Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á trước thời khắc lịch sử – Bài cuối: Khi ý Đảng hợp lòng dân

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải khẳng định: Việc đề xuất chấm dứt dự án dựa trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, khách quan và thực tiễn từ đánh giá của các bộ, ngành chuyên môn, của các chuyên gia và nhà khoa học, là yêu cầu của phát triển bền vững, là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

0
Ông Võ Trọng Hải (bên phải) – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trong buổi trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết.

PV: Thưa ông, sau hơn 10 năm tạm dừng khai thác để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông, chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) khẳng định có thể tái khởi động lại Dự án Đầu tư và khai thác tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

Ông Võ Trọng Hải: Trước các tiềm ẩn nguy cơ về môi trường, về hiệu quả kinh tế – xã hội, Dự án Đầu tư và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đã được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành Trung ương xây dựng phương án cụ thể xử lý báo cáo Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp ý kiến các bộ, ngành Trung ương, Liên Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học và tỉnh Hà Tĩnh đánh giá một cách khách quan, toàn diện, nghiêm túc và cân nhắc nhiều mặt cả về lợi ích trước mắt và lâu dài. Từ năm 2017 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng cho tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.

Thực hiện Thông báo kết luận số 72-TB/TW ngày 9/5/2007 của Bộ Chính trị, yêu cầu việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo điều kiện tốt cho sự phát triển bền vững, lâu dài; tỉnh Hà Tĩnh hết sức thận trọng, khách quan, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện, nhiều mặt và nhất quán quan điểm chấm dứt dự án; với các lý do chính như sau:

Thứ nhất: Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê có quá nhiều rủi ro về mất an toàn trong quá trình khai thác, nguy cơ sự cố nghiêm trọng đến môi trường. Đến nay, công tác khảo sát địa chất vẫn còn ở mức độ hạn chế.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã khuyến cáo nguy cơ cao, nước từ ngoài biển chảy vào mỏ thông qua các hang caster, gây ngập và sạt, trượt moong mỏ (mỏ khai thác sâu đến -550m và điểm gần nhất cách bờ biển chỉ 300m); làm tụt nước ngầm khu vực xung quanh (vấn đề này trên thực tế đã xảy ra); hiện tượng cát bay, cát nhảy, động đất kích thích và đặc biệt là việc xây dựng bãi thải ngoài biển và xả nước thải ra biển với khối lượng vô cùng lớn, chưa thể khẳng định được tác động tích lũy của các kim loại nặng, độc hại đi kèm quặng sắt trong cả đời dự án 50 năm. Đồng thời, việc khai thác mỏ làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển đô thị, du lịch biển.

Thứ hai: Vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án cũng đang là câu hỏi lớn. Tổng mức đầu tư dự án được lập từ năm 2014, chưa tính toán đầy đủ chi phí đầu tư, như: Chi phí đầu tư nhà máy nước theo cam kết của TIC, chi phí đầu tư cảng biển, đê chắn sóng (với chiều dài hơn 9km, đây là hạng mục cần vốn đầu tư lớn, là cấu thành quan trọng của dự án không thể tách rời thành dự án riêng); chi phí đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, khảo sát thăm dò, mở rộng khu vực bồi thường giải phóng mặt bằng,… nếu tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư thì dự án không đảm bảo hiệu quả về mặt tài chính.

Thứ ba: Về phương án vận tải quặng, nhà đầu tư đưa ra là không thực sự khả thi. Nếu vận chuyển bằng đường bộ thì lưu lượng và tải trọng sẽ rất lớn, hệ thống đường bộ của tỉnh đã quá tải, sẽ bị hư hỏng nghiệm trọng, cần nhiều chi phí để sửa chữa, khắc phục và nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Nếu vận chuyển bằng đường biển thì dự án chưa có phương án xây dựng cảng, nếu xây dựng cũng khó khả thi vì địa điểm dự kiến xây dựng cảng là vùng bãi ngang, thường xuyên bị bồi lắng, không đảm bảo cho việc xây dựng cảng, nhất là cảng phục vụ tàu tải trọng lớn để vận chuyển quặng.

Thứ tư: Theo đề xuất của TIC thì việc triển khai dự án không gắn với Dự án nhà máy thép liên hợp là không đúng với chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo số 72-TB/TW ngày 9/5/2007 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn khi TIC không đầu tư nhà máy là chưa chắc chắn, việc khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê sẽ chịu nhiều rủi ro trong khâu tiêu thụ.

