Nghệ An: Chợ truyền thống ế ẩm, xuống cấp

Hầu hết các chợ truyền thống tại Nghệ An đang xuống cấp do không được đầu tư nâng cấp và phải đối mặt với tình trạng tiểu thương sang nhượng vì vắng khách.

0

Dù các hoạt động kinh tế – xã hội đã trở lại bình thường nhưng tình trạng buôn bán tại nhiều chợ truyền thống như chợ Vinh, chợ Ga, chợ Quán Lau, chợ Hưng Dũng… ở TP. Vinh (Nghệ An) vẫn ế ẩm. Nhiều tiểu thương vẫn tiếp tục treo biển sang nhượng, cho thuê sạp.

Bỏ sạp hàng loạt vì thua lỗ

Bà Nguyễn Thị Hằng – tiểu thương tại chợ Vinh (TP. Vinh) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán đến nay bà nghỉ bán hàng vì vắng khách, gần đây mới mở bán trở lại nhưng với tình hình buôn bán ế ẩm, có khả năng bà phải nghỉ tiếp.

Khách hàng thưa thớt tại khu vực bán hàng tươi sống ở chợ Quán Lau TP.Vinh

Theo bà Hằng, mặt hàng quần áo chủ yếu bán sỉ cho khách ở các huyện và vài tỉnh lân cận nhưng hiện tại sức mua chỉ bằng 1/10 lúc ổn định trước dịch, nhiều tiểu thương chỉ bán nửa ngày là đóng sạp. Trong khi đó, các chi phí vẫn giữ nguyên nên nhiều người không gồng gánh nổi.

Tiền phí, tiền thuế, tiền thuê nhân công, tổng cộng mỗi tháng tiêu tốn cố định gần 10 triệu đồng, và đây cũng là số tiền tôi thua lỗ mỗi tháng”, bà Hằng nhẩm tính.

Cũng như bà Hằng, bà Nga – kinh doanh thời trang tại chợ Quán Lau (phường Trường Thi, TP. Vinh) cho biết, tình trạng tiểu thương đóng ốt, tạm ngừng kinh doanh chiếm đến 30-40%. Trong đó, có nhiều chợ tiểu thương treo biển sang nhượng lại ốt, quán.

Không mở cửa thì lo hàng tồn đọng, ẩm mốc. Mở thì không bán được, tốn thêm tiền điện, tiền thuế. Nay, đã vào hè nhưng cũng chưa dám lấy hàng mới về nhiều, vì cả ngày có khi không có khách vào hỏi muaDo lớn tuổi và cũng quen nghề rồi nên nhiều tiểu thương không ra bán thì không biết làm gì, đành “cố đấm ăn xôi”. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ thuế, phí, được phần nào hay phần đó để tiểu thương vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Nga nói.

Trong khi đó, theo chị Ngô Thị Lan – hộ kinh doanh vải tại chợ Ga Vinh, cho biết, phần lớn khách mua vải với số lượng lớn là khách huyện. Do lượng khách quá ít nên sức mua giảm đến 70% so với lúc ổn định.

“Doanh thu mỗi ngày chỉ đủ để trả thuế, phí và tiền nhân công, thậm chí có lúc lỗ“, chị Lan cho biết.

Hình ảnh nhếch nhác, sập sệ tạị chợ Bến Thuỷ (TP. Vinh)

Bà Nguyễn Thị Hà, kinh doanh thịt lợn ở chợ Hưng Dũng (TP. Vinh) tâm sự, đã gần 10 năm, chưa năm nào bà thấy tình trạng ế ẩm kéo dài như năm nay. “Kể cả dịp Tết vừa qua sức mua cũng giảm mạnh, chỉ bằng 60-70% so với các Tết trước. Ra Tết cho đến nay, sức mua giảm sút hoàn toàn, nếu như trước kia, mỗi ngày bán 1,5-2 tạ thịt trong buổi sáng thì nay, cao lắm cũng được 50-70 kg mà phải ngồi bán cả ngày. Riêng từ đầu tháng 3 đến nay thì còn ế hơn khi các nhà hàng, quán nhậu cũng rơi vào cảnh ế ẩm nên nhiều mối đặt hàng thịt lợn cắt bỏ”, bà Hà cho biết.

Chỉ sang quầy bên cạnh đang treo biển “sang quầy”, bà Hà cho hay, quầy này trước là của cháu bà nhưng vì không bán được hàng nên đã sang sạp đổi việc. “Từ khi có dịch làm ăn khó nên nhiều tiểu thương đành phải tìm cách khác kiếm kế sinh nhai“, bà Hà cho biết.

Khó khăn chung

Ông Nguyễn Hữu Đắc – Trưởng Ban quản lý chợ Vinh cho biết, cả khu vực chợ Vinh có trên 3.000 ki ốt. Từ thời điểm sau dịch đến nay, các tiểu thương bỏ chợ, sang nhượng quầy ốt rất nhiều. Cụ thể, ở khu đình chính với hơn 1.000 ki ốt nhưng đến nay đã giảm đến 10-15%; còn khu đình Tây cũng trên 900 ki ốt bán chủ yếu các mặt hàng như: gạo, thịt, mắm, muối… nay tiểu thương cũng bỏ chợ đến 70-80%.

