Lật tẩy chiêu lừa “xóa nợ xấu” ngân hàng

Nhiều người cần vay vốn ngân hàng nhưng gặp khó khăn, bế tắc bởi nợ xấu nên đã tìm đến các dịch vụ “hỗ trợ, xóa nợ xấu ngân hàng” mong kiếm tìm lối thoát, nhưng kết quả là "tiền mất, tật mang"…

0
Một trang quảng cáo nhận xóa nợ xấu ngân hàng. Ảnh: Nguyễn Giang

Nợ xấu được hiểu là một khoản nợ khó đòi khi người vay không có khả năng trả nợ như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Nếu một cá nhân, một doanh nghiệp vướng phải nợ xấu thì không thể vay vốn tại các ngân hàng, không thể sử dụng thẻ tín dụng, có nguy cơ bị mất tài sản bảo đảm khi vay thế chấp. Chính vì vậy, không ít người dân thiếu hiểu biết thường tìm mọi cách để xóa nợ xấu. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã giăng bẫy nhằm lừa đảo người dân chiếm đoạt tài sản.

Từng sập bẫy các đối tượng lừa đảo, chị Nguyễn Hoàng Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) là chủ một cửa kinh doanh tạp hóa chia sẻ, do cần tiền để nhập hàng, mở rộng kinh doanh, chị Hoàng Anh đã đến ngân hàng để vay 600 triệu đồng nhưng đã bị từ chối, vì năm trước chị có nợ xấu nhóm 4 tại một ngân hàng khác. Chị đã tìm kiếm trên mạng và thấy nhiều quảng cáo về dịch vụ “xóa nợ xấu” tại CIC.

“Sau khi tư vấn, họ cho biết trường hợp của tôi, chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng, sau một ngày nợ xấu của tôi sẽ được xóa hoàn toàn và dễ vay vốn hơn. Tôi đồng ý trả trước 50% phí dịch vụ là 5 triệu đồng. 3 ngày sau, tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào và cũng không thể liên lạc với họ. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa”, chị Hoàng Anh chia sẻ.

Trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Thu (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, do chị có nhu cầu vay vốn ngân hàng để khôi phục hoạt động kinh doanh nhưng không được chấp thuận vì từng có nợ xấu cách đây 4 năm. Sau khi nghe 1 người bạn là có dịch vụ “xóa nợ xấu” rất thuận tiện, chị Thu đã quyết định lên mạng xã hội tìm kiếm.

Theo chị Thu chia sẻ, tại một fanpage có tên “Dịch vụ CIC PCB – Xóa lịch sử nợ xấu”, chị Thu có liên hệ với một người tên Minh, tự nhận là nhân viên của CIC, cam kết sẽ tạo lại hồ sơ tín dụng sạch. “Anh này có hứa chỉ cần bỏ ra 15 triệu là sẽ xóa được nợ xấu của tôi trong vòng 24 -72h. Sau khi nghe lời quảng cáo hay quá, tôi đã chuyển cho người này 5 triệu đồng và hẹn thanh toán phần còn lại khi có kết quả. Tôi đã chờ 4 ngày nhưng không thấy họ gọi lại. Khi bốc máy gọi cho người tên Minh thì không liên lạc được, tôi biết mình đã bị lừa”, chị Thu bức xúc chia sẻ.

Theo các chuyên gia, thủ đoạn lừa đảo xóa nợ xấu trên CIC đã xuất hiện vài năm nay, tuy nhiên gần đây lại xuất hiện rầm rộ trở lại. Các chuyên gia đánh giá, do tình hình kinh tế vừa qua gặp nhiều khó khăn, tình trạng nợ xấu ngày một gia tăng. Hơn nữa khi đại dịch COVID-19 đã được khống chế, rất nhiều người có nhu cầu xóa nợ xấu để tiếp tục vay vốn ngân hàng. Các đối tượng này đã nắm bắt được tình hình nên tiếp tục hoạt động mạnh hơn, công khai hơn.

Thời gian gần đây, cơ quan Công an đã liên tục đưa ra những khuyến cáo đối với người dân. Cụ thể, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự nôn nóng, muốn tiếp tục được vay khi còn đang nợ và sự thiếu hiểu biết của nhiều người. Từ đó chúng lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội và đăng những lời quảng cáo nhận xóa nợ xấu, hỗ trợ vay tiền ngân hàng. Khi tiếp cận được các nạn nhân, chúng dễ dàng lấy được lòng tin của bị hại và đưa ra mức giá dịch vụ từ vài trăm, đến hàng tỷ đồng để xóa và che nợ xấu. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn làm giả giấy tờ của các tổ chức tín dụng rồi gửi đến các bị hại nhằm thúc ép chuyển tiền, bôi trơn hồ sơ. Do mọi giao dịch đều thực hiện trên không gian mạng, nên việc điều tra các đối tượng là rất khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng thực chất thì đây chỉ là hình thức lừa đảo. Ảnh: Nguyễn Giang

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC chia sẻ, mọi người phải thường xuyên kiểm tra những thông tin về doanh nghiệp và chính bản thân mình tại cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam. “Khi phát hiện ra những thông tin không chính xác, chúng ta có thể yêu cầu các đơn vị liên quan chỉnh sửa thông tin của mình để đảm bảo quyền lợi”, ông Tuấn nói.

Đáng chú ý, ông Tuấn cũng khẳng định, việc xóa thông tin nợ xấu hay can thiệp vào hệ thống thông tin CIC, không có tổ chức, cá nhân nào có thể tự thực hiện. Khi có sai sót, khách hàng cần thực hiện khiếu nại, đề nghị chỉnh sửa thông tin theo đúng quy định và được chấp thuận bởi lãnh đạo cao nhất của các ngân hàng. “Vì vậy, những quảng cáo dịch vụ xóa nợ xấu trên bất cứ kênh nào cũng đều có dấu hiệu lừa đảo”, ông Tuấn nói.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, vấn đề có nên sử dụng dịch vụ xóa nợ xấu hay không được rất nhiều người dân quan tâm khi mắc phải nợ xấu và không được xét duyệt khoản vay vốn. Bởi hiện nay nhu cầu vay vốn cũng nhiều và nhiều dịch vụ xóa nợ xấu tràn lan trên mạng khiến cho nhiều khách hàng hoang mang.

“Thực chất thì đây chỉ là hình thức lừa đảo, những dịch vụ này lợi dụng và đánh vào tâm lý nôn nóng cần gấp khoản vay vốn của khách hàng. Đồng thời còn ra giá cao để xóa nợ xấu trên CIC cho khách hàng, nhưng những dịch vụ như thế này không hề có cam kết và đảm bảo cho quyền lợi của khách hàng, vì vậy người dân không nên tin tưởng và sử dụng những dịch vụ như vậy”, luật sư Biên khuyến cáo.

Tác giả: Khôi Nguyên

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn