Nghệ An truy thu hơn 10 tỷ, hàng trăm “giáo viên biệt phái” bỗng thành… “con nợ”!

Trong 2 năm, tại 19 huyện, thị, tỉnh Nghệ An đã chi trả phụ cấp không đúng quy định hơn 10 tỷ đồng cho các “giáo viên biệt phái”. Hiện biện pháp xử lý số tiền của địa phương này đang có rất nhiều ý kiến trái chiều.

0

Chi không đúng quy định hơn 10 tỷ đồng

Từ năm 2012, để bố trí đủ công chức cho các Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện chủ trương biệt phái cán bộ, giáo viên tại các trường học về cho Phòng GD&ĐT.

Những người thuộc diện biệt phái thời điểm đó phần lớn là Hiệu phó hoặc Hiệu trưởng từ các trường, được lựa chọn kỹ càng để giúp việc cho Phòng. Đây được xem là “cuộc cải cách” để tìm “tinh hoa” đưa về làm việc tại Phòng GD&ĐT lúc bấy giờ.

Để chi trả chế độ cho đội ngũ “giáo viên biệt phái” này, các huyện, thị nhiều năm liền đã thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 6612 ban hành ngày 24/9/2012 của UBND tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản cho rằng, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi này không đúng với tinh thần trong Quyết định số 42 ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục.

Lý do, Sở Tài chính Nghệ An đưa ra là: Công văn số 6612 không phải là văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Nghệ An ban hành mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Do đó, việc UBND cấp huyện, thành,thị căn cứ văn bản trên để ban hành quyết định điều động, biệt phái viên chức về công tác tại Phòng GD&ĐT và chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề là không đúng quy định.

Do đó ngày 9/2/2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An hủy hoặc bãi bỏ Công văn số 6612. Đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện, thị dừng chi trả phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên được điều động, biệt phái làm công tác tại các Phòng GD&ĐT theo đúng quy định tại Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ.

Vậy nhưng, sau đó hầu hết các huyện, thị ở Nghệ An vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT theo Công văn 6612. Mới đây, ngày 12/1/2023, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Văn bản số 263/UBND-KT về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên biệt phái.

Trên cơ sở kết quả báo cáo kiểm tra và kiến nghị, đề xuất của 19 đơn vị cấp huyện và các kết luận thanh tra công tác quản lý, điều hành ngân sách, ngày 27/4/2023, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã có báo cáo, đề xuất gửi UBND tỉnh Nghệ An. Theo đó, qua rà soát thì tổng số “giáo viên biệt phái” và có hưởng phụ cấp trong giai đoạn 2021-2022 tại 19 huyện, thị (ngoại trừ thị xã Cửa Lò và TP Vinh) là 281 người, trong đó năm 2021 là 143 người, năm 2022 là 138 người.

Tổng số tiền các loại phụ cấp đã chi trả không đúng đúng quy định cho 281 “giáo viên biệt phái” trong 2 năm ở Nghệ An là hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều địa phương chi trả khoản tiền phụ cấp khá lớn như: Kỳ Sơn hơn 1,8 tỷ đồng, Thanh Chương hơn 1 tỷ đồng, Quỳ Châu trên 1,1 tỷ đồng, Tương Dương hơn 970 triệu đồng…

Huyện Tương Dương (Nghệ An) thực hiện thuyên chuyển giáo viên góp phần giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ. Ảnh minh họa

Hàng trăm giáo viên biệt phái “sốc” nặng

Với kết quả trên, hàng trăm “giáo viên biệt phái” ở tỉnh Nghệ An không chỉ bị cắt phụ cấp những năm tới mà còn bị yêu cầu phải nộp lại số tiền phụ cấp đã nhận trong những năm gần đây. Chia sẻ với phóng viên họ đều có chung tâm trạng là rất “sốc” và mong chờ tỉnh Nghệ An “dang tay” cho họ những “chiếc phao cứu sinh” tình nghĩa.

