Nghệ An: Triển khai trường học tiên tiến, học sinh phổ cập học ở đâu?

Học sinh trong độ tuổi phổ cập sẽ học ở đâu khi một số trường phổ thông triển khai thí điểm mô hình giáo dục tiên tiến là vấn đề phụ huynh trên địa bàn tỉnh quan tâm.

Học sinh phổ thông tỉnh Nghệ An vui Tết Độc lập. Ảnh: Việt Hòa

Bố trí nơi học cho học sinh phổ cập

Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, từ năm học 2022 – 2023, Nghệ An triển khai thí điểm mô hình trường tiên tiến tại 4 bậc học. Việc triển khai mô hình thực hiện theo Quyết định 147/QĐ – UBND phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2030, nhằm tạo đột phá trong giáo dục.

Tại Nghệ An, mô hình được triển khai đầu tiên tại thành phố Vinh với 5 trường là Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Tiểu học Lê Mao, Trường THCS Đặng Thai Mai, Trường Thực hành Sư phạm – Trường Đại học Vinh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh) được chọn thí điểm lớp mô hình tiên tiến từ năm học 2022-2023. Ảnh: HY

Một vấn đề đặt ra là đối với các trường tổ chức chương trình thí điểm có đối tượng tuyển sinh riêng, khung học phí riêng nên sẽ có một bộ phận học sinh trong độ tuổi phổ cập trên địa bàn phường, xã không đáp ứng được yêu cầu.

“Con tôi không đáp ứng yêu cầu tuyển sinh vào trường tiên tiến, và điều kiện gia đình cũng không đủ để đóng học phí theo mức thu của mô hình này, vậy con tôi sẽ được học ở đâu? – một phụ huynh trên địa bàn phường Lê Mao băn khoăn khi Trường Tiểu học Lê Mao được chọn triển khai mô hình thí điểm trường tiên tiến.

Đó cũng là nỗi niềm của phụ huynh phường Hưng Phúc, nơi có Trường THCS Đặng Thai Mai được chọn triển khai mô hình thí điểm trường tiên tiến.

Trước vấn đề đảm bảo quyền lợi phổ cập cho học sinh, lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết sẽ tạo điều kiện cho học sinh phổ cập của 2 phường Lê Mao và Hưng Phúc có thể đăng ký học ở bất cứ trường nào trên địa bàn.

Về lý do thực hiện triển khai mô hình thí điểm trên quy mô cả khối lớp thay vì một vài lớp, Phòng GD&ĐT TP Vinh cho hay nếu chỉ triển khai một vài lớp sẽ phát sinh vấn đề chương trình, chất lượng dạy học không đồng đều, khó bố trí giáo viên. Hơn nữa, ở lứa tuổi tiểu học và THCS, trong cùng khối dạy theo hai chương trình sẽ tạo ra sự bất bình đẳng.

Những học sinh nào được xét tuyển vào trường tiên tiến?

Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 – 2023 của Sở GD&ĐT Nghệ An, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được giao chỉ tiêu 5 lớp 10 triển khai mô hình tiên tiến với 175 học sinh.

Học sinh muốn đăng ký vào lớp tiên tiến phải trúng tuyển vào một trường công lập trên địa bàn; Căn cứ tổng điểm xét tuyển gồm: điểm các môn thi trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 – 2023, trong đó điểm môn Toán và Ngữ văn lấy hệ số 1, điểm môn Tiếng Anh lấy hệ số 3 (thang điểm 10).

Học sinh còn phải tham gia phỏng vấn do nhà trường tổ chức để đánh giá về năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ, kỹ năng ứng xử.

Tiêu chí thứ 2 là xét tuyển học sinh có chứng chỉ năng lực Tiếng Anh quốc tế theo điểm quy đổi tương đương 4.0 trở lên theo chứng chỉ IELTS học thuật.

Học sinh muốn xét tuyển vào lớp tiên tiến cần có phiếu đăng ký xét tuyển, bản sao kết quả học tập lớp 9 có xác nhận của trường THCS, bản sao công chứng chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế (nếu có) hoặc bản sao công chứng thành tích học tập, rèn luyện khác (nếu có).

Đối với bậc THCS, năm học 2022-2023, Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh) sẽ tuyển sinh 9 lớp 6, học mô hình tiên tiến. Trong đó có 1 lớp tuyển thẳng theo chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, 4 lớp theo năng khiếu các môn học (thi tuyển) và 4 lớp năng lực kỹ năng.

Với các lớp kỹ năng, ưu tiên cho học sinh của phường Hưng Phúc có điều kiện về năng lực và tài chính. Trong trường hợp đang còn chỉ tiêu sẽ tiếp tục tuyển sinh cho vùng khác với các tiêu chí về kết quả học tập từ trên xuống.

Theo Quang Đại

Link gốc: https://laodong.vn/giao-duc/nghe-an-trien-khai-truong-hoc-tien-tien-hoc-sinh-pho-cap-hoc-o-dau-1088436.ldo