Nghệ An: Doanh nghiệp “chạy đua” tuyển dụng, lao động vẫn “khát” việc?
Hiện, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đang "chạy đua" tuyển dụng lao động với nhiều chế độ hấp dẫn. Tuy nhiên, hàng nghìn lao động ở địa phương vẫn "khát" việc làm.
Cần việc nhưng lương thấp
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, năm 2022, đơn vị đã giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với 20.897 người, tăng 53,1% so với năm 2021, trong đó có 12.633 lao động chuyển từ địa phương khác về hưởng, chiếm 60,5%. Riêng thời điểm quý IV/2022, có 6.090 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 30%, tăng 17% so với cùng kỳ.
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có gần 60.500 lao động từ các tỉnh, thành về quê ăn Tết Quý Mão 2023. Trong đó số lao động về từ các tỉnh phía Nam là hơn 31.500 và các tỉnh thành khác là gần 29.000 người. Trong hơn 60.000 lao động này có gần 2.300 lao động bị mất việc làm. Nhiều lao động vẫn mong muốn được làm việc trên quê hương của mình.
Chị Phan Thị Thương (SN 1994), trú tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, hai năm về trước do thu nhập bấp bênh nên chị bàn với chồng vào tỉnh Bình Dương để làm công nhân. Chị để lại đứa con nhỏ cho chồng và ông bà nội ngoại chăm sóc vào Bình Dương để làm công nhân. Thu nhập trung bình mỗi tháng của chị Thương cũng đạt 12- 15 triệu đồng. Ngoài tiền sinh hoạt, người phụ nữ này còn dư một số tiền lớn gửi về cho chồng nuôi con. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát số giờ làm bị cắt giảm xuống còn 3- 4 tiếng/ngày, thu nhập của chị cũng giảm xuống còn 5-6 triệu đồng.
“Số tiền lương bị giảm không đủ cho chi phí sinh hoạt hàng tháng nên tháng 4/2022 tôi xin nghỉ việc về quê. Về nhà tôi cũng có tham khảo một số công ty may trên địa bàn huyện Thanh Chương nhưng công việc đó tôi không có tay nghề, hơn thế nữa mức lương quá thấp. Tôi đang có dự định nộp hồ sơ xin vào công ty sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Vsip ở huyện Hưng Nguyên. Biết là lương thấp hơn nhưng được cái gần nhà, khéo chi tiêu chắc cũng đủ”, chị Thương chia sẻ.
Sau 4 năm làm việc ở tỉnh Đồng Nai, anh Nguyễn Văn Cường, 34 tuổi, quê huyện Nam Đàn cũng muốn làm việc ở nhà vì bố mẹ cũng đã tuổi cao sức yếu. “Năm nào gia đình 4 người chúng tôi cũng cố gắng thu xếp về ăn Tết với bố mẹ. Năm nay sức khoẻ bố mẹ yếu tôi cũng không muốn đi xa. Tuy nhiên, theo thăm dò thì mức lương các công ty trên địa bàn Nghệ An quá thấp nên tôi sợ không đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình. Tôi mong muốn có một công việc phù hợp ở quê để phụng dưỡng bố mẹ già”, anh Cường cho biết.
Vào tháng 1/2023, UBND tỉnh Nghệ An có công điện gửi các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Trong đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung – cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, bảo đảm cung ứng lao động, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm người lao động mất việc làm hoặc có việc làm không ổn định trở về từ các tỉnh phía Nam, phía Bắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, được tiếp cận tìm kiếm việc làm tại địa phương và xuất khẩu lao động.
Hiện, tỉnh Nghệ An có 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, hàng năm 45-50.000 nhân lực trẻ được bổ sung. Vì vậy có thể nói nguồn lao động ở Nghệ An rất dồi dào. Tuy nhiên, trên thực tế này tỷ lệ lao động này đi làm việc ở ngoại tỉnh hay ra nước ngoài chiếm tỉ lệ lớn.
