Nghệ An: Kiểm tra, xử lý trại lợn không phép xả thải sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường

Sau khi Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường có bài “Người dân khốn khổ vì trại lợn không phép ở thượng nguồn”, Sở Tài Nguyên và Môi trường Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo gửi huyện Yên Thành kiểm tra, xử lý vấn đề báo chí nêu.

Sở chỉ đạo kiểm tra, xử lý

Theo đó, ngày 18/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nghệ An có văn bản số 5662 gửi UBND huyện Yên Thành về việc xác minh phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Hình ảnh phóng viên ghi lại được trại lợn Lợi Loan xả thải dòng nước đen ngòm ra đập Thung Bầu vào ngày 11/8 và ngày 14/8. Ảnh: Nguyễn Công.

Cụ thể, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường ngày 17/8/2023 đăng bài: “Nghệ An: Người dân khốn khổ vì trại lợn không phép ở thượng nguồn”, phản ánh thời gian qua, người dân sinh sống gần đập Thung Bầu, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành khốn khổ bởi mùi hôi thối bốc lên, nguồn nước đập bị đổi màu đen, nhiễm bẩn do trang trại lợn Lợi Loan xả thải từ thượng nguồn ra con đập.

Sau khi nghiên cứu các nội dung phản ánh, Sở TN&MT có ý kiến như sau: Căn cứ khoản 02 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì các nội dung phản ánh trên thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện. Vậy, Sở TN&MT đề nghị UBND huyện Yên Thành chi đạo các phòng, ban có liên quan xác minh giải quyết nội dung phản ánh trên địa bàn để trả lời Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường và công dân theo đúng quy định đồng thời gửi về Sở TN&MT để theo dõi, tổng hợp trước ngày 18/9/2023.

Văn bản Sở TN&MT Nghệ An chỉ đạo huyện Yên Thành xác minh, xử lý vấn đề báo chí nêu. Ảnh: Nguyễn Công.

Cần xử lý nghiêm

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Thái Hữu An – Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Yên Thành cho biết: “Sau khi có văn bản chỉ đạo, Phòng TN&MT huyện Yên Thành đã có văn bản số 2399 về việc kiểm tra nội dung báo chí phản ánh, giao cho UBND xã Mỹ Thành kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh trại lợn Lợi Loan xả thải xuống thượng nguồn đập Thung Bầu, gây ô nhiễm môi trường tại xóm Tân Mỹ, xã Mỹ Thành trong thời gian qua”.

Hệ thống xử lý nước thải sơ sài, được ngăn bởi bờ đất và nước thải chảy trực tiếp xuống đập Thung Bầu. Ảnh Nguyễn Công.

Ngày 22/8, UBND xã Mỹ Thành có văn bản số: 33 BC-UBND báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường tại trang trại Thung Bầu, xóm Tân Mỹ, xã Mỹ Thành gửi UBND huyện Yên Thành, Phòng TN&MT.

Theo đó, hệ thống chuồng trại bao gồm khuôn viên, diện tích không thay đổi so với đợt kiểm tra trước. Về số lượng tổng đàn: Lợn nái sinh sản 101 con; lợn hậu bị 11 con, lợn con theo mẹ 200 con, lợn thịt 300 con. Công tác xử lý môi trường: Qua kiểm tra hệ thống xử lý chất thải, nước thải vẫn hoạt động bình thường (hầm bioga đầy hơi, hệ thống vẫn đang đảm bảo). Tuy nhiên dãy chuồng lợn nái phía Tây có độ dốc và khối lượng xả thải lớn nên có hiện tượng chất thải, nước thải tràn trực tiếp ra ngoài trong lúc mặt nước đập Thung Bầu cạn nên gây mùi hôi, thối ô nhiễm môi trường.

Sau khi kiểm tra, UBND xã đã lập biên bản và ra Quyết định số: 178/QĐ-XPHC, ngày 22/8 2023 về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Số tiền xử phạt 3 triệu đồng. Giao cho chủ trang trại trong thời gian 03 ngày kể từ ngày làm việc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường theo quy định.

UBND xã Mỹ Thành báo cáo nội dung Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường phản ánh trại lợn xả thải ra thượng nguồn đập Thung Bầu. Ảnh: Nguyễn Công.

Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Thành, trại lợn Lợi Loan xả thải gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn đập Thung Bầu chỉ mới kết luận được dãy chuồng lợn nái hơn 100 con, nằm ở phía Tây có độ dốc và khối lượng xả thải lớn nên có hiện tượng chất thải, nước thải tràn trực tiếp ra ngoài trong lúc mặt nước đập Thung Bầu cạn nên gây mùi hôi thối làm ô nhiễm môi trường. Nếu đập Thung Bầu nước lớn thì trại lợn này có thể vô tư xả thải ra môi trường mà không mà không bị ô nhiễm chăng?

Ngoài ra, trong báo cáo không có thông tin về hồ sơ, thủ tục pháp lý như: Giấy phép hoạt động về lĩnh vực chăn nuôi lợn; Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Giấy phép môi trường; diện tích hệ thống chuồng trại xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là bao nhiêu? Năm 2018 bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Thái Văn Lợi, đến nay đã tháo dỡ chưa?

 

Video trại lợn Lợi Loan xả thải ra môi trường và toàn cảnh hệ thống chuồng trại. Video: Nguyễn Công.

Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải bài viết: “Nghệ An: Người dân khốn khổ vì trại lợn không phép ở thượng nguồn”. Bài viết phản ánh thời gian qua, người dân sinh sống gần đập Thung Bầu, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) khốn khổ bởi mùi hôi thối bốc lên, nguồn nước đập bị đổi màu đen, nhiễm bẩn do trang trại lợn Lợi Loan xả thải từ thượng nguồn ra con đập.

Trang trại lợn Lợi Loan nằm ở thượng nguồn con đập Thung Bầu thuộc xóm Tân Mỹ, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Theo quan sát, hệ thống chuồng có 5 dãy nhà dài, rộng hàng nghìn mét vuông với quy mô nuôi khoảng hàng nghìn con lợn.

Toàn cảnh trại lợn Loan Lợi và đường nước thải chảy xuống đập Thung Bầu gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc. Ảnh: Nguyễn Công.

Khu xử lý nước thải có nhiều ô được ngăn bởi bờ đất sơ sài, không đảm bảo các tiêu chí về môi trường, trong đó chỉ có một ô được phủ bạt bioga, các ô còn lại có màu đen kịt, bốc lên mùi hôi thối. Ở cuối hệ thống nước thải có hai rãnh nước màu đen ngòm chảy thẳng xuống đập Thung Bầu, làm cho màu nước từ trong xanh ngã sang màu đen. Ngoài ra, phân lợn còn được đóng vào bao tải chất đống để phía trên bờ đập, nếu mưa xuống tất cả nước phân đó sẽ trôi vào lòng đập Thung Bầu.

Được biết, trại lợn Lợi Loan hoạt động không phép từ nhiều năm nay, người dân xóm Tân Mỹ đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng vẫn không bị kiểm tra, xử lý.

Nước thải chăn nuôi có gây ô nhiễm không?

Nước thải chăn nuôi có độ ô nhiễm rất cao với hàm lượng lớn các chất hữu cơ. Đặc biệt có chứa một lượng lớn các vi sinh vật gây bệnh: Coliform, Feacal Coliform, vi khuẩn tả (vibro), vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lị (Shigella). Đây chính là nguồn gây bệnh đặc biệt nguy hiểm đến sức khoẻ cộng đồng.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Tác giả: Nguyễn Công

Nguồn: kinhtemoitruong.vn