Nghệ An: Lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở

Ngày 22/9, tại thành phố Vinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 84 điều quy định về điều kiện, thủ tục hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Qua các lần góp ý sửa đổi trước đó đã thống nhất tiếp thu, giải trình, chỉnh lý được một số vấn đề như mối quan hệ với Luật Đất đai và các luật khác có liên quan, điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; về điều tiết thị trường bất động sản… Tuy vậy, qua thẩm tra của Ủy ban Kinh tế – Quốc hội vẫn còn một số vấn đề cần được góp ý, làm rõ hơn…

Tương tự, Luật Nhà ở sửa đổi gồm 13 chương, 196 điều. Trải qua các lần góp ý, Luật Nhà ở đã dần được chỉnh lý, hoàn thiện hơn về kết cấu. Tuy vậy, qua thảo luận ở kỳ họp gần nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy còn một số vấn đề mới và phức tạp, chưa được kiểm chứng và thể hiện rõ trong Luật Nhà ở, điển hình là loại hình chung cư mini nên cần được tiếp tục góp ý bổ sung.

Tại Hội nghị lấy ý kiến, đại diện các Sở, ngành đã lần lượt góp ý bổ sung vào các Luật. Theo đó, Sở Xây dựng Nghệ An đề nghị làm rõ trường hợp bán, cho thuê nhà nếu nhằm mục đích kinh doanh thì phải quản lý và chịu thuế; tương tự, nếu xây nhà bán và cho thuê nhằm mục đích kinh doanh thì mới phải qua sàn; phải có quy định về điều kiện để phân biệt đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai là theo Luật Dân sự hay Luật Kinh doanh bất động sản để quản lý, giám sát.

Bên cạnh đó, phải làm rõ cơ sở tính giá bán, giá thuê mua; đề nghị xây dựng hành lang pháp lý để các dự án bất động sản, nhà ở được chuyển nhượng khi đủ điều kiện để cơ quan có thẩm quyền giám sát; nên làm rõ trường hợp quy định khác nhau giữa Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, trường hợp nào chủ đầu tư chuyển nhượng, cho thuê nhà ở thì phải công chứng và không cần công chứng…

Các ý kiến cũng đồng tình với phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại dự thảo lần này là không đưa Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, vì xuất phát từ thực tiễn dự án nhà ở xã hội mà Liên đoàn Lao động triển khai tại xã Nghi Kim (thành phố Vinh) gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có nguồn đầu tư; đồng thời kiến nghị nên bỏ quy định tất cả các giao dịch bất động sản phải qua sàn…

Tiếp đó, đại diện Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam thông qua đánh giá mô hình ký túc xá, khu nhà lưu trú cho chuyên gia, người lao động của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đề nghị bổ sung khái niệm khu lưu trú cho công nhân để có cơ chế, bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội cho công nhân được thuận lợi hơn.

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Thái Thị An Chung – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đánh giá cao ý nghĩa thiết thực và tinh thần trách nhiệm của đại diện các sở, ngành, các chuyên gia và hội chuyên môn khi đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo Luật này, sẽ tiếp thu 11 ý kiến góp ý để chọn lọc, tổng hợp trình Ban soạn thảo và góp ý tại Quốc hội nhằm hoàn thiện Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trong thời gian tới.

Tác giả: Quang Hợp

Nguồn: baoxaydung.com.vn