Luật có ‘khó xử’ trước tâm lý ‘uống bù’ sau đại dịch?

Ngày 1/1/2020 Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cùng có hiệu lực đã thay đổi rất nhiều trong nhận thức của người dân về vấn đề lạm dụng rượu bia, nhất là khi tham gia giao thông.

Nhưng rồi, sau một khoảng thời gian dài bị phong tỏa vì đại dịch, hiện nay nhiều người đang có tâm lý “bung xõa” để bù lại. Và đi kèm với đó là những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ bia rượu liên tiếp tăng cao.

Tai nạn nối tiếp nhau

Từ đầu năm đến nay, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) chỉ giảm 30 người (giảm khoảng 1,07%) so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đáng nói, nhiều vụ TNGT có hậu quả nghiêm trọng, do người vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, người lao động làm việc trong cơ quan Nhà nước gây ra.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu bia. Ước tính mỗi năm, chi phí tiêu thụ rượu bia của cả nước khoảng 3,4 tỷ USD.

Gần đây nhất ngày 2/6/2022, lái xe Nguyễn Đức Thịnh điều khiển xe Audi BKS 98A – 499.44 chạy với tốc độ cao trên đường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, khi qua ngã tư giao cắt với đường Hùng Vương đã đâm vào xe mô tô khiến 3 người trong 1 gia đình tử vong tại chỗ. Điều tra sau tai nạn, lái xe này chạy xe trong tình trạng say xỉn với nồng độ cồn đo được cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Ngày 21/3 đã xảy ra vụ TNGT do lái xe Lương Duy Tân (sinh năm 1980, trú tại TP Đà Nẵng) điều khiển ô tô BKS 43A – 505.82 lưu thông trên đường Điện Biên Phủ đâm thẳng vào tiệm bánh mỳ làm 5 người bị thương. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện lái xe Tân có nồng độ cồn trong máu ở mức 0,674 miligam/lít khí thở và dương tính với ma túy do có sử dụng thuốc lắc tại sinh nhật bạn.

Cũng trong tháng 3/2022, ngày 2/3, tại khu vực đường làng phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội đã xảy ra vụ TNGT giữa ô tô BKS 30F – 631.86 do lái xe Vũ Văn Khải điều khiển và xe máy BKS 18F4 – 1080 do anh Lại Văn D. (SN 1978, quê Thái Bình) chở sau xe là chị Nguyễn Thị Th. (SN 1987, cùng quê Thái Bình). Hậu quả, anh D. và chị Th. bị thương nặng. Theo Công an quận Long Biên cho biết, lái xe Khải đã sử dụng rượu bia vào thời điểm gây tai nạn, với kết quả đo nồng độ cồn ở mức 0,8 miligam/lít khí thở, vượt gấp đôi mức xử phạt…

Tăng cường nhắc nhở, xử phạt

Ngày 1/1/2020 Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cùng có hiệu lực đã thay đổi rất nhiều trong nhận thức của người dân về vấn đề lạm dụng rượu bia, nhất là khi tham gia giao thông.

Tháng 8/2020, tức là sau 8 tháng Luật và Nghị định có hiệu lực, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, so với những năm trước, ý thức người dân có sự chuyển biến do mức xử phạt tăng cao và diện mở rộng.

Nhưng rồi, sau một khoảng thời gian dài bị phong tỏa vì đại dịch, hiện nay nhiều người dân đang có tâm lý “bung xõa” để bù lại. Và đi kèm với đó là những vụ TNGT có nguyên nhân từ bia rượu liên tiếp tăng cao.

Trao đổi với truyền thông, TS. Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho biết, các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất ATGT, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù đối tượng vi phạm. Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này, vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm thích hợp để thay đổi.

Theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tùy vào loại phương tiện điều khiển, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở người vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 18 – 40 triệu đồng và thời gian tước quyền sử dụng bằng lái tăng từ 6 tháng lên 24 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ TNGT do uống rượu bia vẫn tăng cao.

Nhiều quan điểm cũng cho rằng phải có các biện pháp cứng rắn hơn như: tăng nặng mức xử phạt, tước vĩnh viễn bằng lái xe… mới đủ sức răn đe; đồng thời, cũng cần bổ sung các quy định góp phần làm giảm việc cung cấp các đồ uống có cồn như: tăng thuế sản phẩm, tăng thuế đối với các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quy định ngày, giờ sử dụng…

Còn nhớ, cuối năm 2019, khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua và chuẩn bị có hiệu lực vào đầu năm 2020, thì khó khăn để triển khai luật đã là điều được nhìn thấy trước, do luật liên quan đến xung đột về lợi ích giữa vấn đề sức khỏe, xã hội với lợi ích về kinh tế. Đây cũng là khó khăn lớn trong quá trình xây dựng dự luật đến đưa luật vào thực tiễn.

Trả lời phỏng vấn báo chí ở thời điểm đó, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Tính khả thi của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong điều kiện của Việt Nam, chưa thể thực hiện ngay được. Nhưng chúng ta phải từng bước khắc phục và vào cuộc kiên quyết để thực hiện tốt hơn với sự tham gia, phối hợp liên ngành để đưa luật vào thực hiện hiệu quả. Mỗi cơ quan, địa phương sẽ có một cách làm khác nhau tùy theo điều cụ thể…”.

Cũng theo ông Quang, kinh nghiệm trên thế giới đã cho thấy, các dự luật liên quan đến rượu bia sẽ bị tác động rất mạnh của ngành rượu bia, bởi mâu thuẫn lợi ích. Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu bia, cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định của nhiều luật khác liên quan, vì mục tiêu lợi ích sức khỏe phải được tôn trọng.

Trước thực tiễn tâm lý “bung xõa” và những vụ TNGT có nguyên nhân từ bia rượu liên tiếp tăng cao, mới đây, ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGTQG cho biết, hiện nay, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn đang là một trong những mức xử phạt cao nhất, đặc biệt đối với lái xe ô tô. Để xác định được lái xe tái phạm hay không, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm tra, lưu giữ thông tin người vi phạm và cập nhật thường xuyên lên hệ thống để đối chiếu, phát hiện lái xe tái phạm và xử phạt nghiêm.

“Ủy ban ATGTQG đã chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành khởi động lại công tác tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm nồng độ cồn; tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể cũng tăng cường quán triệt cán bộ, viên chức không sử dụng rượu bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc… ” – theo ông Nguyễn Trọng Thái.

Ngày 3/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ quan trung ương của các đoàn thể; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu bia.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu bia không lái xe; có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm.

Theo Hồng Minh/Báo Pháp luật

Link gốc: https://baophapluat.vn/luat-co-kho-xu-truoc-tam-ly-uong-bu-sau-dai-dich-post451605.html