Liên tiếp bắt các đối tượng lợi dụng báo chí để bảo kê, trục lợi số tiền lớn

Từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã phá thành công các chuyên án, bắt nhiều đối tượng lợi dụng báo chí để bảo kê xe ôtô tải, trục lợi số tiền lớn.

Cơ quan công an đọc lệnh bắt giữ Nguyễn Kim Tiến. Ảnh: Hải Đăng

Liên quan đến việc Công an tỉnh Nghệ An vừa phá thành công chuyên án, bắt đối tượng Nguyễn Kim Tiến (59 tuổi, trú phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, theo tìm hiểu của PV báo Lao Động, trước đó tại Nghệ An, dư luận đã xôn xao về hiện tượng lợi dụng báo chí để “bảo kê” xe quá tải thu lợi bất chính số tiền lớn.

Tại buổi họp báo của UBND tỉnh Nghệ An về tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Nghệ An ngày 12.1.2022, một nhà báo đã đặt câu hỏi về hiện tượng nhà báo, phóng viên lợi dụng chức danh nghề nghiệp để can thiệp, “gửi” xe ôtô quá khổ quá tải trục lợi tiền bảo kê.

Sau đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An có văn bản gửi Công an tỉnh Nghệ An đề nghị xác minh thông tin nói trên.

Được biết, một phóng viên đã có liên kết với doanh nghiệp, đứng ra nhận “bảo kê” cho xe ôtô tải với số tiền hàng chục triệu đồng/xe/tháng, xe được gắn logo G…

Sau khi thấy dư luận phản ứng và cơ quan chức năng vào cuộc, được biết, hiện tượng bảo kê nói trên đã chấm dứt.

Như Lao Động đã thông tin, ngày 8.1.2024, Công an tỉnh Nghệ An vừa phá thành công chuyên án, bắt đối tượng Nguyễn Kim Tiến (59 tuổi, trú phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Từ đầu năm 2020, Tiến tự giới thiệu là phóng viên, nhà báo, có nhiều mối quan hệ với cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông; có thể tác động, can thiệp bỏ qua lỗi cho phương tiện vi phạm.

Để được “bảo kê”, các chủ phương tiện phải đóng 10 triệu đồng/xe/tháng. Từ năm 2020 đến nay, các chủ phương tiện đã đóng tiền hằng tháng cho hơn 70 phương tiện cho Nguyễn Kim Tiến để được dán logo Công ty Kim Tiến. Tổng số tiền mà Nguyễn Kim Tiến đã lợi dụng để thu tiền từ các phương tiện là hơn 5 tỉ đồng.

Thông tin nói trên gây xôn xao dư luận vì trước khi bị bắt, đối tượng Tiến có vỏ bọc là doanh nhân thành đạt, hay làm từ thiện, được nhiều cấp khen thưởng, được tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.

Sau vụ bắt đối tượng Nguyễn Kim Tiến, dư luận đề nghị làm rõ vì sao đối tượng này có thể thực hiện việc bảo kê trong thời gian dài (3 năm) mới bị bắt.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp thẩm vấn đối tượng Lê Danh Tạo. Ảnh: Công an Hà Tĩnh

Trước đó, vào tháng 11.2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố, bắt đối tượng Lê Danh Tạo (57 tuổi, trú phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) – về hành vi “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Cụ thể, Tạo đã lấy danh nghĩa báo chí, bảo kê nhiều xe tải, thu lợi hàng tỉ đồng/tháng.

Vào tháng 11.2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Huy Lâm (46 tuổi, ngụ tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Tại cơ quan điều tra, Trần Huy Lâm khai từ năm 2019 đến nay, bị can này đã lợi dụng danh nghĩa phóng viên của cơ quan báo chí để thực hiện hành vi nhận tiền của các cá nhân, tổ chức vận tải với mục đích “bảo kê” cho các phương tiện lưu thông tuyến từ Ninh Bình đến Đồng Nai. Theo đó, hằng tháng các cá nhân, tổ chức phải nộp tiền để được Lâm “bảo kê” hoạt động trên tuyến.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn: laodong.vn