không còn hoạt động

Đơn cử như công trình cấp nước sinh hoạt tại trung tâm xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng được đầu tư xây dựng từ năm 2009 có công suất thiết kế 200m3/ngày, đêm cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.400 người dân. Nhưng khi đưa vào vận hành khai thác chỉ với công suất thực tế 30m3/ngày, đêm để cấp cho 148 người dân có nhu cầu sử dụng nước. UBND xã Phú Sơn chịu trách nhiệm quản lý công trình này. Hiện nay, công trình không còn hoạt động.

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Vũ Xuân Thủy ,đây là công trình cấp nước sạch duy nhất trên địa bàn xã do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được bàn giao địa phương quản lý, vận hành cấp nước cho người dân khu vực trung tâm xã. Hiện nay, nhà máy nước này không còn hoạt động, thiếu nguồn nước sạch gây khó khăn trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Nhận thấy nhu cầu cấp bách, năm 2016, UBND tỉnh quyết định giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư dự án nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt tại xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Dự án có tổng mức đầu tư 7,721 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho các hạng mục nhà máy, bể nước, ống dẫn nước… Nghe tin xã sắp có nước sạch về tận thôn, người dân xã Thọ Sơn ai nấy đều vui mừng, từ đây không phải ra suối hoặc phải canh múc từng gàu nước giếng khi mùa khô đến. Tuy nhiên, khi công trình nâng cấp hệ thống cấp nước hoàn thiện thì từ đó đến nay (hơn 3 năm), họ chỉ thấy nước chảy về 1 lần rồi… tắt ngấm. Bà Trần Thị Sen ở thôn Sơn Tùng chia sẻ: “Hồi đó làm công trình rầm rộ lắm, người dân phấn khởi hiến đất, chặt cây trồng để đường nước chạy dọc thôn. Nhưng đến nay, nước sạch đâu không thấy mà người dân trong thôn vẫn phải ra suối, giếng sâu không an toàn để lấy nước sinh hoạt”.

Trưởng thôn Sơn Tùng Lê Xuân Đạo cho biết thêm: “Sơn Tùng hiện có 280 hộ dân cũng là thôn khó về nước nhất của xã Thọ Sơn. Người dân thấy Nhà nước đầu tư nhà máy cấp nước thì phấn khởi, vui mừng lắm. Năm 2019, khi thử vận hành nhà máy với 1/3 công suất theo thiết kế thì tại các đầu nối của tuyến ống chính cung cấp nước đến người dân bị xì tràn ra quốc lộ 14. Từ đó đến nay, bà con chúng tôi mong mỏi chờ nguồn nước sạch”.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn Nguyễn Ngọc Huyến cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân đều nằm tại 1 vị trí. Nhà máy nước được đầu tư năm 2009 từ Chương trình 134 vẫn hoạt động, cung cấp nước cho khoảng 100 hộ dân sinh sống ở khu vực chợ Thọ Sơn và các thôn Sơn Lợi, Sơn Hiệp, Sơn Thủy. Nhà máy mới đã hoàn thành hơn 3 năm chưa được đưa vào hoạt động, dẫn đến bức xúc của người dân”.

Theo báo cáo mới đây, toàn tỉnh Bình Phước có 150 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Trong đó, khoảng 100 công trình đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134 của Chính phủ đã hư hỏng, xuống cấp và trong tình trạng không sử dụng được. Đối với 41 công trình từ nguồn vốn Trung ương thì đến hơn 50% hoạt động kém hiệu quả, 8 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn không hoạt động được.

Tại Ninh Bình, công trình cấp nước sạch tập trung được xây dựng cách đây hơn 10 năm ở xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, Ninh Bình, nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn sau đó thì dừng hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc Bùi Như Gạc, nguyên nhân chính là do địa bàn xã quá rộng, dân cư lại sống thưa thớt nên tỉ lệ thất thoát nước cao. Hơn nữa, ở vùng này, hầu như quen với việc sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt hằng ngày nên tỉ lệ dùng nước máy thấp, lượng nước sử dụng ít.

Chính vì vậy, nguồn thu của nhà máy không đủ để bù lại chi phí vận hành, duy tu, sửa chữa nên nhà máy đã dừng hoạt động từ nhiều năm nay.

Hay công trình cấp nước sạch tập trung tại thị trấn Me, huyện Gia Viễn, Ninh Bình được đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng và đã hoàn thiện đến 95%, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà công trình này lại bỏ hoang từ nhiều năm nay. Hiện toàn bộ khuôn viên của công trình này đang được cho thuê để bán cafe.