Thứ năm: Dự án được cho là góp phần tạo việc làm, dự kiến tạo ra được 3.500 lao động, tuy nhiên Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án hoàn toàn chưa tính toán đến và địa phương cũng chưa có giải pháp sinh kế cho gần 28.000 nhân khẩu của 5 xã khu vực mỏ sẽ bị thu hồi đất nếu thực hiện dự án.

Thiên nhiên không chỉ ưu ái cho Hà Tĩnh một mỏ sắt có trữ lượng lớn, mà ở đây còn có tiềm năng để phát triển du lịch biển cần được phát huy.

Quá trình tạm dừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã quyết định “cứu” dân vùng bãi ngang bị ảnh hưởng bởi Dự án Đầu tư và khai thác tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê bằng việc đầu tư nguồn lực xây dựng nông thôn mới và đưa ra nhiều quyết sách để vực dậy kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Giờ đây, trước thông tin tái khởi động dự án, lòng dân thêm một lần bất an. Là người đứng đầu tỉnh, ông muốn nói gì với người dân lúc này?

– Có thể nói trong thời gian tạm dừng dự án, đời sống của bà con nhân dân trên địa bàn các xã vùng dự án hết sức khó khăn. Do nằm trong vùng dự án, không được đầu tư nên hạ tầng giao thông, thủy lợi và hạ tầng dân sinh khác xuống cấp nghiêm trọng. Người dân không được cấp đất ở… làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.

Trung ương và tỉnh cũng đã có các giải pháp để hỗ trợ về hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất trong thời gian chờ đợi dự án. Tuy vậy, trong điều kiện dự án dừng 11 năm nay, cũng chưa có quyết định của cấp thẩm quyền quyết định chấm dứt, nên chưa thể có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả để khắc phục khó khăn, giải quyết được rốt ráo nhu cầu chính đáng của người dân, cũng như tập trung để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho người dân.

Về thông tin khởi động lại dự án, xin khẳng định rằng đây chỉ là đề xuất của nhà đầu tư, còn các bộ, ngành và tỉnh từ năm 2017 đến nay bằng nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đều đề xuất chấm dứt dự án.

Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất khoáng sản và công nghiệp khai thác khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ cần tiếp tục đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Đồng thời, ngày 11/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra thực địa khu vực dự án và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Tại buổi kiểm tra và làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện về dự án. Hiện nay, các bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.

Từ trước đến nay, Hà Tĩnh luôn nhất quán quan điểm không tái khởi động Dự án Đầu tư và khai thác tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê hẳn là có những lý do chính đáng phải không thưa ông?

– Việc đề xuất chấm dứt dự án dựa trên cơ sở đánh giá một cách khoa học, khách quan và thực tiễn từ đánh giá của các bộ, ngành chuyên môn, của các chuyên gia và nhà khoa học, là yêu cầu của phát triển bền vững, là nguyện vọng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, với các lý do như tôi đã nói ở trên.

Nếu việc dừng dự án được Chính phủ chấp thuận, tỉnh có phương án tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp chưa, thưa ông?

– Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt dự án, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xử lý các vấn đề liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Hà Tĩnh sẽ làm gì để giảm thiểu hệ lụy từ dự án và những giải pháp nào được đưa ra để phát huy tiềm năng lợi thế du lịch biển ở khu vực này, thưa ông?

– Hà Tĩnh có 137km bờ biển, phát triển dịch vụ du lịch là 1 trong 4 trụ cột của kinh tế Hà Tĩnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Khu vực mỏ sắt Thạch Khê, bãi biển huyện Lộc Hà, huyện Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên và vùng lân cận với hàng chục nghìn héc ta đất ven biển có tiềm năng rất lớn về phát triển đô thị, du lịch, sinh thái – nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các hoạt động kinh tế khác.

Do đó, sau khi cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt dự án, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư vào khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án phù hợp với tiềm năng lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hà Vy – Hạnh Nguyễn

Link gốc: http://daidoanket.vn/mo-sat-lon-nhat-dong-nam-a-truoc-thoi-khac-lich-su–bai-cuoi-khi-y-dang-hop-long-dan-5690395.html