Nghệ An: Đặc sản trám đen được giá, hái không kịp để bán

Những ngày này, người dân huyện Thanh Chương đang thu hoạch quả trám đen. Trám năm nay được giá, người dân hái không kịp để bán cho thương lái.

0

Trám đen Thanh Chương được trồng chủ yếu trong vườn nhà, vườn đồi. Phần lớn số lượng cây trám cho quả nhiều hiện nay là trám thuần chủng, lâu năm, cây cao, tán rộng, quả nhiều phân bố rải rác ở các xã vùng núi. Nhà trồng ít thì có 1 – 2 cây, nhà nhiều thì có 7 – 8 cây. Đặc biệt, một số hộ có cả vườn với hàng chục cây trám đang cho quả. Ảnh: Huy Thư

Theo bà con nông dân, trám năm nay không được mùa lắm và chín muộn hơn mọi năm. Những năm trước, cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy âm lịch, trám đã chín rộ, nhưng nay đã gần Rằm tháng Bảy mới vào mùa. Khi trám chín phải thu hoạch đúng thời gian, nếu thu hái sớm thì nhiều quả xanh, nếu thu hái muộn, quả trám sẽ bị dính nhiều nhựa, gọi là “trám hôi đèn”. Ảnh: Huy Thư

Dịp này, những người làm nghề hái trám, dân buôn trám non (mua trám trên cây) tăng cường việc thu hoạch trám. Địa phương nào có trám nhiều cũng hình thành những đội quân đi hái trám thuê, họ đi theo nhóm từ 2 – 5 người. Một số người vừa là dân buôn trám non, vừa là người hái trám. Ảnh: Huy Thư

Thu hoạch trám ở những địa hình cheo leo, lắm cỏ cây, người đi hái trám thường giăng lưới quanh gốc trám. Nhờ có những tấm lưới rộng, việc thu hoạch trám cạnh bờ ao, bờ suối vẫn diễn ra an toàn, ít bị hao hụt. Ảnh: Huy Thư

Hái trám là một công việc khó khăn và nguy hiểm, người hái phải trèo lên cây, cầm sào chọc cho từng quả trám rụng xuống đất. Những người hái trám cẩn thận thường đeo dây bảo hiểm phòng khi bất trắc, nhưng không ít thợ hái trám chỉ “trèo buông” không đeo bảo hiểm, vì theo họ “đeo vào vướng khó làm”. Ảnh: Huy Thư

Mùa trám đến đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Tại huyện Thanh Chương, các xã như Thanh Nho, Thanh Lĩnh, Thanh Tiên… là những địa phương có nhiều người dân làm nghề buôn trám và hái trám. Đặc biệt, như xã Thanh Nho có khoảng 100 lao động theo nghề hái trám. Tiền công của người hái trám là 500.000 – 600.000 đồng/ngày, còn người nhặt trám là 200 000 – 250 000 đồng/ngày. Ảnh: Huy Thư

Những năm qua, khi trám đen trở thành đặc sản là loại thực phẩm sạch, ngon được nhiều người ưa chuộng, bán được giá trên thị trường “đắt như tôm tươi”, người trồng trám ở huyện Thanh Chương dường như cũng vui hơn. Mỗi hộ, trong vườn chỉ cần có vài ba cây trám thuần chủng cho quả sai là mùa trám nào cũng kiếm tiền chục triệu đồng trong tay. Tuy nhiên, để cây trám thuần chủng có quả cũng phải mất 7 – 8 năm trồng và chăm sóc. Ông Nguyễn Văn Vịnh (71 tuổi) ở xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) cho hay, gia đình ông có 2 cây trám cho quả. Năm nay bán cho thương lái từ đầu mùa, được 7,5 triệu đồng. Ảnh: Huy Thư

Ông Nguyễn Đình Kỳ – một người buôn trám kiêm trèo trám lâu năm ở xã Thanh Nho cho biết: “Phần lớn cây trám cao hiện nay cho thu hoạch trên dưới 1 tạ quả/cây. Một số cây lớn thu hái được từ 3 tạ quả, đặc biệt, có cây 4,5 tạ quả”. Ước tính mỗi năm huyện Thanh Chương có hàng trăm tấn trám quả bán ra thị trường. Trám Thanh Chương thơm ngon, mang hương vị đặc trưng và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như trám om, trám xào, trám rim mặn ngọt, trám nấu giả cầy, trám kho thịt, xôi trám, trám muối… Ảnh: Huy Thư

Trám đen sau khi thu hoạch thường được lựa chọn, loại những quả mới chín tới, quả sâu, chàm để trám quả có chất lượng tốt nhất. Tùy vào việc bán trám cả cây cho lái buôn hay các hộ dân tự hái bán, mà trám được tiêu thụ ở chợ quê hoặc được đưa đi xa. Những gia đình tự hái trám bán thường phải có người biết trèo cây. Năm ngoái, do dịch bệnh, trám đen giảm giá mạnh (40.000 – 60.000 đồng/kg). Năm nay, trám bán lẻ ở các chợ tại huyện Thanh Chương có giá trên dưới 100.000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư

Trên địa bàn Thanh Chương có nhiều điểm thu mua trám. Riêng tại xã Thanh Nho có 7 – 8 điểm. Từ các cơ sở thu mua này, trám đen được tập kết, đóng bao và vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong Nam, ngoài Bắc, nhiều nhất là Hà Nội. Bà Trần Thị Thảo (44 tuổi) ở xã Thanh Liên cho biết: “Hiện tại đang đầu vụ, trám chưa nhiều, mỗi ngày cơ sở mới chỉ thu mua được khoảng 1 tấn trám, có bao nhiêu nhập hết bấy nhiêu”. Ảnh: Huy Thư

Thu hoạch trám ở huyện Thanh Chương. Video: Huy Thư.

Theo Huy Thư

Link gốc: https://baonghean.vn/nghe-an-dac-san-tram-den-duoc-gia-hai-khong-kip-de-ban-post257234.html