Nghệ An: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy

Thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở ban ngành và các huyện, thành thị thực hiện.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn tại một chung cư trên địa bàn thành phố Vinh.

Theo đó, Văn bản số 2908/UBND-NC ngày 18/4/2023, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành thị thực hiện:

Đối với các dự án, công trình hoạt động khi chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy: UBND tỉnh giao các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam phối hợp với Công an tỉnh tháo gỡ cho các doanh nghiệp vi phạm chủ trương đầu tư và mục đích sử dụng đất để làm căn cứ làm thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành lập Tổ công tác hướng dẫn trực tiếp, cụ thể, chi tiết cho chủ cơ sở còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, trong đó rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, phục hồi hoạt động của cơ sở đang bị xử phạt, đình chỉ hoạt động theo quy định; tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, giải pháp của các Cục nghiệp vụ để hỗ trợ, giải quyết các thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy cho doanh nghiệp.

Đối với các công trình không thuộc đối tượng thẩm quyền về phòng cháy, chữa cháy nhưng không đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy: Giao Công an tỉnh tiếp tục tổ chức rà soát, phân loại cụ thể theo nhóm các công trình có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục về phòng cháy, chữa cháy, chủ động thành lập các tổ công tác kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy của công trình, cơ sở, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh. Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho chủ doanh nghiệp, người dân, vận động chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Phối hợp rà soát, chấn chỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng: Giao các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam, UBND cấp huyện phối hợp với Công an tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư, xây dựng; rà soát, chấn chỉnh công tác thẩm định, thẩm tra và cấp phép xây dựng, trong đó lưu ý quá trình thẩm định, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng phải chủ trì, đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định các nội dung về phòng cháy, chữa cháy liên quan địa điểm xây dựng, kiến trúc, công năng của công trình theo quy định của Chính phủ.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Nghệ An đang khống chế đám cháy tại một xưởng sản xuất.

Kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động xây dựng, hướng dẫn cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm, đảm bảo theo quy định về mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao của công trình, công tác cải tạo, bổ sung về phòng cháy, chữa cháy. Công an tỉnh thường xuyên trao đổi với các cơ quan chuyên môn xây dựng về tình trạng công trình không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy để rà soát, tham mưu chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.

Đối với các dự án, công trình không có khả năng khắc phục hoặc chủ cơ sở không tổ chức khắc phục: Giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện rà soát, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp vận động, hướng dẫn doanh nghiệp cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh để đảm bảo an toàn, lợi ích cho doanh nghiệp. Đối với cơ sở không tổ chức khắc phục tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo chỉ đạo, giao Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo quy định, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông rộng rãi về tình hình chấp hành quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của các công trình, cơ sở này để doanh nghiệp, người dân cùng theo dõi, giám sát.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định về phòng cháy, chữa cháy: giao các sở, ban ngành và UBND cấp huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, chủ động hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền. Đồng thời, tổ chức rà soát các quy định của pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy còn bất cập, chưa phù hợp thực tế để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi.

Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập chưa phù hợp thực tế trong các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, tham mưu UBND tỉnh báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết hoặc xem xét, sửa đổi bổ sung, xây dựng mới cho phù hợp với thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế – xã hội ngay trong tháng 4 này.

Theo Quang Hợp

Link gốc: https://baoxaydung.com.vn/nghe-an-thao-go-kho-khan-vuong-mac-ve-phong-chay-chua-chay-353003.html