Nghệ An: Bãi rác ô nhiễm, đầu tư công nghệ lò đốt rác “không nhãn mác”?

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang "loay hoay" về vấn đề xử lý rác thải rắn sinh hoạt. Vì thế, một số huyện đã được đầu tư hệ thống nhà máy xử lý với nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, những công trình hàng tỷ đồng sử dựng vốn ngân sách của nhà nước đã sớm bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Bãi rác quá tải gây ô nhiễm

Theo tìm hiểu của của chúng tôi, bãi rác tập trung của huyện Đô Lương ở xã Hồng Sơn được phê duyệt xây dựng từ năm 2009, với tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng. Quy mô bãi có diện tích 4,2 ha. Hệ thống bãi rác xử lý gồm 4 ô chôn lấp rác với diện tích 22.652 m2, khối tích chôn lấp theo thiết kế là 142.713 m3.

5.jpg
Bãi rác huyện Đô Lương tại xã Hồng Sơn đã quá tải, ô nhiễm.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, bãi chôn lấp rác thải tập trung của huyện Đô Lương trở nên quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến cho hàng trăm hộ dân ở xã Hồng Sơn sống xung quanh vô cùng bức xúc. Nguyên nhân được xác định do quy mô không đáp ứng được lượng rác thải của 33 xã, thị trấn. Vì vậy, với quy mô diện tích như vậy chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tập kết, xử lý cho 14 đơn vị xã, thị trấn và rác thải sinh hoạt của Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương.

Được biết, về phương án thu gom, UBND huyện Đô Lương đã phối hợp với Công ty CP hợp tác đầu tư và phát triển Môi trường Đô Lương để thu gom, vận chuyển rác thải lên bãi rác tập trung của huyện đặt tại xã Hồng Sơn như đã nói ở trên.

8.jpg
Khu chứa nước rỉ rác đen ngòm.

Những năm trước, người dân xã Hồng Sơn phản ánh, kể từ khi huyện Đô Lương xây dựng bãi tập kết rác thải tại địa phương này cũng đồng nghĩa với việc người dân phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh từ bãi rác gây ra.

Đặc biệt, hàng chục hộ dân ở xóm 9, xã Hồng Sơn sinh sống gần bãi rác bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Có khoảng 10 hộ dân với 40 nhân khẩu khi chưa được di chuyển tái định cư hàng ngày bị bãi rác này “tra tấn” vì ô nhiễm môi trường.

Không những sống chung với không khí ô nhiễm, ruồi nhặng, người dân ở đây còn phải sống chung nguồn nước bẩn chảy từ bãi rác vào vườn nhà. Để đối phó với nguồn nước chảy từ bãi rác, họ đã phải chung tiền đào những mương nhỏ để “nắn dòng” nước đen không cho chảy vào vườn nhà. Tất cả các hộ ở đây phải trữ nước mưa để dùng trong nhiều tháng liên tục suốt thời gian qua.

1.jpg
Hệ thống lò đốt rác thải do nhà thầu là Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế cung ứng và thực hiện.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, quá tải của bãi rác thải tập trung huyện Đô Lương tại xã Hồng Sơn vào cuối năm 2020, huyện Đô Lương đã bố trí thêm kinh phí hơn 4 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án xây dựng hệ thống lò đốt rác thải tại xã Hồng Sơn. Công trình này do nhà thầu là Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế có địa chỉ tại xóm 8, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) trúng thầu thi công.

Theo ghi nhận của phóng viên trong những tháng đầu năm 2022, bãi rác Đô Lương hiện đã quá tải, khối lượng rác được đổ tập kết, chôn lấp tại đây đã rất lớn. Phía dưới, các hố gom nước rỉ rác bèo Tây mọc um tùm nhưng vẫn lộ rõ một màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến nguy cơ ô nhiễm trên diện rộng rất lớn.

Lo ngại tính hiệu quả những lò đốt rác…”không nhãn mác”

Tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, vào tháng 10/2020, Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế “một mình một chợ” trúng gói thầu dự án xây dựng và mua sắm hệ thống lò đốt rác thải với nguồn vốn hơn 3,6 tỷ đồng.

Đáng quan tâm, qua quá trình “mục sở thị” ở bãi rác thải tập trung của 02 huyện Đô Lương và Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An các công trình phục cho quá trình đốt rác mà Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế trúng thầu thi công xây dựng đều “y sao” như nhau và cho đến nay các lò đốt này đều chưa hề đi vào hoạt động.

2.jpg
3.jpg
Lò đốt rác do Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế lắp đặt không hề thấy có “nhãn mác”.

