Nhiều cống tiêu thoát lũ ở Nghệ An bị hư hỏng nặng

Hiện nay, sắp bước vào mùa mưa lũ, tuy nhiên địa bàn Nghệ An có khá nhiều công trình tiêu úng, thoát lũ bị hư hỏng nghiêm trọng, gây khó khăn trong vận hành tiêu thoát lũ.

Hệ thống cống bara Nghi Quang xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Văn Trường

Hệ thống cống bara Nghi Quang nằm trên địa bàn các xã Nghi Quang và Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc có vai trò rất quan trọng, là cống tiêu thoát lũ lớn nhất của hệ thống thuỷ lợi Nam, ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất tưới tiêu cho vùng Nam Nghệ An với 23.000 ha lúa khu công nghiệp, dân sinh của các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TP. Vinh. Tuy nhiên nhiều năm qua, cống tiêu quan trọng này đang bị hư hỏng trầm trọng.

Ông Hoàng Văn Hương – Trạm trưởng Trạm ba ra Nghi Quang cho biết: Hệ thống cống có 12 cửa tự động thì các khoảng đều bị hỏng, cửa van phẳng, cửa cung, khóa cửa tự động đều đã hỏng, cầu giao thông xuống cấp, các dầm cầu bị hỏng. Năm 2022, UBND tỉnh đã cho sửa chữa được 6 cửa cống, hiện có 6 cửa cống đang xuống cấp nghiêm trọng, vào mùa nắng nóng các cửa này đều bị mặn xâm nhập vào qua chỗ rò của cửa. Để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn do hệ thống cống rò rỉ, chúng tôi phải dùng chăn cũ cuốn tròn, thuê thợ lặn xuống để “chèn” vào.

Còn vào mùa lũ, cống phải xả 400 m3/s, nhưng hệ thống khóa bị hỏng nên không thể chủ động tiêu thoát lũ. Đặc biệt là bèo tây và rác các loại đổ về từ khắp nơi, các công nhân hàng ngày phải trục vớt bằng thủ công. Về lâu dài, hệ thống bara Nghi Quang cần được quan tâm nâng cấp, nếu không việc tiêu thoát lũ sẽ rất khó khăn, chưa kể tình trạng xâm nhập mặn sẽ gia tăng, làm ảnh hưởng chất lượng nguồn nước.

Các cửa cống bị tét rỉ, thủng, rất khó vận hành tiêu thoát lũ trong mùa mưa. Ảnh: Văn Trường

Cũng nằm trong tình trạng trên, hệ thống cống ba ra Bến Thủy được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Qua hơn 80 năm sử dụng, đến nay đã xuống cấp, các cửa cống bằng sắt nhưng cũng đều đã bị hoen gỉ, thủng lỗ chỗ, có nhiều khe hở lớn, dẫn đến tình trạng bị xâm nhập mặn ở các cánh đồng lân cận, ảnh hưởng chất lượng nước sinh hoạt.

Để khắc phục tình trạng này, Công ty TNHH-MTV thuỷ lợi Nam đã đầu tư hệ thống phai chắn, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Điều đáng lo ngại là mùa mưa lũ sắp đến, trong khi hệ thống cống bị xuống cấp, việc tiêu úng thoát nước sẽ rất khó khăn.

Ông Bùi Văn Hào – đại diện Công ty TNHH-MTV thuỷ lợi Nam cho biết: Hệ thống thuỷ lợi Nam hiện có 5 cống tiêu quan trọng gồm cống ba ra Nghi Quang, ba ra Bến Thuỷ, cống Thượng Xá, cống Nghi Khánh, tràn Hoà Thái (huyện Nghi Lộc). Hầu hết hệ thống cống tiêu được đầu tư xây dựng từ những năm 1980 về trước, đến nay đều bị xuống cấp.

Cống tiêu Sa Tràn ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành xuống cấp nhiều năm qua. Ảnh: Văn Trường

Ngoài ra hiện nay, cống tiêu Sa Tràn ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành đang xuống cấp trầm trọng. Hệ thống cống tiêu Sa Tràn rất quan trọng, có 5 cửa, kết hợp đường giao thông trục chính dài 12 mét, tiêu nước lũ trên sông Vũ Giang cho 5 xã Công Thành, Mỹ Thành, Liên Thành, Lý Thành, Khánh Thành. Chưa kể, cống này còn ngăn giữ nước tưới cho trên 400 ha lúa và nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân.

Nhưng hiện tại cả 5 cửa cống đều bị thủng, hai bên chân cống bị đứt gãy, một số vị trí ở mang cống bị sập nước đã rò rỉ. Hệ thống cửa cống chủ yếu dùng bằng thủ công nên vận hành rất khó khăn. Vào mùa mưa lũ nước dâng cao, cống sa tràn Khánh Thành luôn trong tình trạng báo động, lo bị vỡ cống sẽ gây nên ngập úng chia cắt cho nhiều xã.

Cống tiêu Sa Tràn ở xã Khánh Thành, huyện Yên Thành bị tét rỉ và thủng các lỗ. Ảnh: Văn Trường

Theo báo cáo của Chi cục thuỷ lợi Nghệ An: Địa bàn Nghệ An hiện có trên 20 cống tiêu thoát lũ cho các địa phương như TP Vinh, Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai… Tuy nhiên hiện nay chỉ mới xây dựng mới được cống tiêu Diễn Thành, Diễn Châu, còn lại hầu hết các hệ thống cống tiêu bị xuống cấp.

Hiện nay, ngành thuỷ lợi và các địa phương chủ yếu tự trích kinh phí để tạm tu sửa, vào mùa mưa lũ các cống tiêu hoạt động chưa hiệu quả. Về lâu dài, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước và các ngành liên quan hỗ trợ kinh phí để nâng cấp và xây dựng mới các cống tiêu, nhằm góp phần tiêu thoát lũ và ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả hơn.

Theo Văn Trường

Link gốc: https://baonghean.vn/nhieu-cong-tieu-thoat-lu-o-nghe-an-bi-hu-hong-nang-post273529.html