Nghệ An: 1 người mất liên lạc, trên 5.000 người phải sơ tán do mưa lũ

Ngập lụt trên diện rộng đã khiến cho huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

6 bản bị cô lập chưa thể tiếp cận

Sáng 28/9, UBND huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã có báo cáo nhanh về thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 26/9/2023 đến ngày 27/9/2023 trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã xảy ra mưa to đến rất to lượng mưa đo được trên 310mm. Lũ trên các thượng nguồn chảy về lớn, đồng thời các nhà máy như Nhãn Hạc, Châu Thắng, Nậm Pông đã xã lũ với lưu lượng 2000 – 2500 m3/s, đã gây ngập lụt diện rộng trên toàn địa bàn huyện Quỳ Châu làm thiệt hại về tài sản, hoa màu của nhân dân.

Hàng nghìn ngôi nhà đã bị ngập sâu. Ảnh Quỳ Châu.

Tính đến 19h30 ngày 27/9, toàn huyện có tới 1.210 nhà/30 khối bản bị ngập sâu từ 1-5m, hơn 5.000 người phải di dời, sơ tán. Một người dân bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến đang mất liên lạc, danh tính nạn nhân được xác định là ông L.V.K.

Trong đó tại thị trấn Tân Lạc có 4 khối bị ngập với khoảng 200 hộ; Xã Châu Hạnh có 5 bản bị ngập với khoảng 146 hộ; Xã Châu Tiến có 4 bản bị ngập với khoảng 566 hộ, xã Châu Bình có 5 bản bị ngập với khoảng 50 hộ… Đến thời điểm hiện tại có 3 xã, 06 bản đang bị cô lập hoàn toàn, lực lượng chức năng của UBND các xã chưa thể tiếp cận.

Theo ông Võ Thái Tịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ, bắt đầu khoảng 3h ngày 27/9, nước dâng lên nhanh, đến khoảng 5h sáng, hầu hết các xóm bị chia cắt, có nơi ngập sâu hơn 3m. Địa phương đã huy động tối đa lực lượng cùng với UBND huyện, bộ đội, công an giúp dân di dời tài sản. Nước dâng nhanh khiến tuyến quốc lộ 48 qua địa bàn thị trấn Tân Lạc bị ngập sâu.

Các tuyến đường bị chia cắt. Ảnh Quỳ Châu.

Về giao thông, QL48 đoạn qua huyện Quỳ Châu bị chia cắt 8 điểm; Tỉnh lộ 544 sạt lở tại 3 điểm, chưa thể thông xe; Quốc lộ 48D cũng bị sạt lở 8 điểm. Ngoài ra, nhiều tuyến đường huyện, xã và đường dân sinh trên địa phương cũng bị sạt lở, ngập nước.

Mưa lũ cũng làm đổ gãy 40 cột điện hạ thế, 5 cột trung thế, 3 trạm biến áp; 22 trạm biến áp bị mất sóng; 7 điểm trường và 4 trạm y tế bị ngập sâu trong nước.

Về nông nghiệp, khoảng 545ha lúa hè thu bị ngập, 110ha mía, 10ha sắn, 5ha cây lâu năm bị ảnh hưởng nặng nề; 56,22ha ao hồ, 6 lồng cá, gần 1.500 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.

“Bước đầu ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng, dù chưa thống kê hết thiệt hại tài sản của nhân dân và các công trình hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện…”, báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu nêu rõ.

Cũng theo UBND huyện Quỳ Châu, địa phương này đang chỉ đạo UBND các xã, thị trấn Tân Lạc huy động các lực lượng, phương tiện  hỗ trợ các hộ gia đình bị ngập lụt, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Khi nước rút phân công cán bộ phụ trách theo từng vùng, từng xã, theo nhiệm vụ để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Nước rút đến đâu tiến hành xử lý, vệ sinh môi trường đến đó. Kịp thời cứu hộ, cứu nạn, cứu đói, lo nguồn nước sạch cho người dân những vùng bị ảnh hưởng…

Thực hiện phương án “4 tại chỗ”, đảm bảo tính mạng và tài sản người dân

Chiều 27/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã kiểm tra tình hình ngập lụt và chỉ đạo các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Sau những trận mưa lớn, trên địa bàn huyện Quỳ Châu xảy ra ngập lụt trên diện rộng, chủ yếu tại các địa phương như thị trấn Tân Lạc, Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Hội…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra tình hình ngập lụt tại khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc, tại đây có 60 hộ dân bị ngập, trong đó có hộ ngập nặng nhất gần 4 mét. Toàn thị trấn Tân Lạc có khoảng 200 hộ dân bị ngập. Để di chuyển tại các khối trên địa bàn phường phải dùng bằng thuyền, ca nô, các phương tiện không thể qua lại khu vực nội thị.

Công an huyện Quỳ Châu giúp người dân di dời đồ đạc. Ảnh Quỳ Châu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thị trấn Tân Lạc huy động các lực lượng, phương tiện hỗ trợ các hộ gia đình bị ngập lụt, di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại cụ thể để báo cáo có biện pháp khắc phục.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Quỳ Châu cùng với các xã trên địa bàn huyện thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ”, bố trí lực lượng công an, dân quân tự vệ đến hỗ trợ nhân dân di dời đến nơi an toàn và đảm bảo tài sản, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý các tình huống khi mưa lũ tiếp tục dâng cao;

Huyện phải tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông nhất là ở những nơi cầu, tràn bị ngập và khu vực nước chảy xiết. Tuyên truyền, vận động bà con tuyệt đối không đánh bắt cá trên các sông, suối khi trời đang mưa và nước đang to, tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc.

40 học sinh Quỳ Châu do nước lũ nên bị mắc kẹt trên nóc nhà. Ảnh Quỳ Châu.

Theo thống kê, trong những ngày qua, trên địa bàn Nghệ An có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến ở trung du đồng bằng ven biển 100-200mm, có nơi trên 250mm như: Tp. Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương… Riêng vùng núi lượng mưa đo được 50-100mm, có nơi trên 150mm như: Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong.

Mưa lớn trong những ngày qua, cũng khiến nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An thông báo vận hành xả nước. Các thủy điện đã có thông báo vận hành xả nước như: Thủy điện Nậm Mô, Khe Bố, Châu Thắng, Nhạn Hạc, Bản Ang… Đây cũng là nguyên nhân làm cho nước sông, suối tại các địa phương nói trên dâng cao.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn: nguoiduatin.vn