Năm học mới, kỳ vọng mới

Hôm nay (5/9), cùng với cả nước, các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Đây là năm học với nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra để vừa thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...

0

Tâm huyết chung tay vì học trò

Năm học mới đến sớm với hơn 1.700 thầy và trò Trường THPT Kỳ Sơn bởi sau bao nhiêu ngày mong đợi, một ngôi trường khang trang và hiện đại đã chính thức được hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng. Toàn bộ công trình với 245 phòng, trong đó, có 45 phòng học, 25 phòng chức năng, 126 phòng nội trú cho học sinh và 45 phòng nội trú cho giáo viên, đáp ứng cho 2.000 học sinh là món quà của Trungnam Group dành tặng cho nhà trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Duy

Việc xây dựng ngôi trường với mong muốn “không ai phải ở lại phía sau” cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với giáo dục vùng khó, với con em đồng bào dân tộc ít người. Hơn tất cả, đằng sau công trình ý nghĩa này, là sự gửi gắm, kỳ vọng để các trường vùng khó phải nỗ lực, vươn lên từng bước phát triển, học sinh ở vùng sâu, vùng xa phải chăm chỉ học tập để hướng tới tương lai, thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu.

Từ hôm nay, thầy và trò của Trường THPT Kỳ Sơn đã yên tâm học tập, sinh hoạt, không phải lo nơi ăn, chốn nghỉ. Từ hôm nay, nhà trường cũng đặt quyết tâm để xây dựng trường chuẩn quốc gia trong tương lai gần, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học, đưa giáo dục Kỳ Sơn từng bước vươn lên, tiệm cận với giáo dục toàn tỉnh.

Trước thềm năm học mới, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều công trình ý nghĩa đã được thi công và kịp thời khánh thành để thầy và trò các nhà trường có đủ điều kiện dạy và học, từng bước xóa bỏ phòng học tạm, xuống cấp, xóa nhà tranh tre, cũ nát.

Tại điểm trường Đồng Tiến – Trường Tiểu học Lạng Khê (Con Cuông), sau 3 tháng thi công, công trình xây dựng điểm trường lẻ với 6 phòng học, khu nhà hiệu bộ, các công trình hiệu bộ, khuôn viên sân trường… do Tập đoàn xây dựng Delta quyên góp ủng hộ đã được khánh thành và đưa vào sử dụng. Những phòng học khang trang “trường ra trường, lớp ra lớp” cũng là ước mơ bấy lâu nay của cô và trò, người dân địa phương nhằm thay thế cho những phòng học đã bị xuống cấp hư hỏng.

Niềm vui của cô và trò Trường Tiểu học Lạng Khê (Con Cuông) trong ngày khánh thành ngôi trường mới. Ảnh: P.V

Cô giáo Trương Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạng Khê cho biết: Lạng Khê là một xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn nhiều khó khăn, ngoài điểm trường chính chúng tôi còn có 2 điểm trường lẻ, cách xa từ 7 – 8 km, điều kiện đi lại khó khăn do địa hình bị chia cắt. Nhiều năm nay, các điểm trường lẻ đều xuống cấp, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy và học của nhà trường và thiệt thòi cho học sinh. Nay chúng tôi có trường mới, nhà trường thực sự vui sướng và biết ơn sự quan tâm của các đơn vị. Chúng tôi tin rằng, đây sẽ là cơ sở để nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học, vững vàng tự tin bước vào năm học mới, thực hiện tốt các phong trào thi đua của ngành.

Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, với mong muốn không học sinh nào phải bỏ học vì thiếu sách, thiếu vở, những ngày qua, hàng nghìn món quà cũng được các tổ chức, cá nhân gửi đến học sinh nghèo, học sinh khó khăn trên toàn tỉnh. Song song với đó, nhiều chương trình thiết thực, đầy tính nhân văn cũng được tổ chức nhằm “nâng bước học sinh đến trường”.

