Nghệ An: Người dân bức xúc vì cơ sở sản xuất ván gỗ ép xả khói bức tử môi trường

Thời gian qua, nhiều người dân xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) rất bức xúc, lo lắng cho sức khỏe vì cơ sở sản xuất ván gỗ ép xả khói đen ra môi trường ngay cạnh trường học và khu dân cư.

0

Sống chung với khói của cơ sở sản xuất gỗ ép

Nhiều người dân, phụ huynh có con đang học tại trường THCS Liên Đồng và sinh sống tại xóm 6, xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vô cùng bức xúc và lo lắng cho sức khỏe của con em cũng như bản thân mình vì cơ sở sản xuất ván gỗ ép liên tục xả khói ra môi trường ngay giữa khu dân cư và cạnh trường học.

Nghệ An: Người dân bức xúc vì cơ sở sản xuất ván gỗ ép xả khói bức tử môi trường - Ảnh 1
Cơ sở sản xuất ván gỗ ép nằm trong khu dân cư và cạnh trường học khiến người dân bức xúc và lo lắng cho sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Công

Một số người dân cho biết, cơ sở ván gỗ ép đi vào hoạt động khoảng hai năm nay. Khi cơ sở này hoạt động thì có một lượng khói lớn đen kịt thải ra từ ống khói, có mùi dầu khét rất khó chịu. Vì lo lắng cho sức khỏe của con em và bản thân, nhiều phụ huynh cũng như giáo viên đang dạy tại trường THCS Liên Đồng đã phản ánh lên chính quyền địa phương từ năm 2023, nhưng đến nay sự việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mỗi khi xưởng đi vào sản xuất, gặp gió Bắc thì toàn bộ khói xả ra bay sang phía trường học, làm cho học sinh và giáo viên rất khó thở. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mọi người, nhất là các cháu học sinh đang tuổi lớn.

Trước đó, có người đã đưa lên mạng xã hội với dòng trạng thái “thầy trò không thở được!” cùng một số hình ảnh những đám khói đen như một đám mây từ cơ sở sản xuất ván gỗ ép bay sang phủ kín một góc sân trường.

Nghệ An: Người dân bức xúc vì cơ sở sản xuất ván gỗ ép xả khói bức tử môi trường - Ảnh 2
Luồng khói đen nghi ngút và có mùi khét khó chịu được xả ra môi trường. Ảnh: Nguyễn Công

Theo phản ánh của người dân, sáng ngày 1/4, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại cơ sở sản xuất ván gỗ ép để ghi nhận thực tế. Theo đó, cơ sở nằm cạnh QL 7B, giữa khu dân cư và đối diện trường THCS Liên Đồng. Cửa trước được đóng kín và không có biển bảng, phía trên mái tôn có 2 ống khói lớn, một ống đang xả ra khói đen nghi ngút và có mùi hôi, khét rất khó chịu.

Để rộng đường dư luận, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với thầy Đặng Văn Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Liên Đồng. Thầy Hiền cho biết: “Sự việc cơ sở sản xuất ván gỗ ép xả khói gây ra mùi khó chịu làm ảnh hưởng đến giáo viên và học sinh tôi đã nghe nhiều giáo viên phản ánh. Do có 2 điểm trường và tôi trực ở điểm trường xã Diễn Liên, không thường trực ở đó nên không nắm được cụ thể”.

Không đủ điều kiện, bất chấp đình chỉ

Trao đổi với Phóng viên, ông Trương Văn Hòa – Chủ tịch UBND xã Diễn Đồng cho biết: Cơ sở ván gỗ ép trên là của hộ anh Bùi Văn Thịnh, đã đi vào hoạt động được vài năm. Lúc bắt đầu ép thì khói nhiều, năm 2023, xã đã nhiều lần thành lập đoàn làm việc và đình chỉ tạm dừng và đề nghị Chi cục Bảo vệ môi trường về quan trắc kiểm tra thì kết quả cơ bản vượt ngưỡng không cao. Mặc dù đã có giấy phép hoạt động, xã yêu cầu phải có giấy phép môi trường, nếu không phải dừng và chuyển vị trí khác. Địa phương cũng đã đề nghị phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp để xử lý, chuyển ra khỏi khu dân cư và xa trường học để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân”.