Tại xã Gia Minh ,huyện Gia Viễn, mặc dù phần lớn người dân trong xã đã được tiếp cận với nước sạch, tuy nhiên trên địa bàn vẫn còn 29 hộ dân thuộc xóm Lò (một xóm nằm ngoài đê, cách xa trung tâm xã) chưa có nước sạch để sử dụng. Trong khi cách đó khoảng 1,5km lại là công trình nước sạch bỏ hoang suốt nhiều năm.

Theo Sở NN và PTNT tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 109 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 69 công trình đang hoạt động, số còn lại đang trong tình trạng bỏ hoang. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện miền núi Nho Quan hiện nay có hơn 20 công trình, trạm cấp nước sạch bị hư hỏng, bỏ hoang tại các xã Lạng Phong, Quảng Lạc, Yên Quang, Phú Long, Quỳnh Lưu, Văn Phong, Cúc Phương, Kỳ Phú, Đức Long, Thạch Bình…

Trong số các công trình đang bỏ hoang, ngoài những công trình có quy mô nhỏ, cấp nước cho nhóm hộ gia đình được đầu tư xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn UNICEF tài trợ thì cũng có không ít những công trình quy mô toàn xã, công suất thiết kế hàng nghìn m3/ngày đêm, với số vốn đầu tư cả chục tỉ đồng nhưng cũng bỏ hoang nhiều năm, gây lãnh phí.

Tại Đắk Lắk, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được xây dựng với kinh phí gần 12 tỷ đồng tại Cư M’gar, huyện Cư M’gar,  với mục tiêu cấp nước cấp nước sinh hoạt cho gần 500 hộ dân ở 3 buôn của xã Cư M’gar. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngăn kể từ khi được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, công trình phải nhiều lần tạm ngưng hoạt động và đến nay thì đắp chiếu.

Được đầu tư với số tiền hàng tỷ đồng nhưng nhiều công trình cấp nước tập trung tại tỉnh Đắk Lắk phải “đắp chiếu” vì đã xuống cấp, hư hỏng nặng, không có khả năng phục hồi

Không riêng công trình cấp nước sạch ở xã Cư M’gar, nhiều công trình cấp nước khác trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột cũng chung tình trạng “đắp chiếu” và hiện đang xuống cấp trầm trọng và chờ được khai tử trong khi người dân phải đào giếng hoặc khoan nước ngầm để lấy nước sinh hoạt.

Ông Y Le Bkrông Buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Công trình nước sạch ở đây đã ngưng hoạt động từ lâu rồi, không có nước sạch bà con đành phải mua nước ở ngoài. Giờ mong muốn lớn nhất của người dân ở đây làm sao nhà nước sớm có cách khắc phục để đưa nước về cho bà con”.

Trong số 168 công trình cấp nước sạch trị giá hơn 400 tỷ tại Đắk Lắk thì có tới 51 công trình ngừng hoạt động, trong đó 20 công trình hư hỏng nặng bị đưa vào diện xem xét để thanh lý bán phế liệu. Và hậu quả là cứ đến mùa khô hạn, bà con lại phải lặn lội đi cả chục cây số kiếm nguồn nước sạch. Trong khi đó, nhà máy cấp nước sinh hoạt ở địa bàn thì hỏng hóc, đang sửa chữa hoặc đã bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Tại Thái Nguyên, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cũng bị “đắp chiếu” .Như vậy đồng nghĩa với việc nhiều tỷ đồng của Nhà nước bị “chôn vùi” trong lòng đất.  Một trong những công trình có vốn đầu tư lớn, gây lãng phí tiền của của Nhà nước phải kể đến là công trình cấp nước sinh hoạt xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa ,Phú Bình. Năm 2007, công trình được đầu tư xây dựng với kinh phí 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 134, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 140 hộ dân trong xóm, 2 trường học và trạm y tế xã. Tuy nhiên, nhiều năm nay, công trình trị giá tiền tỷ này chỉ để cho rêu, cỏ mọc.

Ngoài ra, công trình nước ở xóm Giếng Mật của xã Tân Hòa cũng đang nằm “bất động” làm lãng phí gần 1 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Cách đó không xa, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành ,Phú Bình, cũng có số vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng đang trong tình trạng tương tự. Công trình được đầu tư xây dựng năm 2007 bằng nguồn vốn Chương trình 134, nhưng chẳng bao lâu sau khi khánh thành, người dân “khát” lại hoàn “khát” và số tiền đó cũng đang bị chôn vùi dưới lớp rong rêu.

Theo ông Nguyễn Hữu Duy, Trưởng xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành ,Phú Bình, xót xa nói: Nếu không có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân chúng tôi không thể có điều kiện đầu tư xây dựng, lắp đặt công trình cấp nước sinh hoạt có giá trị như thế này. Giờ, công trình bị bỏ hoang, nhìn mà xót…

Không thể phủ định hiệu quả của một số sông trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động là trong số 254 công trình đã được đầu tư xây dựng (chủ yếu theo Chương trình 134, 135), hiện có đến 149 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành và các địa phương cần có đánh giá cụ thể về địa hình, sự quản lý, nhu cầu của người dân khi đầu tư, tránh để những công trình tiền tỷ bị bỏ hoang gây lãng phí và thất thoát tiền của của Nhà nước.

