Người đàn ông bị hoại tử cánh tay do tiếp xúc với sứa biển

Người đàn ông ở Nghệ An nhập viện với cánh tay có nhiều vết loét sâu, hoại tử nghiêm trọng do tiếp xúc với sứa khi đi tắm biển.

Vừa qua, tại Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh Cơ sở 2 tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam, 69 tuổi nhập viện trong tình trạng nhiều vết loét sâu, ranh giới rõ, trên có giả mạc đen bẩn, ngứa nhiều ở vùng cánh tay, cẳng tay phải.

Theo lời người bệnh kể, 2 tuần trước khi đi tắm biển bệnh nhân bị sứa bám vào người, sau khi tiếp xúc với sứa người bệnh có nổi nhiều bỏng nước vùng da tiếp xúc xơ cứng lại, được sơ cứu điều trị tại trạm xá nhưng không đỡ nên đã đến Bệnh viện Đa khoa TP Vinh- Cơ sở 2 khám và nhập viện điều trị.

Cánh tay của bệnh nhân có nhiều vết thương sâu sau 2 tuần va chạm với sứa biển

Tại đây, các y bác sĩ thăm khám thấy tình trạng viêm da tiếp xúc thường gặp do sứa gây ra với nhiều vết loét, hoại tử và được chỉ định phẫu thuật. Sau hơn 1 tiếng phẫu thuật cắt bỏ hoại tử da, tạo hình kéo da che phủ thành công, người bệnh diễn biến ổn định, không có dấu hiệu thiểu dưỡng đầu chi, người bệnh được đặt tay tư thế duỗi cẳng tay tránh nguy cơ sẹo cố định co rút.

Theo BSCKII. Bùi Danh Ánh – Phụ trách khoa Ngoại Tổng hợp 02, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cho biết: “ Với những tổn thương hoại tử phức tạp trên chi thể phẫu thuật cắt bỏ nguy cơ thiếu da che phủ, khi cố gắng kéo da che phủ khuyết hổng có thể gây ra tự ga rô chi thể, may mắn vết thương còn đủ khả năng che phủ.”

Hình ảnh sau phẫu thuật cắt bỏ, tạo hình che phủ khuyết hổng da

Sứa biển có các xúc tu với hàng triệu tế bào có chứa chất độc, vì vậy nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da, và xâm nhập vào cơ thể bạn. Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp mà cơ thể bạn sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Thông thường người bị sứa đốt sẽ mắc viêm da tiếp xúc kích ứng với chất độc với sứa, biểu hiện là nổi các sẩn đỏ, bọng nước ở vùng da tiếp xúc, lan thành vệt do bệnh nhân cào gãi, cảm giác đau rát và ngứa nhiều. Trong trường hợp nặng thì có thể xuất hiện các triệu chứng ảnh hưởng lên các cơ quan trong cơ thể. Những triệu chứng này xuất hiện một cách nhanh chóng và nặng dần lên trong vòng vài giờ sau khi bị cắn. Biểu hiện của mức độ nặng khi bị sứa cắn đó là đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt,… có thể dẫn đến ngưng thở, hôn mê và tử vong.

BSCKII. Bùi Danh Ánh khuyến cáo trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới, khi đi tắm biển và gặp phải sứa biển đốt mọi người cần nhanh chóng đưa người bệnh ra khỏi vùng có sứa, sau đó đánh giá nhanh tình trạng người bệnh xem có mệt mỏi, choáng váng, vã mồ hôi hay tim đập nhanh không; Nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch.

Hạn chế sờ, gãi, chạm tay vào vết đốt tránh lan rộng vết thương. Rửa vết đốt bằng giấm, ammoniac, banking soda hay nước biển để làm sạch các chất độc. Chườm mát các vị trí tổn thương. Không sử dụng nước ngọt để rửa do sẽ làm tăng hoạt tính độc của sứa.

Theo dõi người bị đốt nếu có những biểu hiện nặng như đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, phù mặt, nôn ói, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt… thì phải chở ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị.

Tác giả: PV

Nguồn: doisongphapluat.nguoiduatin.vn