Mỹ: Kết quả bầu cử giữa kỳ có ý nghĩa ‘sống còn’ với Ukraine?
Giới chức Ukraine đang lo lắng về cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ trong bối cảnh nếu đảng Cộng hòa chiến thắng, có thể làm suy yếu sự ủng hộ của Mỹ đối với Kyiv.
Theo Politico, các quan chức Ukraine và nhà lập pháp nước này đang theo dõi kỹ lưỡng những cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ.
“Chúng tôi hy vọng rằng Ukraine không trở thành nạn nhân của cuộc tranh luận đảng phái đang diễn ra tại Mỹ. Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ không chỉ của Mỹ mà còn vào sự lãnh đạo của Washington trong việc duy trì nỗ lực chung của các quốc gia khác”, bà Ivanna Klympush-Tsintsadze, cựu Phó thủ tướng Ukraine và hiện là nhà lập pháp đối lập, nói với Politico.
Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, người có thể trở thành Chủ tịch Hạ viện tiếp theo, tháng trước tuyên bố rằng sẽ không có “séc trắng” cho Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sau đó đã cố gắng xoa dịu những lo ngại về cam kết của Washington trong việc hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, phe Cộng hòa hiện đang thúc giục chính phủ phải giảm bớt ủng hộ Kyiv và chú ý nhiều hơn đến các vấn đề trong nước.
“Tôi lo lắng về phe Cộng hòa. Gần đây tôi đã đọc về cam kết của các đảng viên Cộng hòa rằng sẽ không một xu nào khác sẽ đến Ukraine nếu họ giành lại quyền kiểm soát quốc hội”, Mia Willard, một người Mỹ gốc Ukraine và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế (CSIS) cho biết.
Theo dữ liệu thăm dò mới nhất, đảng Cộng hòa đang thắng thế trong cuộc đua tiếp quản Hạ viện và có thể cả Thượng viện trong cuộc bỏ phiếu hôm 8.11.
“Tôi hy vọng rằng dù bất kể kết quả bầu cử thế nào, sẽ có sự đồng thuận của lưỡng đảng tiếp tục ủng hộ Ukraine”, Willard nói thêm.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavlo Klimkin tự tin rằng sự hỗ trợ quân sự và tài chính của Mỹ cho đất nước ông sẽ tiếp tục sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
“Tôi không thấy một số lượng lớn những người trong đảng Cộng hòa kêu gọi cắt giảm viện trợ”, Klimkin nói, nhưng thừa nhận rằng thủ tục để quốc hội Mỹ xem xét viện trợ cho Ukraine có thể trở nên phức tạp hơn.
Đối với Ukraine, Klimkin nhận định “rủi ro thực sự” là cuộc tranh luận của lưỡng đảng đang diễn ra ở Washington về thực tế rằng “Mỹ đang cống hiến nhiều hơn tất cả châu Âu” cho nỗ lực phòng vệ của Kyiv.
Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, Mỹ đã nâng tổng số cam kết về viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo lên hơn 52 tỉ euro trong khi các quốc gia khác và EU chỉ đạt hơn 29 tỉ euro.
“Mỹ hiện cam kết hỗ trợ nhiều hơn gần gấp đôi so với tất cả các quốc gia và EU cộng lại. Điều này cho thấy các quốc gia châu Âu đang hỗ trợ nhỏ giọt hoặc trì hoãn việc cấp ngân sách giúp Ukraine”, chuyên gia Christoph Trebesch của Viện Kiel cho biết.
Nhà lập pháp Ukraine Ivanna Klympush-Tsintsadze mong muốn sự ủng hộ từ châu Âu sẽ đứng vững dù sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine suy yếu nếu đảng Cộng hòa chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu giữa kỳ. Bà hy vọng Ukraine sẽ có đủ tiếng nói ở châu Âu để đảm bảo sự ủng hộ không bị yếu đi.
Tuy nhiên, một số người khác ít lạc quan hơn về việc các quốc gia châu Âu sẽ “hào phóng” hơn nếu Washington giảm sự ủng hộ và khích lệ đối với Ukraine. “Việc một số đảng viên Cộng hòa kêu gọi đóng băng sự hỗ trợ cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm hiện có của Mỹ trong việc tiếp tục hỗ trợ Kyiv”, bà Iuliia Osmolovska, cựu quan chức ngoại giao Ukraine nói.
Theo bà Osmolovska, Ukraine đã được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ trong cuộc chiến tranh với Nga. Bà cũng tin rằng Tổng thống Joe Biden sẽ có đủ khả năng để hành động độc lập hơn khi quyết định hỗ trợ quân sự cho Ukraine mà không cần tìm kiếm sự chấp thuận của quốc hội.
Nhưng bà Osmolovska cũng không loại trừ “nguy cơ kiệt quệ” từ các đồng minh của Mỹ, cho rằng Ukraine cần tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn điều đó xảy ra.
“Điều cần phải nhấn mạnh là các đối tác phương Tây chỉ có lợi khi giúp Ukraine chiến thắng càng sớm càng tốt vì một cuộc xung đột kéo dài không có lợi cho ai cả”, Osmolovska nói.
“Nhiều đồng minh khác đang noi theo Mỹ khi đưa ra các quyết định cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, nên nếu Mỹ giảm quy mô trợ giúp của họ, các quốc gia khác như Đức, Pháp và Ý có thể sẽ làm theo”, Glib Dovgych, một kỹ sư phần mềm ở Kyiv, nói.
Yaroslav Azhnyuk, chủ tịch và đồng sáng lập Petcube, một công ty công nghệ phát triển thiết bị thông minh cho vật nuôi, trụ sở tại Ukraine, cho biết “rõ ràng là các ý kiến về cách chấm dứt xung đột tại Ukraine đang được sử dụng để cạnh tranh chính trị nội bộ ở Mỹ”.
Azhnyuk cũng bày tỏ lo lắng về ảnh hưởng đối với quan điểm chính trị từ các doanh nhân và nhà đầu tư lớn người Mỹ, như David Sacks, Elon Musk và Chamath Palihapitiya. “Họ đã chia sẻ công khai các quan điểm liên quan, nói rằng Ukraine nên nhượng Crimea cho Nga, hoặc Mỹ nên ngừng hỗ trợ Ukraine để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu”, Azhnyuk nói.
Mykhailo Podolyak, cố vấn tại văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, nói rằng bất kể kết quả giữa nhiệm kỳ của Mỹ như thế nào, Kyiv sẽ vẫn “tự tin” rằng sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Ukraine sẽ vẫn đông đảo ở quốc hội. “Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đã lên tiếng đoàn kết với Ukraine, và lập trường này sẽ vẫn là sự phản ánh ý chí của người dân Mỹ”, ông nói với Politico.
“Phía Ukraine tin tưởng vào sự lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề quan trọng về hỗ trợ quốc phòng, đặc biệt là mở rộng năng lực của hệ thống phòng không Ukraine, hỗ trợ tài chính, tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moscow”, quan chức Ukraine cho hay.
Theo Hoàng Vũ
Link gốc: https://1thegioi.vn/my-ket-qua-bau-cu-giua-ky-co-y-nghia-song-con-voi-ukraine-189301.html