Nghệ An: Doanh nghiệp “lâm bệnh”, làn sóng thất nghiệp gia tăng

Việc nhiều doanh nghiệp đóng chân trong và ngoài địa bàn Nghệ An rơi vào trạng thái khủng hoảng đã khiến cho hàng chục nghìn lao động ở địa phương này bị mất việc làm trong năm vừa qua…

0

Chung quy lại, cần phải nói rằng biến động kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Cũng chính từ điều này đã đẩy hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn rơi vào tình cảnh khó khăn, bi đát khi phải chọn phương án giải thể, tạm ngừng hoạt động hoặc có chăng nữa là thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công, lao động để duy trì sống sót.

“Khủng hoảng” thất nghiệp

Trong thông báo mới đây nhất của Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, năm 2023, toàn tỉnh có 23.149 người lao động nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 12,68% so với năm 2022. Đáng chú ý, trong số đó có gần 11.000 lao động làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng 37,9%.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất đó chính là nhóm lao động trong độ tuổi từ 25 – 40 tuổi khi chiếm tỷ lệ lớn, với gần 6.000 lao động nam và hơn 9.800 lao động nữ. Tiếp đó là nhóm lao động trên 40 tuổi với 2.421 lao động nữ, 1.856 lao động nam; còn số lao động dưới 24 tuổi bị mất việc làm thì chiếm tỷ lệ thấp với 741 lao động nam và 1.749 lao động nữ.

Theo thống kê, đa phần lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp là lao động phổ thông, làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử…

Điều này cũng dễ dàng lý giải được bởi nhiều doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề của sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu; nhất là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu.

Năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An có 23.149 người lao động nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, tăng hơn 12,68% so với năm 2022

Thật vậy, lý do mất việc của người lao động được ghi trong các báo cáo của doanh nghiệp đa phần là “không có đơn hàng”, “cắt giảm đơn hàng”, “công ty cơ cấu lại tổ chức, thu hẹp bộ máy do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn”, “công ty giải thể, hoạt động kinh doanh thua lỗ”…

Đơn cử như ngành dệt may, giai đoạn đầu năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này thường xuyên phải “đau đầu” nghĩ cách duy trì khi đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường tiêu dùng nước ngoài suy giảm nguồn cầu.

Cụ thể, qua báo cáo thống kê cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may đều báo lãi tăng trưởng âm so với năm 2022; các đơn hàng xuất khẩu giảm sút từ 25 – 30%. Và dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trên địa bàn Nghệ An trong năm nay chỉ ước đạt khoảng 430 triệu USD, giảm 6,07%.

Năm 2023, toàn tỉnh có 1.468 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm ngoái; 251 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 41,81%; 402 doanh nghiệp thông báo giải thể, gấp 2,7 lần so với năm 2022.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp vốn FDI hoạt động trên lĩnh vực khác cũng phải bó hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm hàng loạt nhân công lao động nhằm vượt qua nghịch cảnh éo lẽ trên. Có thể nói ra một số ví dụ điển hình như: Công ty CP May Minh Anh Nghệ An từng có 3 nhà máy sản xuất với gần 20.000 lao động, vậy nhưng trong năm qua, doanh nghiệp này đã cắt giảm hơn 5.000 người; Công ty TNHH Sangwoo thì tình hình cũng tương tự khi cũng cắt giảm hơn 300 nhân sự…

Cơ chế nào hỗ trợ người lao động?

Qua thu thập thông tin được biết, trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An đã phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội giải quyết thủ tục trợ cấp thất nghiệp 22.499 người với hơn 403 tỷ đồng.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động là gần 3,3 triệu đồng/tháng; số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân 5,15 tháng. Có 25 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp ở mức tối đa. Đáng chú ý, có hơn 81.970 lượt lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó có 1.401 người đã được giới thiệu việc làm.

Tuy nhiên, bên cạnh những lao động lâm vào cảnh thất nghiệp nói trên, Nghệ An vẫn có hàng chục nghìn lao động dù vẫn giữ được việc làm nhưng thu nhập sụt giảm đáng kể.

Theo đó, qua con số thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, chỉ trong những tháng đầu năm 2023, đã có đến 32 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, chủ yếu lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử,… với 6.237 lao động bị giảm giờ làm, 2.307 lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Không những vậy, 1 số doanh nghiệp FDI trên địa bàn có thời điểm còn phải bố trí cho người lao động ở nhiều bộ phận nghỉ không hưởng lương… đã cho thấy thực cảnh đáng buồn của sự suy thoái kinh tế toàn cầu lúc bấy giờ.

Sự việc hơn 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đình công diễn ra vào đầu tháng 10/2023 vừa qua đã cho thấy sự khó khăn của doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất nhập khẩu

Một minh chứng điển hình là vụ việc xảy ra hồi trung tuần tháng 11 vừa qua khi gần 100 công nhân của Công ty CP May Halotexco đã tự ý ngừng việc tập thể để yêu cầu tăng chế độ, thu nhập. Hay như trước đó là hơn 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory ở huyện Diễn Châu đã tự ý ngừng làm việc, đồng loạt ra về nhằm đòi quyền lợi, yêu cầu phải tăng lương cơ bản và xem xét lại mức khoán sản phẩm.

Nguyên nhân chính dẫn đến những cớ sự nói trên, đó là bởi giai đoạn đó, doanh thu của công ty không đảm bảo vì không có đơn hàng, bị phạt nhiều trong khi đó giá gia công lại giảm mạnh. Tình trạng này đã khiến cho đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nên ảnh hưởng phần nào đến quyền lợi của người lao động.

Được biết, đối với tình cảnh khó khăn của người lao động, cách “xử lý” của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay là chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp quan tâm đến phúc lợi và thực hiện đúng các chính sách như đã cam kết với người lao động.

Bên cạnh đó là thường xuyên quan tâm đối thoại với người lao động để cả bày tỏ nguyện vọng cũng như lắng nghe, giải đáp và tìm thấy tiếng nói chung trong mối quan hệ lao động. Khi những kiến nghị của người lao động được giải quyết thỏa đáng, chắc chắn họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Mặt khác, các cấp chính quyền tỉnh cũng xác định rõ doanh nghiệp chính là “nguồn sống” của người lao động, do vậy, mới đây, địa phương này cũng đã đề ra nhiều cơ chế chính sách cùng những giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ, đưa các doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi và phát triển như: Miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn vay tín dụng, tăng cường xúc tiến đầu tư tìm thị trường xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng…

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn