Nghệ An: Khắc phục hậu quả do mưa đá ở các huyện miền núi
Sau trận mưa đá xảy ra chiều 1/5 trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An), chính quyền địa phương đã huy động lực lượng theo phương châm bốn tại chỗ, giúp người dân sửa chữa nhà.
Theo đó, đến ngày 2/5, việc khắc phục, sửa chữa nhà được lực lượng chức năng và người dân địa phương tại khu vực xảy ra mưa đá hoàn tất, giúp các hộ bị thiệt hại trở lại nhịp sống bình thường, yên tâm lao động sản xuất. Chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đang thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể, trước đó, khoảng hơn 16 giờ ngày 1/5, tại các xã Yên Thắng, Yên Hòa (huyện Tương Dương) đã xảy ra dông lốc và mưa đá. Trận mưa đá kéo dài hơn 30 phút với sự xuất hiện những viên đá có độ lớn như quả trứng gà. Sau trận mưa, có chỗ đá phủ dày từ 2 – 3cm. Theo thống kê ban đầu, có hơn 200 ngôi nhà của người dân tại 7 bản trên địa bàn huyện Tương Dương bị hỏng ngói, thủng mái tôn. Một số cây cối và nhiều diện tích hoa màu, cây trồng của người dân bị gãy đổ.
Trong chiều 1/5, nhiều xã trên địa bàn các huyện miền núi của Nghệ An như Kỳ Sơn, Anh Sơn, Đô Lương xảy ra mưa lớn. Trong nhiều ngày qua, tại Nghệ An, nắng nóng kéo dài, nền nhiệt phổ biến 35-38 độ C, nhiều nơi hơn 40 độ C, cá biệt như địa bàn huyện Tương Dương, nền nhiệt đỉnh điểm lên hơn 42 độ C. Trận mưa này giúp các địa phương “hạ nhiệt” sau chuỗi ngày dài nắng nóng cực đoan xảy ra trên địa bàn.
Theo cơ quan chuyên môn, từ tháng 3 đến tháng 5, mưa đá thường xuất hiện tại Nghệ An do giao mùa từ lạnh sang nóng. Địa bàn miền núi Nghệ An như các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Qùy Châu, Qùy Hợp… có địa hình núi cao, rừng đan xen là điều kiện lý tưởng cho đối lưu phát triển mạnh, gây ra dông lốc, mưa đá.
Trong gần một tháng qua, tại các huyện miền núi Nghệ An xảy ra một số đợt mưa đá và lốc xoáy làm hàng trăm nhà dân bị hư hỏng. Đơn cử, từ ngày 13-15/4, lốc xoáy kèm mưa đá kéo dài hơn 20 phút xảy ra tại các xã Bảo Thắng, Bảo Nam, Huồi Tụ, Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn) khiến hơn 440 ngôi nhà hư hỏng, tốc mái; 115 ha lúa, hơn 940 ha ngô, hoa màu và 880 ha rừng bị thiệt hại.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và rủi ro xuống mức thấp nhất trước tình hình diễn biến cực đoan của thời tiết, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An có công văn gửi các huyện, thành phố, thị xã và cơ quan, đơn vị liên quan về việc ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh; trong đó có yêu cầu sẵn sàng lực lượng tại chỗ kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Tác giả: Nguyễn Công
Nguồn: Kinhtemoitruong.vn