Nhiều bất cập, tồn tại trong công tác phòng cháy tại các cơ sở karaoke

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Tuy nhiên, nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại về người, tài sản trên địa bàn cả nước là lời chuông cảnh báo trong công tác PCCC đối với loại hình kinh doanh này. Bởi trên thực tế tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn còn không ít những tồn tại.

0

Tiềm ẩn những nguy cơ

Tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, điều dễ nhận thấy là các cơ sở này được thiết kế dạng hình hộp, với đặc thù là nơi thường tập trung đông người đến vui chơi, giải trí.

Hầu hết các phòng hát đều có thiết kế kín, hành lang đi lại nhỏ hẹp; cách âm bằng các vật liệu dễ cháy như mút, xốp, da… Cùng với đó, việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt lớn với hệ thống âm thanh, hệ thống đèn laser hoạt động liên tục; tình trạng khách hàng sử dụng bật lửa thắp nến tổ chức sinh nhật, hút thuốc lá… diễn ra phổ biến nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Hệ thống dây điện chằng chịt tại một phòng hát karaoke. Ảnh: Đình Tuyên

Chưa kể, các cơ sở kinh doanh karaoke lại thường nằm trong khu vực đông dân cư, phía mặt trước các cơ sở kinh doanh thường bị che chắn kín mít bởi hệ thống biển quảng cáo tấm lớn, bởi vậy, điều kiện thông gió hạn chế nên khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy, tổ chức cứu nạn, cứu hộ.

Ngoài ra, so với các cơ sở kinh doanh karaoke được xây mới với quy mô lớn, có thiết kế đồng bộ và thường có khuôn viên rộng, ngoài hệ thống thang máy, thang bộ trong tòa nhà, còn có cầu thang sắt được bố trí ở ngoài làm lối thoát nạn, cùng với đó là hệ thống báo cháy tự động…; thì tại các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, trong đó không ít cơ sở là nhà ở kết hợp kinh doanh lại bộc lộ rõ nhiều tồn tại, bất cập.

Có thể kể đến một số tồn tại, bất cập phổ biến như không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy; cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn không đủ kích thước, số lượng; trang bị phương tiện PCCC không đủ hoặc không đồng bộ; không duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn; bố trí sắp xếp vật tư, vật dụng cản trở công tác cứu nạn, chèn, chặn cửa thoát nạn…
Lối thoát nạn không đảm bảo theo kích thước, bị cản trở bởi gờ chắn tại một cơ sở kinh doanh karaoke. Ảnh: Đình Tuyên

Đơn cử, cơ sở kinh doanh karaoke T.O tại huyện Nghĩa Đàn với quy mô 10 phòng hát, đồng thời là nhà ở của chủ hộ, tuy nhiên, chưa được trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, lối thoát nạn ở tầng 1 chưa đảm bảo theo kích thước. Cũng tại địa phương này, cơ sở kinh doanh karaoke T.N, tại khu vực tầng 2 chưa có lối thoát nạn.

Hay như tại cơ sở karaoke T.H trên đường Trần Cảnh Chân, karaoke H.Đ trên đường Trường Chinh (thành phố Vinh), hệ thống cửa ra vào tại các phòng hát chưa được mở theo hướng thoát nạn, chưa trang bị dụng cụ tháo dỡ khi có sự cố… Tại cơ sở karaoke S.Đ ở huyện Anh Sơn hệ thống điện chưa đảm bảo, đường dây đấu nối các thiết bị điện đi nổi, không bố trí âm tường.

Hệ thống đường điện chưa đảm bảo tại cơ sở karaoke S.Đ tại huyện Anh Sơn. Ảnh: CAAS

Rà soát, xử lý nghiêm

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 424 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó: 421 cơ sở kinh doanh karaoke, 2 cơ sở bar, 1 cơ sở pub.

