Nghệ An: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản năm 2024

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản năm 2024, giao các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện.

Trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và sự cố thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của cộng đồng ngư dân, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 4017/UBND-NN ngày 17/5, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan căn cứ nội dung Công văn số 3475/BNN-TS ngày 15/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản năm 2024 để triển khai thực hiện.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại các Chỉ thị, Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về an toàn, không trang bị phao cứu sinh, áo phao khi hoạt động theo quy định.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản đáp ứng yêu cầu phương châm bốn tại chỗ; huy động mọi nguồn lực thực hiện phòng tránh, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do sự cố thiên tai. Xây dựng kế hoạch ứng phó với các sự cố thiên tai khác nhau để chủ động phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Xây dựng phương án sắp xếp, neo đậu tàu cá tại các khu neo đậu, tránh trú bão khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Xây dựng phương án gia cố ao, hồ, đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản, con giống tại cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản dự kiến nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai; phương án thu hoạch thủy sản nuôi trồng phù hợp khi có bản tin dự báo sự cố thiên tai sắp xảy ra.

Các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản; tuân thủ các chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước có chức năng trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Rà soát, nhu cầu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để phục hồi sản xuất ngay sau khi sự cố thiên tai xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện thống kê số lượng, diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở hỗ trợ theo quy định. Khi có sự cố thiên tai xảy ra, các địa phương chỉ đạo Sở NN&PTNT báo cáo nhanh tình hình công tác trực ban chuyên ngành thủy sản tại địa phương về Cục Thủy sản…

Nghệ An: Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản năm 2024 - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet).

Số liệu của Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư cho biết, tổng sản lượng thủy sản của Nghệ An trong năm 2023 ước đạt gần 278.000/kế hoạch 255.000 tấn, đạt 109% so với kế hoạch năm, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt hơn 70.788/kế hoạch 63.000 tấn, đạt 112,36% so với kế hoạch năm, tăng 6,14% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi ngọt hơn 55.466 tấn; nuôi mặn, lợ 15.322 tấn.

Riêng khai thác hải sản đạt hơn 199.000/kế hoạch 187.000 tấn, đạt 106,7% so với kế hoạch năm, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; khai thác nội đồng đạt hơn 7.641/kế hoạch 5.000 tấn, đạt 152,83% so với kế hoạch năm, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước.

Nghệ An hiện có số lượng tàu cá ước tính đạt 3.336 chiếc, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên là 1.089 chiếc, chiếm 32,64%. Ngư dân Nghệ An khai thác hải sản chủ yếu các nghề: lưới rê, lưới chụp, lưới vây, lưới kéo và nghề câu. Trong các nghề này thì nghề lưới chụp cho sản lượng cao nhất, sản phẩm chủ yếu là cá nổi (cá cơm, cá nục, cá bạc má, cá trích…).

Tác giả: Hà My(t/h)

Nguồn: Kinhtemoitruong.vn