Lối thoát nào cho 60 dự án xen kẹt đất công tại Hà Tĩnh?
Tình trạng đất công xen kẹt trong các dự án là "nỗi khổ" lâu nay của nhiều doanh nghiệp cả nước, trong đó có Hà Tĩnh. Đất xen kẽ được coi là một trong những nỗi lo của doanh nghiệp vì chỉ cần vướng một diện tích rất nhỏ đất công trong dự án cũng rất phức tạp để xử lý.
Hàng loạt dự án “án binh bất động”
Nghị định 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định UBND cấp tỉnh quy định điều kiện cụ thể, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách khu đất thành dự án độc lập; giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý (đất công xen kẹt).
Hà Tĩnh hiện có 60 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc diện này, trong đó, UBND tỉnh chấp thuận 36 dự án, UBND cấp huyện chấp thuận 3 dự án, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh chấp thuận 21 dự án, đều nằm trong tình trạng chậm tiến độ hoặc bị đình chỉ thi công do vướng các phần đất công xen kẹt.
Chẳng hạn, dự án khu du lịch biển Hải Âu Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) của Công ty TNHH MTV Hải Âu Hà Tĩnh bị vướng gần 1ha đất do UBND xã quản lý nên dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 9/2019 và hoàn thành quy hoạch, nộp hồ sơ thuê đất nhưng đến nay, công ty vẫn chưa nhận được quyết định giao đất từ cơ quan chức năng.
Một dự án khác, Quần thể Khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Xuân Thành thuộc biển Xuân Thành (huyện Nghi Xuân) có diện tích gần 9ha với tổng mức đầu tư gần 153 tỷ đồng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2018 nhưng do vướng phần đất UBDN xã quản lý nên chưa thể thực hiện dự án. Mặc dù, nhà đầu tư này đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết, báo cáo ĐTM, GPMB nhưng 4 năm nay dự án vẫn “án binh bất động”.
“Doanh nghiệp đã gần như kiệt sức sau nhiều năm dự án bị đình trệ. Nếu không có phương án tháo gỡ thì phần lớn các dự án sẽ đóng băng, mọi công sức mà nhà đầu tư bỏ ra bao lâu nay xem như đổ sông, đổ biển”, Giám đốc một doanh nghiệp có dự án vướng đất xen kẹt cho hay.
Nghị định 148 ra đời quy định rõ về việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án có đất công xen kẹt, được xem là “phao cứu sinh” cho các dự án bị ách tắc nhiều năm nay. Một trong những điểm đột phá tại Nghị định này là Chính phủ đã trao quyền nhiều hơn cho UBND cấp tỉnh trong việc ra quyết định thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án độc lập theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp diện tích đất đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập.
Trên tinh thần đó, năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Nghị định 148. Trong đó, đối với diện tích đất công không đủ điều kiện tách thửa độc lập, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hoàn thiện văn bản về thu hồi để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án theo quy hoạch và quy định pháp luật. Đối với diện tích đất công đủ điều kiện tách thửa độc lập, giao Sở KH&ĐT chủ trì xây dựng quy định cụ thể, điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập…
Loay hoay tìm hướng giải quyết
Quy định là vậy, nhưng kể từ khi Nghị định 148 có hiệu lực đến nay, Hà Tĩnh vẫn chưa ban hành hướng dẫn, chưa có tiêu chí về các thửa đất nhỏ hẹp như thế nào sẽ được giao, cho thuê, thửa đất nào phải tách ra để đấu giá hình thành dự án mới. Điều này ảnh hưởng tới việc xem xét các hồ sơ, doanh nghiệp không thể thực hiện các bước pháp lý tiếp theo để triển khai dự án.
Tháng 7/2022, Sở KH&ĐT có văn bản gửi UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định 148/2020/NĐ-CP đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất do vướng đất xen kẹt.
Sở này kiến nghị, đối với các dự án thực hiện trên đất 100% do Nhà nước quản lý (52 dự án) mà đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất thì phải thực hiện lại thủ tục theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đối chiếu với các quy định nêu trên thì với dự án thực hiện trên 100% đất do Nhà nước quản lý, thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Còn đối với các dự án thực hiện trên đất hỗn hợp (có một phần diện tích đất do Nhà nước quản lý: 8 dự án), việc xử lý sẽ phải căn cứ vào quy định về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ tách thành dự án độc lập do UBND tỉnh ban hành. Trường hợp không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì tiếp tục thực hiện cho thuê đất theo dự án đã được chấp thuận; trường hợp đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai.
Một lãnh đạo Sở KH&ĐT lý giải thêm: “Trường hợp diện tích đất đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án độc lập đó theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất như luật pháp quy định. Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện không chậm hơn 90 ngày kể từ ngày Nhà nước có quyết định thu hồi đất”.
“Trường hợp diện tích đất không đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập thì UBND cấp tỉnh căn cứ hiện trạng sử dụng đất và điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương để tổ chức rà soát, xác định cụ thể quy mô dự án, địa điểm đầu tư và quyết định thu hồi đất để giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất và phải xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định”, vị lãnh đạo Sở này cho hay.
Tuy nhiên, đến nay do UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa ban hành tiêu chí hướng dẫn cụ thể, nên các sở, ban ngành chưa thể triển khai tháo gỡ cho 60 dự án vướng Nghị định 148 và cũng theo ý kiến của hầu hết các doanh nghiệp có đất công xen kẹt, nếu tỉnh không giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình đầu tư của họ cũng như về việc phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Theo Trương Hoa
Link gốc: https://nhadautu.vn/loi-thoat-nao-cho-60-du-an-xen-ket-dat-cong-tai-ha-tinh-d68843.html