Nhà, đất “trôi” theo tàu cá 67

Nhiều ngư dân ở Nghệ An mang sổ đỏ thế chấp vay vốn để đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ (tàu cá 67). Họ đang đứng trước nguy cơ mất nhà, mất đất do nợ quá hạn ngân hàng...

Trong số nhiều tàu cá 67 của ngư dân neo ở cảng Lạch Quèn, huyện Quỳ Lưu không được vươn khơi do bị phát mại tài sản.

Thời gian qua, ông Nguyễn Khắc Thìn ở xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An vô cùng khốn khó khi tàu cá 67 của gia đình đã bị phát mại tài sản. Trước đây, khi có chủ trương đóng tàu cá theo Nghị định 67, ông đã bán tàu cũ, huy động tiền và 5 sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng 7,1 tỷ để đóng tàu cá 67 công suất 820CV, với chi phí 10,5 tỷ đồng.

“Chìm” theo tàu cá 67

“Thời gian đầu, tôi đã trả nợ được gần 1 tỷ nên ngân hàng đã trả cho 2 sổ đỏ, còn 3 sổ ngân hàng đang giữ. Sau nhiều chuyến đi biển, gia đình phải bù lỗ cả trăm triệu đồng, không có tiền để trả ngân hàng nên bị kiện ra tòa và tàu cá của tôi bị phát mãi tài sản”- ông Thìn than thở.

Còn ông Nguyễn Văn Họa, ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) cho biết, ông vay hơn 6,4 tỷ đồng của ngân hàng, rồi cùng với một số người góp tiền đóng tàu trị giá 10,7 tỷ đồng. Đến nay, ông mới trả được cả gốc và lãi gần 1 tỷ đồng. Một thời gian, ông không có tiền để trả nợ đã khởi kiện ra tòa. Sau đó, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã xử sơ thẩm buộc ông phải trả 5,86 tỷ đồng và tiền lãi nếu không sẽ phát mại tàu cá và tài sản thế chấp. Ông Hoạ cho biết, để đóng được tài ngoài tiền vay, ông đã phải bỏ ra 4,5 tỷ và 3 sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng. Do điều kiện khó khăn khách quan, dịch covid… nên không trả được nợ. Đến nay, tàu cá của gia đình đã bị kê biên tài sản không biết làm sao tiếp tục đánh bắt để trả nợ.

Trước tình trạng nhiều chủ tàu bị khởi kiện ra toà do không trả được nợ cho ngân hàng, ông Vũ Ngọc Chắt, Phó Chủ tịch HĐND xã kiêm Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Do chi phí vận hành, bảo trì, thuê nhân công tăng; ngư trường hạn hẹp, diễn biến thời tiết thất thường, sự quấy nhiễu, cản trở của tàu cá nước ngoài, giá hải sản không tăng…nên đánh bắt không hiệu quả. Khi đóng tàu cá 67, chi phí trên 10 tỷ nhưng khi bị phát mãi tài sản, mỗi tàu chỉ còn chưa đầy 2 tỷ. Nhiều chủ tàu lâm vào cảnh nợ nần”.

Được biết đến hết năm 2021, trong số các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Bắc Nghệ An cho vay nhiều nhất với 27 tàu, dư nợ trên 160 tỷ đồng, trong đó có 50% là nợ xấu. Ngoài ra, có 2 tàu bị chìm, 7 tàu phải khởi kiện ra tòa.

Hi vọng của ông Nguyễn Khắc Thìn ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳ Lưu được vươn khơi đánh bắt để trả nợ ngân hàng đã không còn, khi tàu cá 67 của ông đã bị cơ quan chức năng kê biên tài sản.

Hơn một nửa số tàu cá 67 hoạt động không hiệu quả

Theo thống kê, Nghệ An có 104 tàu cá được đóng theo Nghị định 67/CP, với tổng công suất máy chính theo thiết kế là 83.832 CV. Trong đó, tàu vỏ gỗ 90 tàu, vỏ thép 9 tàu, vỏ composite 5 tàu. Tổng số vốn được các ngân hàng thương mại cho vay theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67 là 860 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/6/2022, đã có 4 tàu gặp rủi ro (cháy, chìm) đã tất toán khoản vay.

Số tàu hoạt động có hiệu quả, trả gốc và lãi đúng cam kết là 35 tàu (chiếm 33,65%), dư nợ gần 144 tỷ đồng; số tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết là 5 tàu (chiếm 4,8%), dư nợ gần 45 tỷ đồng. Số tàu chuyển nợ xấu là 60 tàu (chiếm 57,69%) với tổng giá trị nợ xấu là hơn 418 tỷ đồng, chiếm 68,26% tổng số dư nợ vay theo Nghị định 67.

Trong tổng số 60 tàu thuộc nhóm nợ xấu, có 43 tàu do không trả được nợ vay cũng như vi phạm các quy định tại hợp đồng tín dụng đã bị các ngân hàng khởi kiện hoặc cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thu hồi vốn cho ngân hàng. Trong đó có 6 tàu đã đấu giá thành công.

Hiện nay, các chủ tàu các 67 nằm trong danh sách nợ xấu đang trong thế “ngồi trên lửa”, họ đề nghị các ngân hàng giải chấp đối với các sổ đỏ đang thế chấp; cho phép các chủ tàu được khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ,… Các chủ tàu cũng mong muốn cơ quan hữu quan có phương án tạo điều kiện cho ngư dân trả nợ mà không bị kê biên, phát mại tài sản.

Tại Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu là địa phương có số tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/CP nhiều nhất tỉnh, với 52 chiếc, theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, tính đến tháng 6/2022, có 26 tàu cơ bản trả được nợ, số còn lại hoạt động kém hiệu quả, nợ kéo dài, trong đó có 6 chủ tàu đã bị khởi kiện ra tòa. Nhiều chủ tàu và người thân của họ có nguy cơ mất nhà cửa do hậu quả nợ nần của tàu 67.

Theo Cao Sơn

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/tau-ca-67-ve-dau-ky-1-nha-dat-troi-theo-tau-ca-67-229403.html