Tại tỉnh Sơn La, hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư nhiều tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước bị “đắp chiếu”, hoạt động không hiệu quả, trong khi đó nhiều người dân vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt. Nghịch lý này đang diễn ra tại nhiều địa phương ở tỉnh Sơn La, người dân đã nhiều lần kiến nghị với cấp có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung ở Sơn La được đầu tư nhiều tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước bị “đắp chiếu”. Ảnh TTXVN

Được biết, tỉnh Sơn La có 1.715 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ có 34 công trình hoạt động bền vững; hơn 1.226 công trình kém bền vững. Đáng chú ý, trong đó có 331 công trình hiện không hoạt động.

Tại tỉnh Nghệ An, hàng loạt nhà máy nước tiền tỷ đang rơi vào tình trạng dở dang nhiều năm khi xây xong lại bỏ hoang do… thiếu vốn trong khi người dân lại đang ‘khát’ nước sạch

Nhà máy nước sạch Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên được xây dựng với tổng mức đầu tư 25,8 tỉ đồng do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2014. Thế nhưng, sau khi xây dựng xong vào năm 2018, đến nay nhà máy vẫn chưa một lần vận hành để cung cấp nước cho người dân.

Được biết, nhà máy này có công suất 1.000 m3/ngày, đêm với các hạng mục như công trình đầu mối, khu xử lý, mạng lưới đường ống cấp nước và hệ thống điện. Mục tiêu của dự án này là cung cấp nước sạch cho hơn 1.200 hộ dân trên địa bàn xã Hưng Thông.

Thực trạng này còn diễn ra tại huyện Diễn Châu, từ năm 2012 nhà máy nước sạch xã Diễn Quảng huyện Diễn Châu được đầu tư với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Sau khi các hạng mục chính như hồ chứa nước, bể nước, nhà điều hành, đường ống dẫn nước…được xây dựng, dự án này rơi vào cảnh bỏ hoang, không tiếp tục được triển khai để đi vào hoạt động.

Hay nhà máy nước xã Phúc Thành huyện Yên Thành, được triển khai từ năm 2012 với kinh phí 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án mới chỉ triển khai được một phần trong hạng mục đường ống dẫn nước rồi dừng, không triển khai thêm bất kỳ một hạng mục nào từ nhiều năm qua.

Tương tự, nhà máy nước xã Quỳnh Lâm huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cùng cảnh ngộ với lý do thiếu vốn. Năm 2014, dự án này được triển khai xây dựng với kinh phí hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi triển khai được một số hạng mục, dự án bị dừng lại rồi bỏ hoang suốt nhiều năm qua.

Lý giải về việc các nhà máy nước xây xong rồi ‘đắp chiếu’, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch huyện Yên Thành cho biết, hiện trên địa bàn huyện còn 3 nhà máy nước dang dở. Đây là những công trình nước sạch có nguồn ngân sách trung ương 60%, địa phương 40%. Tuy nhiên, do nguồn vốn bị cắt nên những công trình trên không thể hoàn thành theo tiến độ.

Theo Trung tâm Nước sạch sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh Nghệ An: Sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015, Nghệ An vẫn còn 14 nhà máy nước chưa hoàn thành và đi vào hoạt động.

Tại Thanh Hóa, dự án hệ thống cấp nước huyện Nông Cống (Nhà máy nước sạch Thăng Thọ) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 2/1/2018, do Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng môi trường Việt Nam (DN XDMT) làm chủ đầu tư. Nhà máy có quy mô 1,2 ha, công suất thiết kế 15.000 m3 ngày/đêm, cung cấp nước sạch cho 14 xã thuộc huyện Nông Cống. Tổng vốn đầu tư khoảng 388,6 tỷ đồng. Dự kiến khởi công xây dựng vào quý I/2019, đưa vào hoạt động quý IV/2019.

Đến ngày 5/4/2018, dự án điều chỉnh phạm vi cấp nước xuống còn 10 xã. Hơn 1 tháng sau, dự án lại tăng lên 19 xã, gồm 13 xã thuộc huyện Nông Cống, 3 xã thuộc huyện Như Thanh, 3 xã thuộc thị xã Nghi Sơn. Hơn 2 tháng sau, dự án tăng vốn đầu tư lên khoảng 410 tỷ đồng, tăng quy mô lên 3,5ha, tăng công suất lên 30.000m3 ngày/đêm. Rồi đến cuối năm 2018, công suất thiết kế lại giảm, còn 29.000m3. Tại biên bản làm việc ngày 23/10/2020 giữa UBND huyện Nông Cống và đại diện DN XDMT, phía DN đã cam kết dự án sẽ được thực hiện từ tháng 11/2020, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2021, tuy nhiên, điều này không xảy ra.