Đó là Chương trình “Chia sẻ yêu thương, cùng em đến trường” do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tại huyện Nghi Lộc nhằm động viên, hỗ trợ cho con công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, tạo động lực tinh thần cho các cháu vượt khó vươn lên, trước thềm năm học mới 2022-2023. Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An đã đến tặng quà cho những học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Vinh. Hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp sức đến trường”, Công đoàn Trường THPT Lê Viết Thuật đã trao tặng 500 cuốn vở và 50 bộ sách giáo khoa cho Trường THPT Tương Dương 1 để giúp đỡ các em học sinh nghèo có điều kiện tốt hơn bước vào năm học mới.

Hội Khuyến học tỉnh trao quà cho học sinh khó khăn của Trường THPT Nghi Lộc 4. Ảnh: Mỹ Hà

Hội Khuyến học Nghệ An cũng đã kịp thời triển khai Chương trình “Tháng khuyến học” với mong muốn kêu gọi các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, con em quê hương làm ăn thành đạt cùng chung tay xây dựng quỹ khuyến học tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình chính sách được yên tâm đến trường.

Là một trong những học sinh nhận được sự hỗ trợ của chương trình này, học sinh Lê Thị Thúy Hằng – lớp 11C2, Trường THPT Nghi Lộc 4 chia sẻ: Bố cháu mất sớm khi cháu mới 10 tuổi nên hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, một mình mẹ cháu làm công nhân nuôi hai chị em ăn học. Vì hoàn cảnh đặc biệt, nên những năm cháu đi học, cháu đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà trường, của thầy cô và đó là động lực để cháu cố gắng học tập.

Xây dựng môi trường giáo dục toàn diện

Sau gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm học 2022 – 2023 được bắt đầu với niềm vui khi học sinh được hưởng trọn vẹn không khí náo nức của ngày khai giảng. Những ngày qua, để chuẩn bị cho ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, tại khắp các trường học trên toàn tỉnh đều đã được chỉnh trang đẹp đẽ hơn, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Trong năm học này, Nghệ An cũng sẽ bắt đầu thí điểm các mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, xây dựng mô hình hoạt động của trường PTDT bán trú kiểu mới ở tiểu học và THCS, thí điểm Trường PTDT bán trú THPT, triển khai hoạt động giáo dục tăng cường như tăng cường dạy học Ngoại ngữ, Tin học, giáo dục Stem và các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, an toàn cho học sinh… Sự thay đổi này cũng kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường, thúc đẩy xây dựng môi trường giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục miền núi.

Năm học này cũng là năm thứ 3 toàn ngành Giáo dục thực hiện việc thay sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và là năm đầu tiên thực hiện với bậc THPT.
Chương trình mới, dự báo sẽ có những khó khăn nhưng cũng đem đến những kỳ vọng mới để thay đổi cách dạy, cách học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đồng thời, phát huy được sự sáng tạo cho học sinh nhằm tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển quê hương, đất nước. Ảnh: Mỹ Hà

Như vậy, năm học 2022 – 2023 sẽ là một năm đòi hỏi toàn ngành Giáo dục phải nỗ lực, cố gắng để vừa giữ vững được chất lượng giáo dục mũi nhọn, vừa tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học này, ngành Giáo dục triển khai với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Trên cơ sở đó, ngành đưa ra nhiều giải pháp, đó là tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách về giáo dục phù hợp, ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn. Tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm có tầm nhìn và sáng tạo, đảm bảo “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”.

Giờ học của cô và trò Trường THCS Hưng Hòa (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà.

Đồng thời, xây dựng quy hoạch phát triển từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu học tập của người dân, đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học; đổi mới quản lý ngành và quản trị trường học, xây dựng môi trường giáo dục toàn diện và thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục từng cấp học, bậc học.

Theo Mỹ Hà

Link gốc: https://baonghean.vn/nam-hoc-moi-ky-vong-moi-post258299.html