Nghệ An ra công điện khẩn về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Công điện khẩn số 33/CĐ-UBND ngày 23/10 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm giai đoạn hiện nay.

0
Thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Công điện nêu, trên địa bàn Nghệ An trong hơn 9 tháng đầu năm đã có 64 ổ dịch tả lợn châu Phi, 3 ổ dịch cúm gia cầm, 10 ổ dịch dại. Đặc biệt, thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát ra diện rộng tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳ Hợp.

Nhận định trong thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, nguy cơ các dịch bệnh hại phát sinh và có nguy cơ lây lan cao, do một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; công tác tiêm phòng vắc-xin vụ xuân cho đàn vật nuôi ở một số địa phương còn đạt tỷ lệ thấp…

Thực hiện Công văn số 7261/BNN-TY, ngày 9/10/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Các huyện đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh ổ dịch mới. Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh: Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Nghệ An; Quyết định số 3385/QĐ-UBND ngày 01/10/2020 về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 – 2025.

Tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu năm 2023, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn.

Chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch mới phát sinh; báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh từ cơ sở đến cấp xã, huyện, tỉnh theo đúng quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan rộng, gây ảnh hưởng đến người dân và cộng đồng.

Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn; tập trung vùng có dịch, vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, vùng bị ngập úng.

Bố trí kinh phí thực hiện các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã phê duyệt tại địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo.

Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh, tiêm phòng, chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định…

Sở Nông nghiệp và PTNT, thành lập đoàn công tác đến các địa phương có nguy cơ cao để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh và đói, rét trong thời gian tới.

Chuẩn bị đầy đủ vắc-xin, hoá chất, vật tư… để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý các ổ dịch mới phát sinh trong diện hẹp và triển khai tiêm phòng vụ thu năm 2023 đạt tỷ lệ cao.

Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường, các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Các ngành như Công an tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, nhập lậu, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, các trường hợp trốn tránh kiểm dịch…

Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống, tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn vật nuôi.

Tác giả: Lê Thìn

Nguồn: doanhnghiepkinhtexanh.vn