Người Việt trong cơn mưa lịch sử ở Seoul

Trong hai ngày 8 và 9-8, trận mưa to lịch sử trong suốt 115 năm qua đã gây nhiều thiệt hại cho người dân Hàn Quốc nói chung và thủ đô Seoul nói riêng.

0
Đường phố Seoul trong ngày 10-8 đã sạch sẽ, thông thoáng trở lại sau trận mưa kỷ lục mà truyền thông gọi là “một đời người mới có một lần” ở đây – Ảnh: TRẦN TÙNG NGỌC

Mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều vùng trũng tiêu biểu như khu vực quận Gangnam, quận Seocho, quận Guro… bị ngập nước nghiêm trọng, giao thông đình trệ. Với lượng mưa trung bình vượt quá 380mm, đây được coi là trận mưa lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử ngành quan trắc khí tượng tại Hàn Quốc.

Đối với tôi và nhiều du học sinh, lao động Việt Nam đang sống tại Seoul, trận mưa này có lẽ sẽ thành một kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian lưu trú tại Hàn Quốc. Nơi tôi làm thêm là một nhà hàng nằm tại tầng hầm B2 thuộc quận Gangnam. Từ sáng 8-8, trời bắt đầu mưa lớn và đến trưa thì nước bắt đầu tràn vào nhà.

Lúc bấy giờ, cả chủ và nhân viên đều vừa gấp rút chuẩn bị thực đơn vừa hối hả “tát nước” ra ngoài. Dù Hàn Quốc đang vào mùa mưa song đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến hiện tượng ngập như thế. Các bạn cùng chỗ làm phải tăng ca trong đêm để khắc phục hậu quả cơn mưa.

Đến đêm 8-8, chúng tôi nhận được thông báo sẽ nghỉ làm 1 ngày hôm sau do quán phải tạm ngừng kinh doanh vì mưa lớn. Mọi người bất ngờ vì bỗng dưng được “thưởng” một ngày nghỉ không lương.

May mắn là chúng tôi ở khu vực tàu điện ngầm còn hoạt động nên vẫn có thể tìm đường về nhà. Trong đêm đó, nhiều chuyến tàu điện ngầm line 1, 7, 9… phải tạm dừng một phần hoặc toàn phần để tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Nhiều người lao động bị “mắc kẹt” do xe chết máy, xe buýt và tàu điện ngầm ngừng hoạt động hoặc do nước ngập không thể ra khỏi chỗ làm.

Nhiều trường đại học tại Seoul cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn. Đối với du học sinh như chúng tôi, mỗi khi có mưa lớn hay tuyết dày thì việc đến trường thực sự là ác mộng. Bởi hầu hết các trường đại học ở Seoul đều nằm tại các khu vực đồi núi có độ dốc cao, nguy cơ trơn trượt và nhiều khi có cả sạt lở đất.

Rất may lúc này vẫn đang nghỉ hè nên trận mưa lịch sử đã không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của sinh viên.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là các bạn bè người Hàn và cả người Việt định cư tại đây đều khá bình tĩnh trước thiên tai. Về cơ bản mọi người đều tin tưởng vào khả năng khắc phục sự cố của chính quyền.

Mọi người có nhắn tin thăm hỏi động viên qua mạng xã hội, chia sẻ hình ảnh về nơi ở, chỗ làm và dặn nhau đi lại cẩn thận, giữ gìn sức khỏe. Nhiều người còn tranh thủ ngày nghỉ bất đắc dĩ để hẹn gặp bạn bè, cùng đi xem phim, ăn uống…

Đêm 9-8, mưa vẫn rơi tầm tã suốt hơn 40 tiếng song lượng mưa có giảm so với ngày hôm trước, tình trạng ngập úng cũng không còn. Theo tin tức cập nhật của tôi qua báo đài thì Cục Phòng chống thiên tai trung ương Hàn Quốc đã nâng chế độ từ “chú ý” lên “cảnh báo”, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai.

Nhờ đó, đến sáng 10-8 khi trời bắt đầu tạnh thì mọi sinh hoạt của người dân Seoul cũng đã mau chóng trở lại bình thường. Chúng tôi đã đi làm lại và tiếp tục với nhịp sống hối hả ở một trong những thành phố đông dân nhất thế giới này.

Tuy nhiên, với các du học sinh và người lao động Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc như chúng tôi thì vẫn còn chút lo âu ngay cả khi mưa đã tạnh và nước đã rút. Bởi lẽ sau cơn mưa lớn, giá cả hàng hóa, nhất là hàng nông sản như rau củ và trái cây, đã tăng ngay.

Báo chí cũng dẫn cảnh báo của giới chức y tế về khả năng bùng phát một số triệu chứng bệnh như viêm da, các bệnh về mắt và nhiễm trùng do nước thải và chất thải ô nhiễm trôi nổi.

Ga tàu điện ngầm line 7 tại Isu vào ngày 8-8 – Ảnh: Nhật báo CHOSUN

Tổng thống Hàn Quốc họp chỉ đạo ứng phó mưa lũ

Phát biểu trong cuộc họp bàn ứng phó mưa lũ tại Seoul và các khu vực quanh thủ đô vào ngày 10-8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol yêu cầu chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan phải xây dựng hệ thống dự báo và cảnh báo lũ có thể bao phủ tất cả các tuyến đường thủy trong nước.

Theo Hãng tin Yonhap, ông Yoon yêu cầu các ban ngành phải nỗ lực hết sức để giảm thiểu thiệt hại về người và của, nhất là phải chú ý chăm lo cho những người già yếu và nhóm dễ tổn thương. Ông nhấn mạnh trách nhiệm bảo vệ người dân là của chính phủ.

Chính phủ Hàn Quốc đã huy động công nhân, binh sĩ tham gia dọn dẹp và khôi phục đường phố Seoul cùng các khu vực ở miền trung và miền đông trong ngày 10-8. Trận mưa lũ kỷ lục đã khiến ít nhất 9 người chết, 7 người mất tích và hơn 2.600 ngôi nhà bị ngập.

Khoảng 570 người thuộc 398 hộ gia đình phải trú tạm trong các phòng gym và trường học do nhà bị nước lũ nhấn chìm. Giới chức Hàn Quốc cũng sơ tán 1.253 người thuộc 724 hộ trên cả nước. Phần lớn các dịch vụ công cộng bị gián đoạn do mưa lũ đã được nối lại trong sáng 10-8, bao gồm tuyến tàu điện ngầm Seoul.

Theo Anh Thư

Link gốc: https://tuoitre.vn/nguoi-viet-trong-con-mua-lich-su-o-seoul-20220810225941557.htm