Nghệ An: Những ngọn núi tan hoang ở “thủ phủ” đá trắng Quỳ Hợp

Quỳ Hợp được mệnh danh là “thủ phủ” đá trắng ở Nghệ An. Từ nhiều năm qua, việc bạt núi, khoét đồi để khai thác khoáng sản đá trắng đã gây nên cảnh tượng hoang tàn và biết bao hệ luỵ về môi trường đối với người dân nơi đây.

0

Những ngọn núi tan hoang

Khu mỏ đá trắng tại huyện Quỳ Hợp trước đây là những quả đồi xanh mướt cây rừng thì nay đã bị thay bằng màu trắng của khai thác khoáng sản. Hàng loạt máy múc cỡ lớn hoạt động thường xuyên với công việc cậy đá trên đỉnh núi, những khối đá nặng hàng chục tấn lăn xuống ầm ầm như tiếng sấm bao trùm khắp một vùng. Máy cắt đá xèn xẹt ngày đêm để đưa từng khối đá ra khỏi núi về xưởng cưa xẻ và núi đá cứ thế cạn dần.

Một góc “thủ phủ” đátại xã Châu Hồng,Quỳ Hợp, Nghệ Annhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Công.

Nhìn quanh những khu mỏ, một lượng lớn đất, đá thải được các chủ mỏ đổ bạt ngàn xuống dưới chân núi. Nhiều diện tích rừng tự nhiên ở các xã như: Châu Tiến, Châu Hồng, Châu Lộc, Liên Hợp, Châu Quang… cứ thế bị hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn mét khối đất đá vùi lấp, “xoá sổ”. Những lượng đất, đá thải này không chỉ vùi lấp rừng tự nhiên mà khi trời mưa còn bị cuốn trôi xuống các khe suối, cánh đồng, đường sá…gây ô nhiễm môi trường, vùi lấp các loại diện tích đất khác của người dân.

Những lượng đất, đá thải này không chỉ vùi lấp rừng tự nhiên mà khi trời mưa còn bị cuốn trôi xuống các khe suối, cánh đồng. Ảnh: Nguyễn Công.

Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn huyện hiện có tổng cộng 79 mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn của 64 doanh nghiệp, trong đó có hơn 30 mỏ khai thác đá hoa trắng, 29 mỏ khai thác đá xây dựng, còn lại là mỏ quặng thiếc, nước khoáng. Bên cạnh đó có 78 mỏ đã hết hạn, trong đó có 50 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ, 11 mỏ được cấp lại, 14 mỏ đang thực hiện trình tự thủ tục cấp lại… Ngoài ra, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có hơn 150 xưởng chế biến khoáng sản, trong đó có gần 50 xưởng sản xuất theo hộ kinh doanh.

Thời gian qua, mặc dù công tác chỉ đạo và quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khoáng sản được UBND huyện Quỳ Hợp quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trong đội ngũ cán bộ quản lý các cấp cũng như trong doanh nghiệp và người dân địa phương.

Khu dân cư nằm cạnh các mỏ đá và Cụm công nghiệp thuộc xã Châu Quang. Ảnh: Nguyễn Công.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra trên địa bàn. Một số doanh nghiệp đã khai thác ngoài khu vực được cấp phép và khai thác vượt công suất, trữ lượng được cấp phép; sử dụng vật liệu nổ không đúng quy định; gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn… làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân gần khu vực mỏ. Tháng 4/2023, UBND huyện Quỳ Hợp đã xử phạt gần 500 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thành Trung và Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Quang Sơn vì có hành vi khai thác khoáng sản lấn chiếm đất.

Hàng loạt hệ luỵ kéo theo

Quỳ Hợp là huyện trọng điểm về khai thác, chế biến khoáng sản. Nhiều năm qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và khắc phục hậu quả do khai thác, chế biến khoáng sản và ô nhiễm môi trường gây ra còn nhiều bất cập, gây khó khăn, thiếu thốn đối với huyện, xã và đặc biệt là người dân.

Nước thải từ xưởng chế biến đá tại Cụm công nghiệp Châu Quang, xã Châu Quang, Quỳ Hợp có dấu hiệu tràn ra môi trường. Ảnh: Nguyễn Công.

Không thể phủ nhận rằng, khai thác khoáng sản đã đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách. Các khoản thu ngân sách bao gồm thuế các loại của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phân cấp cho huyện thu; các doanh nghiệp phân cấp cho tỉnh thu; các doanh nghiệp ngoài địa bàn đăng ký nộp ngân sách cho các địa phương khác; thu thuế xuất nhập khẩu từ các cửa khẩu. Tuy nhiên, kéo theo đó là hàng loạt hệ luỵ từ hoạt động khoáng sản đã gây hậu quả nặng nề như nguồn nước dùng cho sinh hoạt và sản xuất dần bị cạn kiệt, nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân địa phương.

Nước thải từ xưởng chế biến đá tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nguyễn Công.

Hàng loạt xưởng chế biến đá trên địa bàn sử dụng bể lắng sơ sài, không đảm bảo quy chuẩn, mỗi khi mưa xuống chất thải sẽ tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Quỹ đất dành cấp cho hoạt động khoáng sản dẫn đến thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến lao động, việc làm và thu nhập của nhân dân. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh chóng, ô nhiễm bụi, tiếng ồn…

Nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản

Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản cần được điều chỉnh trên nguyên tắc phát triển bền vũng vì: khoáng sản là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được và tiềm năng khoáng sản ở nước ta có hạn; hoạt động khai thác khoáng và chế biến khoáng sản là một trong những hoạt động có tác hại rất lớn tới môi trường.

Trong hệ thống các quy định pháp lý về hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thì Luật khoáng sản có vai trò là nền tảng pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp giữa khai thác khoáng sản và các giải pháp bảo vệ môi trường. Luật khoáng sản 2010 có vai trò là nền tảng pháp lý bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.

Luật khoáng sản năm 2010 chỉ ra biện pháp bảo vệ môi trường là một chiến lược, chính sách của hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Điều này đã được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 3 Luật khoáng sản năm 2010: trong từng thời kỳ, Nhà nước có chiến lược, quy hoạch khoáng sản để phát triển bền vững kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh. Theo đó, Luật khoáng sản coi đánh giá tác động môi trường là một điều kiện để được thực hiện hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.

Theo Nguyễn Công

Link gốc: https://kinhtemoitruong.vn/nghe-an-nhung-ngon-nui-tan-hoang-o-vung-thu-phu-da-trang-quy-hop-79633.html