Dãy dài các ki ốt ở các chợ truyền thống đóng cửa im lìm

Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp tháo gỡ các khó khăn hiện nay. Các chính sách hỗ trợ cho các tiểu thương thì chỉ có vào đợt dịch và theo chủ trương chung của chính quyền, còn chợ chỉ quản lý và thực hiện công tác thu hộ chi hộ là chính“, ông Đắc nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương – bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Nghệ An – cho hay: “Chợ truyền thống vắng chủ yếu do khách hàng mua qua kênh online và khó khăn chung về kinh tế, nên người dân càng thắt chặt chi tiêu. Sở Công Thương đã ghi nhận khó khăn của tiểu thương và đây cũng là khó khăn chung của nhiều chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thời gian tới không chỉ chợ truyền thống mà cả ngành hàng bán lẻ cũng rơi vào khó khăn chung… “, bà Hà thông tin.

Chợ truyền thống cần thay đổi

Ban quản lý các chợ truyền thống ở Nghệ An khác cũng xác nhận, hoạt động tại các chợ kém hiệu quả do hạ tầng xuống cấp, đồng thời tiểu thương phải cạnh tranh với kênh thương mại hiện đại, buôn bán hàng rong bủa vây chợ…

Ông Nguyễn Hữu Đắc – Trưởng ban quản lý chợ Vinh cho biết, nguyên nhân khiến tiểu thương bỏ sạp là do dịch bệnh nhưng cũng còn do tiểu thương không bắt kịp xu hướng mua hàng qua mạng. Ngoài ra, tiểu thương còn khó có thể cạnh tranh được với những hàng rong ven đường, ven chợ và các siêu thị lớn bởi thiếu sự tiện lợi và cạnh tranh về giá.

Theo ông Đắc, dịch Covid-19 khiến các hộ chuyển hướng kinh doanh tại nhà, hay hàng rong… rất nhiều, những hàng rong này có địa điểm thuận tiện cho việc mua bán. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị ngày càng nhiều cùng sự hiện đại hóa, thuận tiện cũng hút khách từ chợ truyền thống.

“Trước kia chỉ có một vài chuỗi siêu thị thì nay có hàng chục chuỗi và cửa hàng bán lẻ. Siêu thị ngày càng mở rộng, hiện đại, đa dạng hàng hóa, thuận tiện, chi phí rõ ràng, cơ sở vật chất tốt, phục vụ tận tình nên hút khách hơn. Trong khi đó, vào chợ rất bất tiện vì phải gửi xe, nóng nực, phải trả giá mệt mỏi…”, ông Đắc phân tích.

Theo ông Đắc, chợ truyền thống hiện tại chưa có sự đột phá, nhiều khu bán hàng xập xệ nhếch nhác, thậm chí còn gắn liền với một số hình ảnh xấu như chặt chém, móc túi.

Để có thể phục hồi và phát triển lâu dài, để tiểu thương quay trở lại, ngoài những gói hỗ trợ của Nhà nước, cần tổ chức những khóa đào tạo về pháp luật, đặc biệt về công nghệ cho tiểu thương. Bởi với người trẻ thì điều này rất dễ nhưng tiểu thương trong chợ phần đông là những người đã có tuổi, rất ngại thay đổi”, ông Đắc chia sẻ.

Cùng quan điểm – bà Trần Thị Mỹ Hà cho biết, buôn bán trong chợ sẽ phải chịu rất nhiều loại thuế phí như thuế sạp, thuế vệ sinh, điện nước, mặt bằng… dịch Covid-19 như một chất xúc tác thổi bùng một văn hóa mới trong mua sắm. Do vậy cần phải hiện đại hóa chợ truyền thống, nếu không sẽ rất khó để phục hồi, phát triển.

“Cần chuyển đổi công năng, phải chuyên nghiệp hóa chợ truyền thống, từ chỗ gửi xe tới chỗ đi vào chợ. Cần cải tiến giống như các siêu thị, làm sao chợ cũng mát mẻ, tiện lợi, bán hàng văn minh…”, bà Hà đề nghị.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện địa phương này có 405 chợ truyền thống. Các chợ được hình thành từ rất lâu, cùng với quá trình hình thành khu dân cư. Đến nay, phần lớn chợ truyền thống ở thành phố đã xuống cấp, các tiện ích công cộng vừa thiếu thốn vừa lạc hậu, thiếu hệ thống xử lý nước thải, thiếu kho bảo quản hàng hóa, diện tích điểm kinh doanh chưa đạt chuẩn.
Theo Hoàng Trinh

 

Link gốc: https://congthuong.vn/nghe-an-cho-truyen-thong-e-am-xuong-cap-249310.html