Theo tài liệu PV có được, riêng ở huyện Quỳ Hợp, bản “y sao” về công nghệ thi công, yêu cầu kỹ thuật…đều được “bê nguyên” từ huyện Đô Lương từ các thông số cho đến vật liệu đầu vào.

Cụ thể, tại hạng mục xây dựng nhà đốt rác: Kích thước18x8 (m), nhà khung thép, nền Bê tông lót móng đá 4×6 M100# dày 10 cm, Móng BT đá 1×2, M200#; kết cấu cột, vì kèo bằng thép hình, sơn chống gỉ; mái lợp tôn mạ màu dày 0.45mm, xà gồ thép hộp sơn chống gỉ; nền đổ bê tông cốt thép đá 1×2, M200#…

7.jpg
Lò đốt tại huyện Quỳ Hợp “bê nguyên bản sao” về công nghệ thi công, yêu cầu kỹ thuật… từ dự án tại huyện Đô Lương từ các thông số cho đến vật liệu đầu vào.

Còn phần phần thiết bị hồ sơ yêu cầu mua sắm hệ thống lò đốt rác công suất 700kg rác thải sinh hoạt/giờ (Độ ẩm tiêu chuẩn 20%). Thiết bị lò đốt rác vận hành theo công nghệ khí hóa chất thải áp suất âm, cấp khí tự nhiên, rác thải cháy.

Cả 02 điểm xử lý công nghệ đốt rác ở huyện Đô Lương và Quỳ Hợp đều có yêu cầu hạng mục triển khai lắp trạm cân 15T: Kích thước: 3.47×10.1 (m); Bê tông lót đá 4×6 M100#; Móng bê tông cốt thép M250#; Dầm bê tông cốt thép M250; Dốc lên xuống trạm cân dài 3m đổ nền bê tông đá 1×2 Mác 250 dày 0,2m; Lắp đặt thiết bị trạm cân điện tử có tải trọng 15 tấn.

4.jpg
Một hạng mục tại bãi rác Đô Lương.

Cũng theo ghi nhận của PV, dù đã tìm “mỏi mắt” nhưng các lò đốt rác do Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế lắp đặt tại hai huyện Đô Lương và Quỳ Hợp đều không hề thấy có “nhãn mác” nhà sản xuất cũng như các thông số kỹ thuật cơ bản.

Trao đổi với PV, ông Bùi Đăng Thu – Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn, cho hay: Vấn đề ô nhiễm bãi rác trước đây ở xã Hồng Sơn là có nhưng các hộ bị ảnh hưởng đã được di dời đi nơi khác. Còn lò đốt mà huyện đầu tư nghe nói công nghệ có thể là thủ công nên vừa rồi lại có đơn vị mới vào khảo sát để đầu tư công nghệ mới hiệu quả và an toàn với môi trường hơn. Từ khi lắp đặt thì lò đốt hiện tại chưa vận hành được ngày nào cả.

Còn ông Nguyễn Công Trường – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương, thừa nhận, lò đốt rác chưa hoạt động là do chưa có trạm điện. Tuy nhiên, ông Trường cũng cho rằng việc có đơn vị mới vào khảo sát để đầu tư lò đốt mới là vì lò đốt hiện tại không đủ công suất cho cả huyện chứ không phải do công nghệ lò không đảm bảo. Khi được hỏi về lò đốt hiện tại công nghệ của nước nào thì ông Trường nói do mới được bổ nhiệm giám đốc nên chưa nắm được.

10.jpg
Các lò đốt rác mà Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Quốc tế cung ứng và thi công vẫn chưa thể vận hành.

Liên quan đến dự án tại huyện Quỳ Hợp, ông Trần Đức Lợi – Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho hay: Hiện tại huyện đã nhận bàn giao dự án nhưng chưa đi vào hoạt động vì đang tiến hành đấu thầu tìm đơn vị quản lý, vận hành. Hiện, rác thải vẫn đang được tập kết, xử lý tại các địa điểm cũ chưa chưa thể đưa vào bãi rác mới này.

Dư luận đang hết sức băn khoăn, trăn trở, thậm chí bức xúc vì tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường tại các bãi rác nói trên. Trong khi đó, việc đầu tư tiền tỷ của nhà nước về cơ bản vẫn chưa cho thấy sự hiệu quả như mong đợi. Trái lại, còn đó những hoài nghi, thắc mắc về công nghệ lò đốt cần được các cơ quan có trách nhiệm thẩm định, làm rõ.

Theo Đình Tiệp/Báo Tài nguyên & Môi trường

Link gốc: https://baotainguyenmoitruong.vn/nghe-an-bai-rac-o-nhiem-dau-tu-cong-nghe-lo-dot-rac-khong-nhan-mac-338674.html