Nghệ An: Người dân bức xúc vì cơ sở sản xuất ván gỗ ép xả khói bức tử môi trường - Ảnh 3
Một bức ảnh khói đen mù mịt phủ khắp sân trường THCS Liên Đồng được giáo viên chụp lại trước đó.

Trao đổi với ông Trương Văn Đức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diễn Châu, vị này khẳng định: Phòng đang chỉ đạo dừng và đã mời quan trắc môi trường về 2 lần nhưng không hiểu sao khi ra thì cơ sở lại không hoạt động nên không lấy được mẫu, xã đã cho đình chỉ”.

Khi được hỏi về giấy phép hoạt động của cơ sở này, ông Đức cho biết: Cơ sở này thuê đất và hoạt động tự phát, không có giấy phép hoạt động và cũng chưa bao giờ thấy trình một loại giấy tờ gì liên quan đến hoạt động này. Ngoài việc xả thải, cơ sở sản xuất ván gỗ ép này còn bị bắt buộc phải tháo dỡ một phần nhà xưởng vì xây dựng trái phép trên đất bao chiếm ở phía sau. Chúng tôi sẽ chỉ đạo xã đình chỉ ngay”.

Mặc dù không đủ điều kiện hoạt động về xả khí thải công nghiệp ra môi trường và đã bị chính quyền xã Diễn Đồng lập biên bản đình chỉ nhiều lần, nhưng cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động, xả khói ra môi trường, gây bức xúc cho người dân nơi đây trong một thời gian dài.

Nghệ An: Người dân bức xúc vì cơ sở sản xuất ván gỗ ép xả khói bức tử môi trường - Ảnh 4
Một phần cơ sở đã buộc phải tháo dỡ do xây dựng bao chiếm trái phép. Ảnh: Nguyễn Công

Việc xả thải khói công nghiệp trái phép gây ra ảnh hưởng lớn đến môi trường môi trường không khí…Không những thế, tình trạng trên còn gây mất mỹ quan đô thị, thôn xóm. Hành vi xả khí thải gây ô nhiễm còn là nguyên nhân gây nên nhiều mầm mống bệnh tật. Trong những năm qua, các bệnh viện nước ta đã phải tiếp nhận biết bao trường hợp bệnh nhân bị mắc các chứng bệnh về đường hô hấp do khí thải gây nên. Việc xả thải bừa bãi cần lên án và có chế tài xử phạt nghiêm minh.

Mong cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên để trả lại môi trường không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe và cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.

Cấm hành vi xả chất thải trái phép vào môi trường

Hành vi xả chất thải trái phép ra môi trường là hành động bị nghiêm cấm theo quy định của Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Điều này bao gồm việc vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn hoặc chất thải nguy hại không tuân theo quy trình kỹ thuật hoặc luật lệ về bảo vệ môi trường.

Hành vi xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý đạt chuẩn chất lượng cũng bị cấm. Cũng như thực hiện các dự án đầu tư hoặc xả thải mà chưa đáp ứng được các điều kiện quy định cho phép về bảo vệ môi trường.

Mức phạt hành chính cho hành vi xả thải trái phép ra môi trường được quy định theo Điều 4 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Theo đó: Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị: cảnh cáo hoặc phạt tiền tới 1.000.000.000 VNĐ đối với cá nhân và tổ chức là tới 2.000.000.000 VNĐ.

Các hình phạt bổ sung ngoài phạt tiền như sau:

Tước quyền sử dụng giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy phép xả thải khí thải công nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định.

Tịch thu các vật phẩm, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tạm ngừng các hoạt động liên quan đến xử lý chất thải của doanh nghiệp. Sau khi thời hạn xử lý kết thúc, các hoạt động không liên quan vẫn được phép tiếp tục. Đồng thời, doanh nghiệp vi phạm còn có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Ví dụ: buộc phục hồi môi trường đã bị ô nhiễm hoặc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm và báo cáo kết quả khắc phục theo quy định.

Tác giả: Nguyễn Công

Nguồn: kinhtemoitruong.vn