 Cô Đặng Thị Hồng (51 tuổi, làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu) bùi ngùi nhớ lại: Vào nghề năm 1992, với sự nỗ lực của mình năm 2008, cô Hồng được phong Nhà giáo ưu tú khi chỉ mới 36 tuổi. Cô Hồng cũng là giáo viên dạy giỏi Quốc gia. Không phụ lòng sự cống hiến của mình, năm 2013 cô Hồng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn (Huyện Quỳnh Lưu).

Sau khoảng một năm “lên chức”, dưới sự vận động của cấp trên, cô Hồng chấp nhận thôi chức Hiệu trưởng, trở thành “giáo viên biệt phái” lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu, với nhiệm vụ là quản lý chuyên môn khối tiểu học.

“Vài tháng đầu ở vị trí mới, vẫn được bảo lưu mức lương giống như khi còn là hiệu trưởng. Nhưng sau đó, phụ cấp chức vụ bị cắt do không còn giữ chức Hiệu trưởng. Vì thế so với lúc còn ở trường thì khi lên phòng mức lương mỗi tháng giảm khoảng 1 triệu đồng. Dù thu nhập giảm nhưng tôi vẫn vui vẻ làm việc, cống hiến cho ngành”, cô Hồng tâm sự.

Hiện tại cô Hồng là một trong 281 giám viên, cán bộ ở Nghệ An bị dừng chi trả phụ cấp và bị yêu cầu truy thu số tiền đã nhận trong những năm qua. Vậy là bỗng nhiên họ nhận tin “sốc” và trở thành… “con nợ”. “Khi nhận được tin dừng chi trả phụ cấp đã sốc, sau đó lại còn bị yêu cầu truy thu thì thật sự rất hoang mang. Tính ra, tôi phải nộp lại gần 200 triệu đồng. Khoản tiền đó chúng tôi lấy đâu ra…”, cô Hồng chua xót.

Cùng chung tâm sự này với cô Hồng, rất nhiều “giáo viên biệt phái” trăn trở: Khi họ quyết định biệt phái lên làm việc tại các Phòng GD&ĐT là vì trách nhiệm với ngành. Chứ được “điều” lên phòng nói là “oai” nhưng “thiệt đủ đường”. Bởi lẽ, cán bộ biệt phái ngay cả “danh xưng” cũng chưa rõ ràng, họ không phải công chức, không phải viên chức cũng không phải thầy giáo, cô giáo…

Trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật, ông Lương Thái Thiện – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương (Nghệ An) cho rằng: Việc dừng và truy thu tiền phụ cấp của “giáo viên biệt phái” là không hợp lý. Khi họ (Giáo viên biệt phái-PV) chấp nhận lên phòng để “biệt phái” ngoài trách nhiệm thì họ cũng đã “cân đong đo đếm” về mặt chính sách phụ hợp. Mặt khác nói là biệt phái nhưng một tuần họ vẫn giành 50% thời gian về trường cũ để giảng dạy.

“Chúng tôi đã có đề xuất gửi huyện đề nghị tỉnh Nghệ An giữ nguyên chế độ đối với “giáo viên biệt phái”, ông Lương Thái Thiện thông tin.

Lãnh đạo huyện Diễn Châu (Nghệ An) mới đây đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài chính Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trong đó nhấn mạnh: “Việc dừng chi trả và truy thu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, vật chất lẫn tinh thần đối với giáo viên được biệt phái khi phải dừng tất cả các khoản phụ cấp (ưu đãi, thâm niên…). Như vậy, thu nhập giáo viên biệt phái ở Phòng sẽ thấp hơn nhiều so với giáo viên đang công tác tại các trường (có thêm phụ cấp thâm niêm, phụ cấp ưu đãi…). Đó là chưa kể sau khi về hưu họ sẽ không được tính các khoản phụ cấp để hưởng bảo hiểm…”.

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn: doisongphapluat.nguoiduatin.vn