Nghệ An: Công điện hoả tốc chủ động ứng phó với mưa lũ
UBND tỉnh Nghệ An vừa có công điện hoả tốc chỉ đạo chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Dự báo mưa lớn trong những ngày tới
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ ngày 13/10 đến ngày 15/10, ở Nghệ An có mưa vừa đến mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100mm, có nơi trên 150mm và còn diễn biến phức tạp; nguy cơ cao xảy ra ngập sâu tại vùng trũng thấp, ngập úng tại đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Thực hiện Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung, để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, đã có Công điện hoả tốc số 30/CĐ-UBND ngày 13/10 về chủ động ứng phó với mưa lũ.
Trong đó, yêu cầu Ban Chỉ huy huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai.
Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tổ chức rà soát, chủ động sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.
Chủ động triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại. Tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; đồng thời hướng dẫn người dân tại các khu vực thường xuyên bị tác động của thiên tai dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đề phòng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, kéo dài nhiều ngày.
Đặc biệt, phải chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Huyện miền núi thiệt hại nặng sau lũ
Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn, gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Đặc biệt, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Quỳ Châu.
Ngày 4/10/2023, UBND huyện Quỳ Châu có Báo cáo số 37/BC-UBND tổng hợp thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra từ ngày 26-27/9. Về thiệt hại, có 1 người chết đuối là ông Lữ Văn Kh. (SN 1952), trú tại bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tìm thấy thi thể lúc 12h30 ngày 29/9/2023.
Địa phương phải thực hiện di dời đến nơi an toàn trên 5.000 người. Có 1 nhà ở bị sập hoàn toàn (ở xã Châu Nga), 1.371 nhà/30 khối, bản bị ngập lụt. Quốc lộ 48A với chiều dài khoảng 44 km bị chia cắt 8 điểm; Quốc lộ 48D có 8 điểm sạt lở hàng trăm khối đất, đá; Tỉnh lộ 544 dài khoảng 34 km có 3 điểm sạt lở tại dốc Bù Xen; tuyến đường Châu Thuận – Châu Hội bị sạt lở 3 điểm; nhiều tuyến đường chính của các xã bị sạt lở, chia cắt nhiều thôn, bản; tất cả các cầu tràn trên địa bàn huyện bị ngập hoàn toàn. Nhiều công trình thủy lợi bị sạt lở, cuốn trôi, hư hỏng, như hồ chứa nước nhỏ Huôi Húng; kè Minh Châu…
Toàn huyện Quỳ Châu bị đổ gãy 40 cột hạ thế, 5 cột trung thế; 3 trạm biến áp, 2 máy đóng ngắt điện từ xa bị ngập. Có 15 trạm BTS của Vinaphone, 7 trạm của Viettel bị hư hỏng và mất sóng.
36/36 trường học phải nghỉ học; 14.906 học sinh phải nghỉ học do ảnh hưởng mưa lớn, trong đó, có hơn 100 học sinh Trường THPT Quỳ Châu ở trọ nội trú, và trong các hộ dân bị mất hết sách vở, tư trang học tập; có 5 điểm trường và 4 trạm y tế ở các xã Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Hội, Châu Bình bị ngập sâu trong nước.
Lũ lụt đã làm 850,48 ha lúa hè thu – mùa, 123,29 ha hoa màu và 190,79 ha thủy sản bị thiệt hại; 234,45 ha cây trồng hàng năm bị ngập, gãy đổ; 776 con gia súc trâu, bò, lợn cùng 23.032 con gia cầm bị chết. Nhiều cơ quan, đơn vị và hộ dân bị thiệt hại về đồ điện tử, đồ gia dụng, ô tô, xe máy… Ước tính tổng thiệt hại toàn địa bàn huyện Quỳ Châu lên đến 177.331 triệu đồng.
Tại Báo cáo số 37/BC-UBND, huyện Quỳ Châu xác định, dẫn đến thiệt hại là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 26/9/2023 đến ngày 27/9/2023, đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trên 310mm, lũ trên thượng nguồn chảy về lớn, đồng thời, các nhà máy thủy điện như Nhạn Hạc, Châu Thắng, Nậm Pông đã xả lũ với lưu lượng 2.000 – 2.500 m3/s, gây ngập lụt diện rộng trên toàn địa bàn huyện.
Bởi vậy, cùng với kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh xem xét sớm hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại, UBND huyện Quỳ Châu còn đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ, đánh giá nguyên nhân gây lũ lụt, trong đó, xem xét quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện trong việc xả lũ ngày 27/9/2023.
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn: nguoiduatin.vn