Ngày 21/1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 277 tăng tổng vốn đầu tư dự án lên 455 tỷ đồng, đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư đến tháng 9/2021 phải hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy. Tại buổi làm việc ngày 10/3/2021 giữa DN và UBND huyện Nông Cống, DN tiếp tục cam kết hoàn thành dự án trong tháng 9/2021. Tuy nhiên, một lần nữa, đơn vị này lại thất hứa.

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng hơn 70.000 dân tại 13 xã phía Tây Nam thuộc huyện Nông Cống đang gặp tình trạng thiếu nước sạch. Đặc biệt, tại các xã Yên Mỹ, Công Chính, Công Liêm, Thăng Bình, Tượng Văn… thuộc vùng triều nhiễm mặn, rất khó khăn về nước sạch mùa nắng hạn. Để có nước sạch sử dụng, người dân phải đi mua với giá từ 80.000 – 100.000đ/m3. Với hộ ít người thì mỗi tháng trung bình chỉ sử dụng từ 2 – 5m3, giá dao động vài trăm nghìn đồng. Còn với hộ đông khẩu và vào thời kỳ nắng hạn, số nước sử dụng lên tới hàng chục khối, chi phí mất cả triệu đồng.

Tại Bắc Giang, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3 thôn: Nghè, Chùa và Bãi Dài, xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) được xây dựng năm 2008 bằng nguồn vốn chương trình 134 (nguyên giá hơn 2,3 tỷ đồng) và đưa vào sử dụng năm 2009 (UBND xã được giao quản lý). Theo thiết kế, công trình có công suất 90 m3/ngày đêm. Hoạt động chưa được bao lâu thì đập dâng không giữ được nước, bùn đất làm tắc đường ống nên không cung cấp được nước cho các hộ dân.

Công trình cấp nước sạch tại xã Huyền Sơn (Lục Nam) bỏ không cả chục năm nay

Ông Trần Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Công trình được xã giao cho 3 thôn tự quản lý và cử người trông coi. Khi hư hỏng, chúng tôi tiến hành họp các hộ dân hưởng lợi bàn việc sửa chữa, khắc phục nhưng các hộ cho rằng công trình không hiệu quả (thiếu nước vào mùa khô) nên không nhất trí đóng góp tiền sửa chữa. UBND xã cũng không có nguồn kinh phí cho việc này nên công trình bỏ không cả chục năm nay”. “Mục sở thị” công trình này, chúng tôi thấy đập dâng không còn tác dụng (nước chảy dưới chân đập), khu vực cửa lấy nước ngập bùn đất. Hàng rào khu xử lý nước han rỉ, bên trong cây cối, cỏ dại mọc um tùm.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 134 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư từ năm 1994 đến nay bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Thời gian đầu, hầu hết các công trình đều hoạt động tốt. Nhưng sau đó, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, thậm chí là “đắp chiếu” – không hoạt động như công trình tại xã Huyền Sơn. Cụ thể, toàn tỉnh có 11/134 công trình hoạt động kém hiệu quả (tỷ lệ giữa công suất thực tế và công suất thiết kế dưới 30%) và 49/134 công trình không hoạt động (doanh nghiệp quản lý 5 công trình, UBND cấp xã quản lý 44 công trình).

Việc đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn tập trung thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với khu vực nông thôn, nhất là người dân các huyện miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho khu vực nông thôn, miền núi. Các công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động không chỉ gây lãng phí vốn đầu tư mà còn làm giảm niềm tin của người dân.

Từ thực tế cho thấy việc quản lý, khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sạch tập trung không đơn giản. Lý do là đối với công trình cấp xã, thôn, doanh nghiệp không mặn mà vì rất khó thu được tiền sử dụng nước sạch của người dân bởi họ còn có các nguồn nước khác. Nếu giao cho xã quản lý thì khó khăn trong việc duy tu, sửa chữa khi hư hỏng, tổ quản lý nước sạch của xã chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế.

Vì thế, vấn đề mấu chốt hiện nay đối với các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung là lựa chọn được đơn vị quản lý có năng lực thực sự, đồng thời xây dựng giá dùng nước cho tất cả các công trình làm căn cứ khai thác và quản lý, từ đó trích kinh phí thu được để tái đầu tư. Công tác tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc sử dụng nước sạch cũng cần được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ công trình của cả cộng đồng.

Theo Luật Đồng

Link gốc: https://www.moitruongvadothi.vn/nhieu-cong-trinh-cap-nuoc-sach-ton-tien-ty-de-dap-chieu-a106314.html