Làm rõ khó khăn, vướng mắc mới “cứu” được dự án BOT

Trong tổng số 140 dự án BOT giao thông được triển khai trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ban hành, hiện có 8 dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) còn vướng mắc cần xử lý, được chia thành 3 nhóm. Đây là số liệu được Thứ trưởng Bộ GTVT báo cáo tại buổi làm việc do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, ngày 24/4.

0

Luật Đầu tư theo phương thức PPP (Luật số 64/2020/QH14) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021, có nghĩa là mới hơn 3 năm. Tại Việt Nam, đầu tư theo hình thức PPP được bắt đầu thực hiện từ 1997 với chỉ duy nhất một hình thức hợp đồng BOT (theo Nghị định 77/CP ngày 18/6/1997). Đến 1998, các loại hợp đồng PPP đã được mở rộng gồm 3 loại BOT, BTO, BT. Nhắc lại như vậy để thấy, chúng ta vừa thử nghiệm, vừa hoàn thiện ra sao.

Đất nước cần huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, một thời hay gọi là “xã hội hóa”. Tuy nhiên, do môi trường pháp lý có lúc chưa đầy đủ, đang trong quá trình tiếp cận, nhận thức nên phát sinh một số xung đột cũng là điều không lạ. Đã từng có thời, có quan điểm cho rằng nhà đầu tư cứ nhận được dự án BOT là “kiếm được tiền”. Thực tế không phải như vậy, do lựa chọn dự án để làm BOT không đúng, không chuẩn, do tính toán chưa hợp lý, nên đã có những dự án BOT trong lĩnh vực giao thông bị người dân phản ứng, có dự án mà nhà đầu tư thua lỗ…

Thông tin tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết cụ thể về 3 nhóm dự án, trong đó nhóm doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi, nhóm làm nơi này được thu phí hoàn vốn nơi kia và nhóm đã hoàn thành không được thu phí. Đặc biệt có dự án doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn Nhà nước, nhưng vẫn không khả thi. Năm 2023, Bộ GTVT từng đề xuất chi hơn 10.300 tỉ mua lại 8 dự án BOT thua lỗ.

Mặc dù có một số ý kiến từ các Bộ, ngành cho rằng cần “cứu” những dự án này, tuy nhiên vấn đề không thể dễ dàng như thế. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện báo cáo làm rõ nguyên nhân khó khăn, vướng mắc của 8 dự án BOT nói trên, cũng như của các dự án BOT giao thông triển khai trước khi Luật PPP được ban hành, có hiệu lực. Trong đó, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, quá trình thay đổi, hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật trong từng thời kỳ về PPP, trách nhiệm của các bên liên quan… Những vấn đề đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương giải quyết theo thẩm quyền, trách nhiệm. Những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, thì cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ trình theo quy định.

Các giải pháp đề xuất phải theo hướng có lợi cho người dân, DN, bảo đảm chặt chẽ và minh bạch, không để xảy ra tình trạng lạm dụng để trục lợi hoặc thoái thác trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên đối với hợp đồng dự án đã ký kết. Đó là quan điểm chỉ đạo hết sức đúng đắn.

Tác giả: Ngô Đức Hành

Nguồn: Baophapluat.vn