Nghệ An: Dự kiến đến 2030 có thêm khoảng 22.500 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp
Sáng 11/5, tại Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối các cơ quan tỉnh năm 2023, vấn đề nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm đề xuất.
Tại hội nghị, làm rõ ý kiến đại biểu quan tâm, ông Nguyễn Trường Giang – Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Hiện nay, Chính phủ đã có một số chính sách ưu đãi cụ thể về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Cụ thể được miễn tiền thuế sử dụng đất, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và chính sách ưu đãi về vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, chính sách thuế thu nhập VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được điều chỉnh theo Luật Nhà ở. Vay vốn ưu đãi các dự án nhà ở chưa được triển khai đồng bộ.
Thực hiện Luật Nhà ở, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 về một số chính sách hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo các quy định, việc hỗ trợ được thực hiện qua 3 cơ chế, cụ thể: Cơ chế ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội nhằm giảm giá bán, cho thuê nhà; tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê nhà ở xã hội; cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp vay vốn ưu đãi để sửa chữa, cải tạo nhà ở.
Theo đó, cơ chế ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội nhằm giảm giá bán đó là: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát địa hình, địa chất và lập quy hoạch chi tiết xây dựng dự án trên cơ sở giá trị dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng theo đơn giá bồi thường của Nhà nước sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% khối lượng san lấp mặt bằng, trên cơ sở thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án. Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư 80% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện chiếu sáng công cộng, sân bãi, đường nội bộ, cây xanh) trong phạm vi dự án nhà ở xã hội, trên cơ sở thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án. Ngân sách tỉnh đầu tư đường giao thông, hệ thống thoát nước đến hàng rào dự án.
Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cũng cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 dự án nhà ở xã hội dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thu nhập thấp với 836 căn hộ.
Thời gian tới, có 8 dự án đã được lựa chọn nhà đầu tư, trong đó, có 4 dự án nhà ở trong Khu Kinh tế Đông Nam và 4 dự án nhà đầu tư dành quỹ đất 20% làm nhà thương mại.
Sở Xây dựng đang tham mưu cho tỉnh đưa vào quy hoạch 24 dự án. Dự kiến đến năm 2030 có khoảng hơn 22.500 căn hộ. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 93.000 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Dự kiến đến năm 2030 có khoảng 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, trong đó, cho cán bộ, công chức, viên chức 293.000 căn hộ.
“Thời gian qua, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội mặc dù HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách, tuy nhiên, mức độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội chưa được nhiều. Nguyên nhân do mức hỗ trợ thấp, chưa hấp dẫn. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, một số bất cập sẽ được điều chỉnh.
Thời gian tới, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An để phù hợp với thực tiễn hơn”, Giám đốc Sở Xây dựng chia sẻ thêm.
Theo Quang Hợp
Link gốc: https://baoxaydung.com.vn/nghe-an-du-kien-den-2030-co-them-khoang-22500-can-ho-nha-o-xa-hoi-nha-o-cho-nguoi-thu-nhap-thap-353960.html