Theo Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC- CNCH, Công an tỉnh: Đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức 215 buổi tuyên truyền, 41 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các đối tượng là người đứng đầu cơ sở, đội viên đội PCCC cơ sở và người làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường với hơn 1.235 lượt người tham gia; Hướng dẫn 100% cơ sở xây dựng, chỉnh lý phương án chữa cháy theo quy định; đồng thời, hướng dẫn cơ sở tự tổ chức 425 phương án chữa cháy tại các vũ trường, quán karaoke và các cơ sở vui chơi, giải trí khác trên địa bàn tỉnh.

Phòng Cảnh sát PCCC- CNCH, Công an tỉnh cũng đã ban hành văn bản triển khai bảo đảm an toàn PCCC&CNCH đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường sau khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát; Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai tổng kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở karaoke, bar, pub, vũ trường trên toàn tỉnh.

Kiểm tra công tác PCCC tại một cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Đình Tuyên

Hiện nay, trên cơ sở thực hiện Công điện số 792/CĐ-TTg ngày 7/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC đối với loại hình cơ sở karaoke, vũ trường, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành triển khai công tác kiểm tra, phúc tra đối với các cơ sở có tồn tại, vi phạm.

Theo đó, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm để thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cở sở karaoke nằm trong khu dân cư (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Cảnh Chân, TP. Vinh). Ảnh: Đình Tuyên
Về phương án thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn ở quán karaoke, bar, pub…, Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh khuyến cáo: Khi đến các địa điểm này, một trong những việc người dân cần quan tâm là xem lối thoát hiểm nằm ở vị trí nào để có thể thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Phải bình tĩnh khi có sự cố cháy nổ, xác định được khu vực cháy và theo đường thoát hiểm xuống dưới đất hoặc lên sân thượng. Tuyệt đối không hoảng loạn, không trốn trong các phòng kín hoặc nhà vệ sinh. Khi phát hiện có cháy cần thực hiện theo các bước: Thông báo cho người xung quanh; Gọi 114; Thoát theo đường cầu thang bộ, thang thoát hiểm; Dùng khăn hoặc vải thấm ướt nước để bịt mặt và quấn quanh người; Đi khom người hoặc bò sát đất để đi qua đám cháy; Khi người bị bén lửa thì nằm xuống đất, lăn qua lăn lại…

Như vậy có thể thấy, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, là loại hình kinh doanh thường xuyên tập trung đông người, đồng thời, luôn tồn chứa lượng lớn các chất dễ cháy như: Vật liệu cách âm, cách nhiệt, vải, đồ nhựa, gỗ, giấy, linh kiện điện tử, xăng, dầu,… và sử dụng nhiều thiết bị điện có thể phát sinh nguồn nhiệt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, kinh tế, xã hội.

Bởi vậy, cùng với việc thẩm định đảm bảo đủ các điều kiện về PCCC trước khi cấp phép hoạt động, trong quá trình hoạt động, nhất là thông qua các đợt kiểm tra phát hiện các cơ sở còn tồn tại, thiếu sót về PCCC, cùng với hướng dẫn cụ thể việc khắc phục và giao thời gian hoàn thành việc khắc phục, cần có sự kiểm tra, đốc thúc.

Nếu cần, buộc phải đình chỉ hoạt động để cơ sở kinh doanh phải khắc phục, hoàn thiện những hạng mục để đảm bảo điều kiện PCCC mới cho tiếp tục hoạt động, có như vậy, các cơ sở mới nghiêm túc thực hiện, góp phần hạn chế những rủi ro do cháy nổ gây ra.

Về phía chủ cơ sở kinh doanh cần nhận rõ việc PCCC, có phương án PCCC kịp thời tại địa điểm kinh doanh là điều kiện tiên quyết để tính đến lợi nhuận lâu dài, từ đó hoàn thiện đúng quy chuẩn thiết kế, đầu tư đồng bộ trang thiết bị PCCC, cũng như bố trí lực lượng tại chỗ để phòng khi sự cố cháy, nổ xảy ra.

Theo Đặng Cường

Link gốc: https://baonghean.vn/nhieu-bat-cap-ton-tai-trong-cong-tac-phong-chay-tai-cac-co-so-karaoke-post258674.html