Nghệ An: Sơ kết chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo

Ngày 19/4, Ban Chỉ đạo Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở (Ban Chỉ đạo 1838) trên địa bàn tỉnh nghệ An tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện.

0

Theo đó, hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 21 điểm cầu của các huyện, thành phố, thị xã và cấp xã. Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Nghệ An: Sơ kết chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo - Ảnh 1
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính tại Tỉnh ủy Nghệ An.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Chương trình 1838 là một chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, được nhân dân rất đồng tình và đánh giá cao, được triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học, quyết liệt, phát huy được sức mạnh nội lực từ chính cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng dân cư. Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/2/2023, các địa phương đã vào cuộc tích cực, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị của tỉnh đã tích cực kêu gọi, vận động nguồn lực để hỗ trợ thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được thực hiện kịp thời, thường xuyên, tạo phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong toàn tỉnh. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã tích cực, chủ động, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ để tham mưu kịp thời, có chất lượng các nội dung chương trình, nhất là việc tham mưu các văn bản của Ban Chỉ đạo, kịp thời xây dựng phần mềm quản lý Chương trình; việc khâu nối, tiếp nhận, quản lý và tham mưu phân bổ nguồn kinh phí cho các địa phương; đôn đốc các nhà tài trợ, các địa phương tích cực triển khai thực hiện chương trình.

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực thực hiện chương trình. Hiện, đã có 149 tổ chức, cá nhân đã đăng ký vận động, ủng hộ chương trình với tổng số nhà đăng ký hỗ trợ là 12.100 căn, tương ứng 614,775 tỷ đồng, trong đó đăng ký thực hiện trong năm 2023 là 6.689 căn.

Nghệ An: Sơ kết chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo - Ảnh 2
Lãnh đạo Bộ Công an và tỉnh Nghệ An tham quan và chung vui với bà con trong ngôi nhà mớitại xã Châu Khê, huyện Con Cuông vào tháng 8/2023.

Sau nhiều lần rà soát, cập nhật, tính đến ngày 30/3/2024, trên địa bàn tỉnh có 16.369 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây dựngsửa chữa nhà ở giai đoạn 2023 – 2025; trong đó đã có quyết định phê duyệt 16.111 hộ với số hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà lắp ghép là 3.580; số hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng mới là 8.006 và số hộ đề nghị hỗ trợ sữa chữa là 4.525.

Tính đến hết tháng 3/2024, thông qua thực hiện Chương trình 1838 và các Chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh đã thực hiện được 8.440 ngôi nhà với tổng nguồn lực hơn 606 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm 2023, đạt 52,3% của cả giai đoạn 2023 – 2025; trong đó riêng nguồn lực thực hiện từ Chương trình 1838 là hơn 596 tỷ đồng. Cụ thể, 6.023 nhà (3.580 nhà lắp ghép, 2.086 nhà xây mới, 357 nhà sửa chữa) đã hoàn thành từ nguồn xã hội hóa của Chương trình 1838; 2.417 nhà (1.711 nhà xây mới, 706 nhà sửa chữa) được thực hiện từ nguồn hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia, kết hợp nguồn hỗ trợ bổ sung của Chương trình 1838.

Qua rà soát, trong giai đoạn 2023 – 2025, trên địa bàn toàn tỉnh còn 7.671 nhà cần thực hiện với tổng nguồn xã hội hóa cần để hoàn thiện là hơn 111 tỷ đồng. Cụ thể, 2.622 nhà cần được hỗ trợ từ nguồn Chương trình 1838 (813 nhà xây mới, 1.825 nhà sữa chữa); còn lại 5.049 nhà (3.404 nhà xây mới, 1.645 nhà sửa chữa) được hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia và đối ứng từ Chương trình 1838 bổ sung thêm để bảo đảm mặt bằng chung là xây mới 50 triệu đồng/nhà; sửa chữa 25 triệu đồng/nhà.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý – Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Chương trình 1838 là một trong những chương trình an sinh xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do tỉnh phát động triển khai. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là một trong những cơ sở quan trọng, có tính bền vững để giúp người nghèo thoát nghèo, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chương trình phát động triển khai trong toàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành trong 3 năm, trung bình mỗi năm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa ít nhất trên 5.000 nhà. Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình một cách đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt. “Nếu không có chương trình này thì phải mất khoảng 10 năm mới cơ bản giải quyết được mục tiêu trên, vì trung bình mỗi năm tỉnh ta chỉ thực hiện được 1.500 nhà” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Nghệ An: Sơ kết chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo - Ảnh 3
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cùng đoàn công tác làm lễ bàn giao nhà cho các hộ nghèo tại xã Chiêu Lưu, huyện kỳ Sơn vào tháng 3/2023.

Để thực hiện việc hỗ trợ cho người dân, tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc, đầy trách nhiệm, sử dụng hiệu quả 03 nguồn lực: Nguồn lực vận động, kêu gọi xã hội hóa thông qua Chương trình 1838; nguồn lựcTrung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh đối ứng để thực hiện 02 Chương trình MTQG; nguồn lực của người dân, sự ủng hộ của họ tộc, làng xóm, cộng đồng dân cư về kinh phí, ngày công, nguyên vật liệu…

Qua đánh giá tình hình, số lượng nhà còn lại cần hỗ trợ, các nguồn lực đã có và tiềm năng có thể tiếp tục vận động được, Ban Chỉ đạo tạm phân thành 03 nhóm như sau: Nhóm 1: Đối với các địa phương đang thực hiện các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (gồm: Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương) với tổng số nhà cần làm là 4.480 nhà/7.686 số nhà toàn tỉnh (chiếm 58,3%), qua cân đối của cơ quan thường trực, các địa phương này cơ bản đã đủ nguồn lực do Trung ương cấp theo Kế hoạch.

Nhóm 2: Các địa phương: TP.Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai, huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Nghi Lộc, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn theo cân đối của Cơ quan Thường trực, số địa phương này có đủ khả năng để hoàn thành việc hỗ trợ số nhà còn là 1.245 nhà.

Nhóm 3: Đối với các địa phương còn khó khăn về nguồn lực vận động (gồm: huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ), số nhà hỗ trợ là 1.961 nhà, cần tiếp tục vận động, kêu gọi các nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành việc thực hiện đăng ký của huyện đối với tỉnh.

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị tiếp tục xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu với quyết tâm cao hơn, phấn đấu cơ bản hoàn thành Chương trình trong năm 2024, chậm nhất cũng phải hoàn thành trước Quý II/2025 để thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030.

Tác giả: Nguyễn Công

Nguồn: Kinhtemoitruong.vn