Nghệ An “tuýt còi” nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác cát
Liên quan đến hoạt động khai thác cát, vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp ở Nghệ An đã bị chính quyền địa phương “tuýt còi” do vướng nhiều sai phạm.
Được đánh giá là “thủ phủ” cát của Nghệ An, huyện Tân Kỳ không chỉ phục vụ nhu cầu làm vật liệu xây dựng và san lấp trên địa bàn tỉnh mà còn lan rộng ra các khu vực lân cận. Nhận thấy “món hời” từ cát, nhiều doanh nghiệp đã đến địa phương này để đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực khai khoáng này. Cũng từ đây, hàng loạt bất cập, sai phạm đã bắt đầu nảy sinh…
Cùng lúc nhận 4 quyết định xử phạt
Theo nguồn tin của Diễn đàn Doanh nghiệp, chỉ trong vòng 1 ngày, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã ký 44 quyết định xử phạt đối với 14 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khai thác cát sỏi; với tổng số tiền nộp phạt hơn 1 tỷ đồng.
Trong số đó, nổi bật nhất là Công ty TNHH vật liệu xây dựng Đức Hoàng, địa chỉ tại xóm Vĩnh Lộc, xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ khi bị cùng lúc 4 quyết định xử phạt với tổng số tiền lên đến hơn 125 triệu đồng. Được biết, doanh nghiệp này được Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cấp giấy phép kinh doanh lần đầu vào ngày 19/8/2013, mã số 2901635922 và người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Trọng Nam – Giám đốc công ty.
Cụ thể, tại Quyết định số 3658/QĐ-XPHC của UBND huyện Tân Kỳ về việc xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực lao động, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Đức Hoàng đã bị phạt tiền 15 triệu đồng do không xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai khi chiếm hàng chục m2 đất nông nghiệp tại xóm Viên Thái, xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ để xây dựng nhà điều hành khi chưa thực hiện các thủ tục để được thuê đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đáng chú ý, 98 triệu đồng là số tiền mà đơn vị này phải nộp phạt do vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, tại Quyết định số 3672/QĐ-XPHC, UBND huyện Tân Kỳ đã chỉ ra 4 hành vi vi phạm của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Đức Hoàng, bao gồm: Không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định; đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động, khai thác khi chưa được đăng kiểm theo quy định; không có văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi xây dựng hoặc cải tạo nâng cấp bến thủy nội địa; giao người không đủ điều kiện về sức khỏe, tuổi, không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp theo quy định điều khiển phương tiện…
Ngoài ra, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Đức Hoàng còn bị đoàn kiểm tra của UBND huyện Tân Kỳ phát hiện việc lập hóa đơn không đúng thời điểm dẫn đến chậm thực hiện thuế. Do vậy, dựa theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 125/NĐ-CP của Chính phủ, UBND huyện Tân Kỳ đã xử phạt doanh nghiệp này với số tiền 4 triệu đồng.
Như vậy, với 4 quyết định xử phạt trên, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Đức Hoàng đã phải nộp với tổng số tiền lên đến 125.327.000 đồng.
Chấn chỉnh hàng loạt “chủ mỏ”
Qua tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện có 16 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi được cấp phép. Tuy nhiên, do 1 doanh nghiệp vừa dừng hoạt động và 1 doanh nghiệp vừa được Sở TN&MT tỉnh Nghệ An kiểm tra, nên vừa qua, UBND huyện đã lập đoàn liên ngành, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi ở 14 doanh nghiệp còn lại.
Kết quả kiểm tra cho thấy, doanh nghiệp nào cũng có vi phạm. Do đó, chỉ trong 1 ngày, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 doanh nghiệp, với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.
Điển hình như: Công ty TNHH Thành Phát Nghệ An bị xử phạt 125 triệu đồng; Công ty CP ĐT XD&TM Vũ Trường Giang bị xử phạt 53 triệu đồng; Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc bị xử phạt 63 triệu đồng; Công ty TNHH Hoàng Hải bị xử phạt 120 triệu đồng; Công ty TNHH Cường Hòa bị xử phạt 43 triệu đồng; Công ty TNHH Đức Anh Linh bị phạt 87 triệu đồng; Công ty TNHH Đạt Anh bị phạt 72 triệu đồng; Công ty CP xây dựng Tám Tài bị phạt 74 triệu đồng…
Nguyên nhân là do những doanh nghiệp này đang vi phạm những vấn đề liên quan đến hoạt động trên lĩnh vực khai thác cát, sỏi. Cụ thể, về thuê đất hoạt động khoáng sản, có 7 doanh nghiệp lấn chiếm đất để sử dụng làm bãi tập kết, nhà điều hành khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất; 2 doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đăng ký đất đai lần đầu đối với khu vực mỏ khai thác.
Về an toàn lao động, có 4 doanh nghiệp không đăng ký nội quy lao động theo quy định của pháp luật; 1 doanh nghiệp không khai báo khi đưa vào sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, lao động; có 5 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, có 1 doanh nghiệp không thực hiện các chế độ bảo hộ lao động và chưa tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hàng năm cho người lao động; 1 doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động hàng năm; không thành lập tổ chức bộ phận an toàn vệ sinh lao động, bộ phận y tế; 1 doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Riêng đối với việc chấp hành pháp luật về thuế thì đoàn kiểm tra UBND huyện Tân Kỳ phát hiện có tới 9 doanh nghiệp lập hóa đơn không đúng thời điểm.
Đáng nói hơn cả, đó là về quy trình quy phạm khai thác, tất cả 14 doanh nghiệp đều vi phạm quy định trong lĩnh vực bến thủy nội địa, đơn cử như: Không đăng ký phương tiện khai thác; không đăng kiểm lại phương tiện; đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động, khai thác khi chưa được đăng kiểm; không có văn bản thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi xây dựng cải tạo nâng cấp bến thủy nội địa…
Được biết, sau khi có kết quả kiểm tra, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành thông báo gửi các doanh nghiệp, trong đó giao đơn vị tiến hành khắc phục các tồn tại hoàn thành trước ngày 30/1/2024; đồng thời giao các phòng ban, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra đôn đốc giám sát việc khắc phục tồn tại của các doanh nghiệp.