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có sự điều chỉnh về mức lương tối thiểu vùng nhưng thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, trong năm 2022, bình quân thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng. Con số này thấp hơn khá nhiều so với mức tiền lương chung của người lao động cả nước 8,2 triệu đồng/người/tháng, hay tiền lương của người lao động tại Bình Dương (8,3 triệu đồng), Bắc Ninh (8,57 triệu đồng). Trong khi đó chi phí sinh hoạt, ăn ở tại Nghệ An không hề thua kém các đô thị lớn.
Nhu cầu tuyển dụng lao động cao
Theo ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Việc làm tỉnh Nghệ An, nhiều đơn vị và chuyên gia dự báo đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn biến động, tác động đến các doanh nghiệp trong nước cũng như thị trường lao động tỉnh Nghệ An. Giám đốc Trung tâm Việc làm tỉnh dự báo số lượng lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm có thể tăng trong đầu năm 2023.
Theo kế hoạch, năm 2023, ngành lao động Nghệ An phấn đấu giải quyết việc làm cho 43.000 lao động và trung bình số đơn vị tuyển dụng trên địa bàn đăng ký qua Trung tâm Dịch vụ việc làm hàng năm khoảng cần 50.000 lao động.
Để giải quyết vấn đề về tuyển dụng lao động, thời gian qua Trung tâm Việc làm tỉnh Nghệ An đã tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm lưu động, tổ chức các ngày hội, chương trình kết nối việc làm cấp huyện tại các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu và Tân Kỳ và tổ chức hơn 50 phiên giao dịch việc làm online để kết nối với những người lao động ở xa.
Đặc biệt, với tình trạng một số lao động bị mất việc, Trung tâm đã phối hợp với Khu Kinh tế Đông Nam giới thiệu người lao động thất nghiệp tham gia ngày hội tuyển dụng của VSIP Nghệ An. Tổ chức phiên giao dịch việc làm và tư vấn đào tạo nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 250 lao động trên địa bàn huyện Thanh Chương bị mất việc làm do Công ty CP Tập đoàn quốc tế ABC giải thể.
Có 12 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, đề xuất 3.000 vị trí việc làm, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông, công nhân may mặc. Tuy nhiên, chỉ có 340 người thất nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm này và không phải lao động nào cũng thực sự muốn tìm kiếm cơ hội việc làm.
Theo số liệu thu thập, nhu cầu tuyển dụng trong quý I năm 2023 của gần 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là hơn 60.000 vị trí việc làm trống, tập trung vào các lĩnh vực lắp ráp điện tử, gia công, chế tạo máy móc, may mặc.
“Việc tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An sau Tết và cả năm 2023, cầu lớn hơn cung, có sự phân khúc, vị trí việc làm trong khu công nghiệp – đô thị ngày càng lớn, lao động kinh tế – kỹ thuật được tuyển dụng nhiều hơn… Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ người lao động có quyết tâm ở lại địa phương làm việc và có năng lực thích ứng công việc hay không.
Có một vấn đề hết sức quan trọng, đó là năng lực, mức độ thích ứng công việc của người lao động cần tiếp tục được cải thiện. Về phía các nhà tuyển dụng, cần quan tâm hơn về tiền lương, thu nhập và quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là tập trung đào tạo nghề cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường, tổ chức các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu nền kinh tế. Khi đó thì khả năng khớp nối cung – cầu lao động mới tốt hơn, việc làm lúc đó mới thực sự bền vững. Với vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian qua Trung tâm đã làm khá tốt vai trò phục vụ công tác quản lý Nhà nước về công tác lao động – việc làm, năm 2022 đã triển khai thực hiện khá tốt các hoạt động thông tin, kết nối việc làm”, ông Tuấn cho biết thêm.
Theo Minh Tâm – Hà Hằng
Link gốc: http://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-nhieu-doanh-nghiep-chay-dua-tuyen-dung-lao-dong-dau-nam-a592124.html