Lãi vay hạ nhiệt, sắp có làn sóng cắt giảm lãi suất?

Một số ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay trong 2 tháng cuối năm. Động thái trên có tạo động lực cạnh tranh, lan tỏa tới nhiều ngân hàng khác trong thời gian tới hay không khi cuộc chạy đua lãi suất đầu vào vẫn tiếp tục?

0

Giảm từ 1-3,5%/năm cho doanh nghiệp vay kinh doanh

Hơn 175.000 khách hàng đang vay vốn tại Vietcombank sẽ được giảm tới 1% lãi suất cho vay dịp cuối năm. Đây là đợt giảm lãi suất với quy mô dư nợ lớn nhất của Vietcombank, nhằm chia sẻ khó khăn cùng người vay vốn.

HDBank – 1 trong 3 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay.

“Rất nhiều đối tượng khách hàng được giảm trong đợt này, trong đó là nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hoạt động nông nghiệp, môi trường… Quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% danh mục tín dụng của chúng tôi”, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường cho biết.

HDBank cũng vừa công bố sẽ giảm lãi vay cho khoảng 43.000 khách hàng từ nay đến cuối năm. Mức giảm 0,5 – 3,5%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh, thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: xuất nhập khẩu, nông nghiệp, chế biến chế tạo… ước tính, số lãi giảm khoảng 120 tỷ đồng.

Sau Vietcombank và HDBank, Agribank cuối tuần qua thông báo giảm lãi suất 20% so với lãi suất hiện hành để hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Thời gian áp dụng từ ngày 1-31/12/2022.

Cụ thể, với dư nợ phát sinh trong tháng 12/2022, Agribank sẽ giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngoài ra, khách hàng DN, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.

Như vậy, đến nay đã có 3 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế với mức giảm từ 1-3,5%/năm. Đối tượng khách hàng được giảm lãi suất tập trung ở nhóm sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, mức giảm lãi suất cho vay càng có ý nghĩa hơn khi được áp dụng trong 2 tháng cuối năm, vốn được xem là cao điểm nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DN.

Những ngày qua, NHNN cũng đề nghị các ngân hàng thương mại tăng cường cung ứng vốn, tìm cách hỗ trợ về lãi suất như tăng thấp hơn tốc độ huy động hoặc ưu đãi cho một số ngành nghề được khuyến khích; thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.

“Lãi suất đầu vào không thấp hơn, thậm chí là đang cao hơn. Để giảm lãi suất cho vay không có gì khác hơn là ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần thu nhập lãi của mình, làm cho khách hàng có động lực, nguồn lực để kinh doanh tốt hơn. Như vậy sau này ngân hàng sẽ có cơ hội làm việc với khách hàng tốt hơn trong tương lai”, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng DN HDBank thông tin.

Doanh nghiệp mong lãi suất cho vay giảm

Việc một số ngân hàng có động thái hạ lãi suất cho vay được ví như “làn gió mát”, từ đó, thị trường kỳ vọng động thái này sẽ tạo nên làn sóng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế. Ngoài lãi suất, các DN cũng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, để kịp thời phục vụ cho cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm.

Theo phản ánh của DN, nếu không được hưởng ưu đãi, họ đang phải vay với lãi suất trung bình từ 12-14%/năm, thậm chí có thể hơn. Tuy nhiên, DN vẫn khó tiếp cận vốn do vướng hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định như hiện tại cũng đã rất gian nan. Bởi lẽ, lãi suất huy động có chiều hướng tăng cao trong 2 tháng gần đây, đồng nghĩa chi phí đầu vào của ngân hàng tăng theo, thanh khoản ngân hàng chưa hết khó, nợ xấu, áp lực dự phòng vẫn là những áp lực lớn. Vì thế, việc có thể giảm lãi suất cho vay cho thấy các nhà băng rất nỗ lực chia sẻ với DN.

Việc giảm lãi suất cho vay chưa thể thể thành xu hướng mà chỉ diễn ra ở những ngân hàng có nền tảng tài chính tốt, trong thời gian ngắn và đối tượng cũng chọn lọc. Bởi hiện tại lãi suất huy động vẫn có xu hướng tăng, tạo sức ép chi phí vốn lớn đối với ngân hàng. Do đó, chỉ ngân hàng nào có lợi thế vốn rẻ mới có dư địa giảm lãi suất, hỗ trợ DN.

(PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế)

Sau thời gian ngắn ổn định, lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng lại có những bước tăng đáng chú ý trong tuần vừa qua. Theo đó, mốc 10%/năm không chỉ đã quay trở lại mà còn đang ngày càng trở nên phổ biến, khi các ngân hàng tiếp tục cạnh tranh quyết liệt ở mặt trận huy động vốn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, vai trò của ngân hàng thương mại là khá quan trọng. Đó là xem xét, cố gắng tiết giảm chi phí hơn nữa để bình ổn lãi suất cho vay hoặc chỉ tăng ở mức thấp.

Để việc giảm lãi suất cho vay có thể lan tỏa tới nhiều ngân hàng khác trong thời gian tới không dễ dàng, trong bối cảnh áp lực tăng lãi suất vẫn tiếp diễn trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cũng chia sẻ việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để NHNN xem xét, cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm sau.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới xây dựng pháp luật và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 22/9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; Thủ tướng nhấn mạnh, NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, DN phục hồi kinh tế sau dịch.
Theo Thảo Nguyên

 

Link gốc: https://kinhtedothi.vn/lai-vay-ha-nhiet-sap-co-lan-song-cat-giam-lai-suat.html