Nghệ An: Dự án cao tốc Bắc – Nam vẫn vướng GPMB và quyền khai thác mỏ đất

Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam đi qua 37 xã, thị trấn của tỉnh Nghệ An với tổng chiều dài 88,3km. Dự án đã được khởi công từ tháng 5/2021 và đến nay các nhà thầu đang triển khai những hạng mục đầu tiên. Tuy nhiên, những vướng mắc về mặt bằng và thủ tục cấp quyền khai thác mỏ đất phục vụ dự án đang là nỗi lo hàng ngày của các nhà thầu.

Dự án đã khởi công, nhưng khâu GPMB vẫn còn vướng ở một số điểm
Dự án đã khởi công, nhưng khâu GPMB vẫn còn vướng ở một số điểm 

 

Dự án đi qua Thanh Hóa và “đặt chân” đến Nghệ An tại xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai), xuyên qua huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc và kết thúc tại mép sông Lam thuộc xã Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên).
Nhiều nhà thầu lớn như Công ty CP Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex, Công ty CP Tổng Công ty xây dựng miền Trung, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4, Công ty CP Xây dựng Tân Nam, Công ty TNHH Hòa Hiệp… đã triền khai rầm rộ các hạng mục dự án. Trên công trường, xe, máy công trình, nhân lực đã được các nhà thầu huy động từ sau khi khởi công dự án.
Qua quan sát của phóng viên Tạp chí Người Xây dựng cho thấy, các nhà thầu đang vào cuộc rất quyết liệt với những phần việc đầu tiên của dự án. Nhiều gói thầu, nhà thầu đã tranh thủ tối đã mặt bằng để triển khai công việc. Ban Quản lý dự án 6- Bộ Giao thông vận tải thường xuyên cử cán bộ đến hiện trường, làm việc với các huyện có dự án cao tốc đi qua để phối hợp thực hiện.
Các nhà thầu lớn đã triển khai nhưng do vướng mặt bằng nên nhiều đoạn vẫn phải chờ

 

Thị xã Hoàng Mai và Huyện Quỳnh Lưu là 2 địa phương được đánh giá là địa bàn có khối lượng mặt bằng bàn giao cho nhà thầu lớn nhất (ước đạt 95%). Huyện Diễn Châu hiện còn 18 hộ dân thuộc xã Diễn Đoài chưa “chốt” được tiền đền bù, hỗ trợ GPMT mặc dù cán bộ được giao nhiệm vụ UBND huyện này đã rất nhiều lần họp với dân, tuyên truyền, gải thích rất rõ các quy định của Chính phủ, của tỉnh Nghệ An về quyền lợi. Tuy nhiên, việc kiểm đếm, kê khai tài sản trên đất vẫn còn những sai sót không đáng có.

Gói thầu của Công ty CP Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex đang được thi công

 

Ông Lê Văn Hoàng, xóm 3 xã Diễn Đoài là hộ dân thuộc diện phải di dời toàn bộ gia đình đi nơi khác, trần tình: “Gia đình tui có 12 nhân khẩu, trong đó có 7 nhân khẩu trên 18 tuổi đều có nhu cầu về đất ở, nhưng đến nay chưa thấy đất tái định cư ở đâu. Hơn 1 mẫu đất nông nghiệp của gia đình tui kèm công trình trên đất là trang trại, chỉ được định giá đền bù, hỗ trợ chưa đến 1 tỷ đồng, ra đi thì gia đình tui biết ở mô khi không có chỗ ở nào khác”.
Ông Nguyễn Đăng Thu, cũng là hộ dân nằm trong khuôn viên dự án cao tốc phải di dời. Ông Thu cho biết, hiện nay gia đình mới được bốc thăm 200m2 đất tái định cư, còn tiền đền bù đất ở và đất vườn vẫn chưa được thông báo về giá đền bù”.
Huyện Yên Thành chỉ có duy nhất xã Đô Thành có dự án đi qua với chiều dài 3,9km. Tuy nhiên, tại địa bàn này hiện có 8 hộ dân đang có những khúc mắc về quyền lợi khi phải di dời nơi ở mới. Theo ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, từ năm 2019, huyện Yên Thành đã có 4 kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An về hướng tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ hết. Những hộ dân ở đây hồi trước được UBND xã Đô Thành ký quyết định giao đất trái thẩm quyền và họ đã làm nhà ở kiên cốtrên đất được giao. Theo ông Hà, quyền lợi chính đáng của họ cần được xem xét, giải quyết. Phòng Giá của Sở Tài chính Nghệ An vẫn “cò kè bớt một thêm hai” đối với quyền lợi của người dân nên làm chậm tiến độ.
Một số nhà thầu sốt ruột vì vướng mặt bằng và nguồn vật liệu là đất để đổ nền đường

 

Khó khăn chung về khâu GPMB ở địa bàn Nghệ An, theo thông tin phóng viên Người Xây dựng ghi nhận được là quyền  lợi đất tái định cư của người dân thuộc diện phải di dời để nhường nhà ở, đất ở cho dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An và Sở Tài chính Nghệ An là 2 đơn vị “được” các huyện phàn nàn nhiều nhất về tinh thần, trách nhiệm trong việc tham mưu để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai và giá đền bù, hồ trợ, đất và giá đất tái định cư.
Về nguồn vật liệu là đất đắp nền đường, nhiều nhà thầu lo ngại về thủ tục cấp mỏ đất cho dự án. Chia sẻ với lo ngại này, nhiều nhà thầu cho biết, thủ tục cấp mỏ đất mà các “chủ mỏ” cho biết, hiện đang bị “kéo dài không rõ nguyên nhân” khi hồ sơ, thủ tục của các doanh nghiệp này đã đầy đủ và đã nộp cho Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An từ rất lâu. Tuy nhiên, đại diện các nhà thầu và doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ xin dấu tên vì ngại bị “gây khó dễ” khi dám nói lên sự thật với báo chí.
Văn phòng điều hành của một nhà thầu trên tuyến cao tốc Bắc – Nam

 

Trên công trường, hàng ngày các nhà thầu phải mất thời gian khi phải tiếp đón những phóng viên đến “soi” về những hiện tượng như: ách tắc giao thông, xe chở đất vương vãi ra đường khi chưa kịp thu dọn… Một số phóng viên đăng tải thông tin không đúng, không chính xác, gây phiền hà cho các nhà thầu.
Được biết, ngày 11/12/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thanh sẽ về kiểm tra tiến độ triển khai dự án tại địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhiều nhà thầu mong rằng, những vướng mắc về GPMB, thủ tục cấp mỏ đất như Tạp chí Người Xây dựng phản ánh, sẽ được tỉnh Nghệ An chỉ đạo quyết liệt hơn và sớm giải quyết dứt điểm.
                                                                        Theo Đinh Viết Thành – Trần Khánh Sơn (NXD)
Link gốc: https://nguoixaydung.com.vn/xay-dung/nghe-an-du-an-cao-toc-bac–nam-van-vuong-gpmb-va-quyen-khai-thac-mo-dat-132772.html